Những cách cứu du lịch Phú Quốc đang tuột dốc

Nguyễn Thị Hồng

Well-known member
Chiến lược của Phú Quốc nếu là phục vụ đại trà cho nhiều khách hàng cùng một lúc thì sẽ gặp rắc rối với bài toán thu không đủ chi.

"Tôi vừa có chuyến du lịch Phú Quốc, có lẽ là người dân đảo ngọc chỉ tập trung cho khách nước ngoài. Nên nhớ hiện tại kinh tế nước nhà đã tốt hơn rất nhiều, khách quốc tế chưa chắc đã là nguồn thu chính.

Tất cả các hình thức du lịch trải nghiệm và quan trọng nhất là ẩm thực: đắt đỏ. Khách du lịch đã tốn tiền mua vé máy bay, ra tới nơi nhưng lại trải nghiệm một dịch vụ đắt đỏ không thua gì ở các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội.

Nực cười là tôi thấy giá hải sản ở đây lại mắc hơn ở TP HCM. Với giá tiền đó tôi nghĩ bay sang Bangkok hoặc Singapore còn nhiều trải nghiệm thú vị hơn.
Bãi biển phía tây thì bị chia cắt bởi resort, không có hình thức quản lý chung, vứt rác bừa bãi và không hề có cứu hộ trên những bãi biển này.

Việc thông cao tốc từ TP HCM tới Phan Thiết, Bình Thuận khiến Đảo Ngọc rất khó để cạnh tranh du lịch biển. Hơn nữa, so với cách làm du lịch của Bình Thuận thì Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng cần phải học hỏi rất nhiều. Quan trọng nhất vẫn là giá cả và thái độ làm du lịch".

Du lịch Đà Lạt 'một ngày 5 lần ngồi đồng ở quán cà phê'

Độc giả Đông Nguyễn đưa ra nhận xét và bình luận như trên sau bài viết Phú Quốc tìm cách cứu du lịch. Theo đó, Giới chức và doanh nghiệp đang tìm cách cứu du lịch Phú Quốc khi khách giảm mạnh trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp du lịch thua lỗ.

Tại buổi làm việc giữa chính quyền tỉnh với các doanh nghiệp, Hiệp hội đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc về cơ chế vé máy bay và giải pháp kích cầu du lịch của địa phương ngày 14/10, nguyên nhân du lịch Phú Quốc sụt giảm một phần do giá vé máy bay đến đảo tăng cao so với các địa phương khác.

Độc giả Hoàng HG nói: "Du lịch Phú Quốc đi xuống không chỉ vì vé máy bay mà còn nhiều thứ khác. Nếu như trước đây Phú Quốc còn hoang sơ với những bãi biển sạch sẽ, trong veo, rừng phủ kín thì nay xây dựng bừa bãi, biển không còn sạch đẹp.

Dù hạ tầng du lịch đã tốt hơn rất nhiều, dù sản phẩm du lịch đã đa dạng nhưng không giải quyết được những vấn đề trên thì du lịch Phú Quốc sẽ còn đi xuống".

Khách Tây uống bia rồi chỉ biết nhìn nhau ở Bùi Viện

Độc giả Tâm chia sẻ: "Công tâm mà nói Phú Quốc đã từng là hòn đảo đẹp nhất ở Việt Nam. Tôi đi lần đầu năm 2013, Phú Quốc vẫn còn rất hoang sơ và chưa bị bê tông hóa như bây giờ. Sau lần ấy, tôi cuồng lắm, ai hỏi tôi nên đi du lịch nơi nào ở phía nam, tôi đều bảo họ hãy đến Phú Quốc.

Năm 2019 tôi trở lại, đảo ngọc đã khác xưa, tôi vẫn yêu Phú Quốc nhưng những cánh rừng nguyên sinh bị cắt gọt, những khu resort, hotel tự phát xé nát bờ biển. Phú Quốc giờ không có gì hơn, hay nói đúng là tụt lại so với Đà Nẵng, Quy Nhơn. Đáng tiếc cho một hòn đảo từng được ví như viên ngọc quý".


