toringuyen0509
Well-known member
Một sinh viên tại trường Đại học Quốc gia Seoul đã lấy quả chuối từ tác phẩm “Comedian” và ăn nó vì đói khi nó đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Leeum tại Seoul, Hàn Quốc.
Cụ thể, tác phẩm nghệ thuật “Comedian” là một quả chuối được dán băng keo dính lên tường và đang được triển lãm tại Bảo tàng nghệ thuật Seoul tại Hàn Quốc. Đây là tác phẩm biểu tượng của nghệ sĩ người Ý Maurizio Cattelan và nó đã gây một làn sóng mạnh mẽ trên toàn cầu khi được bán với mức giá 120.000 USD vào năm 2019 tại Miami.
Theo người đại diện của Bảo tàng thì sinh viên này đã lấy quả chuối xuống ăn nó vì lí do là cậu ta đã bỏ bữa sáng và đang quá đói, sau khi ăn xong sinh viên này còn “cẩn thận” dán lại vỏ chuối lên tường, vụ việc này bảo tàng Leeum không bắt cậu sinh viên này bồi thường vì theo yêu cầu của tác giả thì quả chuối này cũng phải được thay sau khi trưng bày 2-3 ngày, nhưng một điều thú vị khác là đây cũng không phải là lần đâu tiên tác phẩm này bị “ăn”.
Quả chuối sau khi bị ăn
Lần đầu tiên “Comedian” bị “ăn” là vào năm 2019 khi tác phẩm này được trưng bày tại phòng trưng bày Perrotin tại Art Basel Miami, nghệ sĩ biểu diễn David Datuna đã lấy quả chuối và ăn nó một cách ngon lành trước sự ngỡ ngàng của những quan khách khác. Sau đó, Datuna còn thích thú khoe “thành tích” của mình trên Instagram và khẳng định đó là một màn trình diễn nghệ thuật chứ không phải một hành động phá hoại tác phẩm nghệ thuật.
Datuna đang ăn quả chuối trước mặt rất nhiều người xem
Theo mình tìm hiểu, Cattelan thường là một người đưa những thứ trần tục, đơn giản nhất trong đời sống lên một tác phẩm nghệ thuật, một phần là để đem lại tiếng cười cho người xem và cùng với đó những tác phẩm này cũng mang tính phê phán cao. Comedian cũng không phải là tác phẩm “độc lạ” đầu tiên của Cattelan mà trước đó ông đã gây sốc với công chúng với tác phẩm bồn cầu làm bằng 18 carat vàng nguyên khối, tác phẩm có tên là America. Về tác phẩm Comedian, Ông Emmanuel Perrotin, người sáng lập phòng trưng bày Perrotin ở Miami, cho rằng những quả chuối này là “biểu tượng của thương mại toàn cầu và theo nghĩa khác nó cũng là dụng cụ cổ điển để diễn hài”.
Câu chuyện dở khóc dở cười này đúng là có khiến mình mắc cười trong phút chốc nhưng sau đó mình chợt có một suy nghĩ là vậy giá trị nghệ thuật chắc hẳn nó không chỉ nằm trên bức tường có dán quả chuối đó mà giá trị nghệ thuật nó đến từ ý tưởng, giá trị vô hình của tác giả muốn gửi gắm vào, mình nghĩ vậy là vì chi tiết 2-3 ngày phải thay một quả chuối khác.
Anh em nghĩ sau khi tác phẩm nghệ thuật này bị “ăn” thì nó có còn giá trị nghệ thuật không?