0707171758
NGUYỄN THANH VÂN
Nên cân nhắc khi khoe thành tích học tập của con trên các trang mạng xã hội
Sau mỗi kì thi và kết thúc năm học, cũng là thời điểm nở rộ “phong trào” các phụ huynh khoe bảng điểm, thành tích của con trên mạng xã hội.
Nhiều phụ huynh có thói quen và cảm thấy hãnh diện khi đưa bằng khen, giấy khen, bảng điểm, thành tích học tập của con lên mạng xã hội. Một số phụ huynh khoe ảnh con tốt nghiệp tiểu học với bộ trang phục xúng xính cân đai như... tiến sĩ ngày xưa.
Nhiều người cho rằng đó là việc làm bình thường, thậm chí là tốt, việc chia sẻ thành công của con là tạo động lực cho con, đồng thời cũng là niềm hãnh diện chính đáng của bố mẹ. Thích khen và thích động viên cũng là tâm lý chung của mọi người.
Tuy nhiên, vấn đề gì cũng có hai mặt. Ở chiều ngược lại, việc bố mẹ thường xuyên khoe thành tích, bảng điểm, giấy khen của con trên mạng xã hội vô hình trung đã đem lại những tác động tiêu cực không nhỏ đối với trẻ em.
Đối với trẻ em, bố mẹ cần thường xuyên sâu sát, khen ngợi, khuyến khích động viên con trên mỗi chặng đường học tập, rèn luyện. Tuy nhiên, nếu khen một cách công khai, quá mức và thường xuyên trên mạng xã hội cũng có thể làm cho một số trẻ em tự mãn, cảm thấy đã đạt đến đỉnh cao, nảy sinh tâm lý chủ quan, thiếu nỗ lực vươn lên.
Từ đó, làm cho một số em có tâm lý “khát” thành tích, khen thưởng, phấn đấu để có thành tích, để được “khen” và “khoe” chứ không phải vì mục tiêu tích lũy kiến thức, rèn luyện kĩ năng để trưởng thành, tự lập.
Một số phụ huynh và học sinh vẫn còn ngộ nhận, tìm mọi cách để có thành tích trong học tập, trong khi kiến thức, kĩ năng mới là mục đích thực sự của giáo dục. Việc khoe khoang thành tích của con vô hình trung đã tiếp sức, nuôi dưỡng cho bệnh thành tích, chạy theo lối “hư học” ngày càng nặng nề.
Một thực tế hiện nay là có rất nhiều cuộc thi, với nhiều danh hiệu rất “kêu” như Trạng nguyên, Vô địch, Huy chương Vàng..., tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh tiến tiến rất cao... nhưng một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn rất yếu về kĩ năng thực hành.
Việt Nam vẫn thiếu vắng những sáng chế, thương hiệu đẳng cấp quốc tế, trình độ khoa học kĩ thuật còn thấp thua so với nhiều nước trên thế giới, nhiều vấn đề thực tiễn bức xúc như ô nhiễm môi trường, kẹt xe tại các đô thị lớn, thủ tục hành chính rườm rà... vẫn chưa có các giải pháp hữu hiệu để giải quyết.
“Bệnh thành tích” trong giáo dục vẫn còn tồn tại và gây ra nhiều hệ lụy; phương pháp, nội dung giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Do đó, vấn đề hết sức nóng bỏng và cấp bách hiện nay là xây dựng một nền giáo dục “thực học, thực nghiệp”, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động để xây dựng xã hội văn minh, phát triển.
Mặt khác, theo các chuyên gia về tội phạm học, việc cha mẹ đưa hình ảnh, thông tin cá nhân của con mình lên mạng xã hội, kẻ xấu có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội của mình như bắt cóc tống tiền, lừa đảo hoặc xâm hại trẻ em.
Hơn nữa, bố mẹ cần cân nhắc, hỏi ý kiến của con trước khi đưa bảng điểm, hình ảnh của con lên mạng xã hội. Không phải đứa trẻ nào cũng muốn và đồng tình với điều đó. Chưa bàn đến chuyện có vi phạm các quy định về quyền trẻ em hay không, chỉ hành động này cũng thể hiện sự không tôn trọng cá nhân của trẻ. Trẻ em cũng cần được tôn trọng để từ đó, các em biết tôn trọng mọi người.
Vì vậy, mỗi người, mỗi gia đình cần có trách nhiệm, chung tay xây dựng một nền giáo dục thực chất và tiên tiến, cân nhắc từ những hành động nhỏ nhất, tưởng chừng như vô hại như việc khoe thành tích của con trên mạng xã hội.