Mở hộp và trên tay hai chiếc Google Pixel XL đã 9 năm tuổi: Quá nhiều cảm xúc!

Thanh Thúy

Well-known member
Google Pixel XL là sản phẩm được Google giới thiệu toàn cầu vào năm 2016. Sản phẩm đã đặt nền móng cho một dòng điện thoại Android mang đậm dấu ấn của Google. Ở thời điểm hiện tại, người dùng vẫn có thể tìm kiếm các mẫu Google Pixel XL dưới dạng nguyên seal, nguyên hộp, song giá bán trên thị trường khá cao. Dù vậy, đây được xem là những “món đồ cổ” mà bất cứ tín đồ Google nào cũng không nên bỏ qua.
Mở hộp và trên tay hai chiếc Google Pixel XL
Tính đến thời điểm hiện tại, Google Pixel XL đã có “tuổi đời” tới gần 9 năm. Dù vậy, vẫn có nhiều người săn đón mẫu máy này nhờ sự hoài niệm trong thiết kế, những trải nghiệm thú vị cùng “đặc quyền” lưu trữ ảnh trên Google Photos không giới hạn với chất lượng gốc. Đây là điều mà không có một dòng máy nào về sau có được.

Song, mức giá của bộ đôi hiện tại khá cao. Trên Shopee, Google Pixel và Pixel XL có khoảng giá lần lượt 2,5 và 3 triệu đồng. Con số này nhỉnh hơn đại đa phần các mẫu flagship cũ khác ra mắt năm 2016, thậm chí còn cao hơn cả Pixel 2 hay Pixel 2 XL, các thế hệ kế nhiệm.
Hai chiếc Google Pixel XL mình trên tay có màu sắc lần lượt là Đen và Trắng. Ngay từ bên ngoài, vỏ hộp sản phẩm đã rất nổi bật khi in chìm mặt trước thiết bị, đi kèm dòng chữ “Pixel, Phone by Google”. Để dễ so sánh, hộp phụ kiện trên các mẫu Google Pixel sau này có kích thước nhỏ hơn hẳn do không trang bị kèm củ sạc hay phụ kiện đi kèm.

Người dùng có thể mở hộp bằng cách trượt sang bên trái. Máy với seal dán ngoài được đặt trên cùng, trong khi lớp dưới bao gồm các phụ kiện như sạc và cáp.

Từ những năm 2016, 2017, Google đã truyền thông khá mạnh cho trợ lý ảo Google Assistant (sau này là Gemini). Người dùng có thể dễ dàng thấy điều này ngay từ lớp seal dán ngoài Pixel XL.

Bên dưới hộp, Google tặng kèm người dùng rất nhiều phụ kiện khác nhau. Các món phụ kiện bao gồm một sợi cáp USB-C sang USB-C, một sợi USB-C sang USB-A, một củ sạc nhanh 18W chuẩn USB-C kèm một chiếc USB OTG.

Các phụ kiện cũng được đóng gói và hoàn thiện rất tỉ mỉ, chỉn chu. So với việc chỉ tặng một sợi cáp sạc trên các đời máy sau, có thể thấy Google đã từng “chiều” người dùng Pixel XL nhiều đến thế nào.

Hai chiếc Google Pixel XL mình trên tay có màu sắc lần lượt Đen và Trắng. Người dùng còn có một tuỳ chọn khác là Xanh Dương, cũng rất đẹp và bắt mắt.

Google Pixel XL sở hữu thiết kế mặt lưng “hai nửa” đặc trưng, với phần trên bằng kính và phần dưới là kim loại. Cảm giác cầm một chiếc flagship có phần thân kim loại thực sự mang lại nhiều hoài niệm, khi mà vật liệu này gần như đã vắng bóng trên các dòng máy cao cấp hiện nay. Cảm biến vân tay một chạm đặt ở mặt lưng, ở vị trí khá thuận tiện cho thao tác trên màn hình 5,5 inch của Pixel XL.
Visual Portfolio, Posts & Image Gallery for WordPress





Chưa kể, việc chia mặt lưng thành hai nửa cho thấy sự sáng tạo và phá cách của Google trong thiết kế của mình. Thực tế cho thấy, các đời máy sau đó như Pixel 2, Pixel 3 hay Pixel 5 đều tạo ra điểm nhấn mạnh mẽ trong ngôn ngữ thiết kế. Đến các đời gần đây, Google lựa chọn hướng đi an toàn và phổ thông hơn. Thiết kế trên những Pixel 8, Pixel 9a vẫn đặc trưng, song không còn tạo ra sự độc đáo, khác biệt so với phần còn lại.

Cạnh bên sản phẩm cũng có thiết kế rất đặc trưng, khi vị trí nút nguồn và cụm tăng giảm âm lượng được đảo ngược lại. Trên các đời máy như Pixel 4 XL, Google còn sơn màu cho nút nguồn này, giúp thiết kế càng trở nên khác biệt.

Phiên bản màu trắng của Google Pixel XL cho thấy rõ nét thiết kế mặt trước của smartphone những năm 2016. Phần viền trên và dưới được làm dày hơn, điều gần như không còn với điện thoại ngày nay. Các cảm biến như camera selfie 8MP, loa thoại, cảm biến tiệm cận và ánh sáng đều lộ rõ, chưa được thiết kế ẩn dưới màn hình. Chi tiết màu sắc cũng khá thú vị: bản màu trắng có phần kính lưng trắng nhưng phần kim loại lại là màu bạc; tương tự, bản màu đen có phần kim loại màu xám.

Sau khi khởi động, Google Pixel XL “chào đón” người dùng bằng giao diện Android 8 vô cùng hoài niệm. Thiết bị hiện hỗ trợ cập nhật chính thức lên Android 10, song người dùng có thể sử dụng thủ thuật để cài đặt các phiên bản cao hơn. Cấu hình phần cứng với chip Snapdragon 821 và 4GB RAM từng là tiêu chuẩn flagship của thời điểm đó.
Visual Portfolio, Posts & Image Gallery for WordPress







Giao diện cài đặt trên Android 8 gốc thời đó đơn giản, không có nhiều tùy chỉnh sâu về hiển thị hay tần số quét như hiện nay. Triết lý của Google khi đó là tập trung vào sự mượt mà, trải nghiệm Android thuần khiết và khả năng chụp ảnh ưu việt nhờ thuật toán.

Ngoài ra, các thiết bị Google Pixel XL còn nhận được đặc quyền lưu trữ ảnh trên nền tảng Google Photos không giới hạn dung lượng với chất lượng gốc. Cần phân biệt đặc quyền này với các mẫu Pixel kế nhiệm, khi chỉ có thể lưu trữ miễn phí với chất lượng tiêu chuẩn, tức ảnh bị nén lại. Còn kể từ Pixel 6, Google đã loại bỏ hoàn toàn tính năng này.

Nhìn chung, sau 9 năm ra mắt, hai chiếc Google Pixel XL đã đem đến cảm xúc hoài niệm về thời kỳ smartphone những năm 2016. Dù nhiều khía cạnh đã trở nên lỗi thời so với tiêu chuẩn hiện tại, nhưng những giá trị cốt lõi và dấu ấn tiên phong mà Google Pixel đời đầu tạo ra, đặc biệt trong lĩnh vực nhiếp ảnh di động, vẫn còn nguyên vẹn.
 
Bên trên