Thời gian qua, du lịch Phú Quốc gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Cụ thể, dịp lễ 2/9, Phú Quốc chỉ đón hơn 19.000 lượt khách lưu trú, giảm gần 40% so với cùng kỳ và công suất phòng chỉ đạt khoảng 27%.

Nhiều độc giả chia sẻ rằng giá cả quá đắt là là vấn đề khiến du khách ngại đến. Độc giả Mỹ Dung phân tích và cho rằng chi phí vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra đảo đang là trở ngại:

"Mọi vật tư thiết bị trên đảo đều phải nhập từ đất liền chứ Phú Quốc không tự sản xuất được. Từ điện, xăng, dầu, nhớt đến cây tăm, sợi chỉ, lon bia, con gà, hạt gạo đều phải mang từ đất liền ra với chi phí rất cao, trừ phi có cây cầu vượt biển dài nối với đất liền. Ở Hong Kong hay Singapore, họ cũng phải nhập mọi thứ hàng hóa, nhưng họ dính với đất liền qua một dải đất hẹp, và bản thân trình độ logistic của họ cũng đứng đầu thế giới.

Do vậy chiến lược của Phú Quốc nếu là phục vụ đại trà cho nhiều khách hàng cùng một lúc thì sẽ gặp rắc rối với bài toán thu không đủ chi. Tôi nghĩ hãy biến Phú Quốc thành hòn đảo nghỉ dưỡng chất lượng cao, với cảnh quan và phục vụ thật độc đáo chất lượng 6 sao, đập bỏ hết mọi công trình copy giả tạo, chỉ để lại thiên nhiên hoang sơ đồng thời bảo vệ môi trường, có nhà máy xử lý rác và nước thải.

Chỉ bằng cách đó mới cứu được Phú Quốc. Mọi biện pháp khác đều sẽ thất bại nếu không tính đến bài toán hậu cần - logistic".

Không thể bắt Đà Lạt mãi giống như 30 năm trước

Trong khi đó, độc giả Đạt cho rằng cần ra bộ quy tắc dịch vụ du lịch ở Phú Quốc:

"Hãy ra bộ quy tắc dịch vụ vì khách đang sợ bị chặt chém, bị taxi bất chấp chở đến điểm để ăn hoa hồng. Vấn đề là cơ quan chức năng cần đề ra luật chơi và trên tâm thế hỗ trợ khách du lịch để họ chọn chỗ hợp lý.

Cứu các hãng du lịch chỉ là biện pháp chữa cháy. Công phá cái liên kết lợi ích cục bộ đang làm méo mó tiềm năng du lịch mới là cái nên làm".

Độc giả nhật tân: "Không có sản phẩm du lịch tốt, giá cả chặt chém, taxi lộn xộn... là những cách làm du lịch mà Phú Quốc nói riêng và Việt Nam nói chung không có tính chất động bộ và ràng buộc cũng như xử phạt các thành phần tham gia hoạt động du lịch. Nhìn qua Thái Lan xem họ làm du lịch, giá cả đồng nhất áp dụng cho tất cả từ người dân địa phương tới khách du lịch".

Độc giả nickname pcwk5v54y cho rằng:

"Phú Quốc còn cơ hội rất ít để vực dậy hình ảnh của mình sau quá nhiều sự thất vọng về hạ tầng, chất lượng biển, giá cả hàng hóa. Đừng đổ thừa cho vé máy bay cao vì hãng cũng đã nói rõ khi không thể giữ khách dẫn đến lượng khách giảm thì họ phải tăng giá bán mới hiệu quả. Dù cơ hội ít nhưng nghiêm túc và quyết liệt thì Phú Quốc vẫn sẽ trở lại đường đua du lịch".
 
Bên trên