Những lầm tưởng phổ biến về pin trên điện thoại

Quang Phúc Trương

Well-known member
Pin là một phần cứng quan trọng trên mọi thiết bị điện tử nói chung, và điện thoại thông minh nói riêng. Việc có một viên pin tốt sẽ cải thiện thời gian sử dụng hàng ngày, mặt khác cũng đảm bảo hiệu năng đỉnh và mức độ an toàn của thiết bị. Tuy nhiên, vẫn có những quan niệm sai lầm về pin, phương pháp sạc và bảo quản pin trên điện thoại mà nhiều người mắc phải.

Sạc qua đêm gây hại cho pin
Sạc qua đêm luôn là chủ đề gây tranh cãi đối với người dùng điện thoại nói riêng, và các sản phẩm điện tử sử dụng pin nói chung. Nhiều người cho rằng, việc sạc qua đêm khiến viên pin liên tục bị sạc nhồi, lâu dài khiến tuổi thọ của chúng trở nên giảm sút, thậm chí còn có thể gây ra chập cháy, hỏa hoạn.
Theo Android Authority, những lập luận trên là hoàn toàn có cơ sở, khi mà những viên pin Lithium-Ion trên những mẫu máy cũ có thể nóng lên khi người dùng cắm sạc trong một thời gian quá lâu. Điều này tất nhiên không tốt cho thiết bị, khi mà viên pin trở nên nhanh hao mòn hơn, ảnh hưởng đến hiệu năng hay thậm chí gây ra những vụ cháy nổ.


Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện trong quá khứ. Tới hiện tại, hầu hết các mẫu smartphone đều được các hãng sản xuất trang bị các con chip quản lý điện và sẽ hạ dòng sạc xuống mức thấp nhất khi thiết bị đạt 100% pin. Đặc biệt, một số hãng như OPPO hay OnePlus còn trang bị một hệ thống quản lý riêng với nhiều lớp bảo vệ và tránh dòng sạc quá tải trên cả củ sạc và viên pin của thiết bị. Do đó, người dùng không cần quá lo lắng về vấn đề này; nếu họ muốn một chiếc máy đầy pin trước khi đi làm, tất cả những gì cần làm chỉ là cắm sạc, đi ngủ và chờ pin đầy.

Phải xả cạn pin trước khi sạc
Xả cạn pin trước khi sạc là cần thiết trên những mẫu điện thoại cũ được trang bị viên pin niken, vốn không có khả năng tự nhớ được dung lượng chính xác, trừ khi người dùng tiến hành xả cạn pin và bắt đầu sạc. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của quá khứ. Các dòng máy hiện tại đều sử dụng viên pin Lithium-Ion hoặc Lithium-Polymer, vốn có thể duy trì điện áp đầu vào trong suốt quá trình sạc, không kể là khi 10%, 50% hay 100%.
Do vậy, việc phải xả cạn pin trước khi sạc được xem như không cần thiết. Người dùng cũng nên xây dựng thói quen cắm sạc khi cần thiết, mọi lúc, mọi nơi, đừng để máy hết pin rồi mới chịu sạc.

Luôn luôn phải dùng củ sạc theo máy
Điều đó là đúng, nhưng không bắt buộc. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng bộ củ, cáp sạc của một nhà sản xuất bên thứ ba một cách bình thường, miễn là chúng đến từ một thương hiệu uy tín và tương thích với chuẩn sạc mà mẫu máy đó hỗ trợ.


Ví dụ, người dùng iPhone hay Google Pixel có thể sử dụng một số bộ sạc khác có hỗ trợ chuẩn Power-Delivery (hai đầu sạc USB-C), Xiaomi hay LG có thể sử dụng bộ sạc hỗ trợ Quick Charge hay các thiết bị của OPPO, realme hay OnePlus có thể sử dụng bộ sạc hỗ trợ VOOC, SuperVOOC hoặc DashCharge. Một vài thương hiệu sản xuất sạc bên thứ ba nổi tiếng có thể kể đến như Anker, Aukey, velasboost, Mophie, RAVPower hay HyperJuice.

Không được dùng điện thoại trong khi sạc
Về bản chất, việc vừa sạc, vừa dùng điện thoại không ảnh hưởng quá đáng kể đối với tuổi thọ của viên pin. Tuy nhiên, lạm dụng việc này quá mức về lâu về dài có thể gây tác động không tốt đến thiết bị, và tất nhiên có thể dẫn đến nguy cơ cháy, nổ nếu không được bảo quản đúng cách. Có hai nguyên nhân chính như sau:

Máy nóng hơn: Khi này điện thoại sẽ phải nhận hai nguồn nhiệt song song: một đến từ lượng điện sinh ra trong quá trình sử dụng, hai là nhiệt độ tỏa ra từ chính viên pin trong khi sạc, đặc biệt là khi sử dụng sạc nhanh vốn cho công suất đầu vào lớn.
Cộng hưởng hai nguồn nhiệt trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến viên pin trên điện thoại, và bạn nên ngừng sử dụng ngay lập tức nếu cảm thấy thiết bị đang nóng lên quá mức.


Cháy nổ do củ sạc kém chất lượng: Những củ sạc kém chất lượng thường sử dụng những linh kiện trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều này khiến dòng sạc trở nên kém ổn định, dao động thất thường và rất gây hại cho pin. Kèm với việc máy nóng lên trong quá trình sử dụng, điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây chập điện, cháy nổ không đáng có.
Minh chứng, có quá nhiều vụ cháy thương tâm do người dùng vừa sạc vừa chơi điện thoại, và đáng chú ý phần nhiều trong số đó đến từ sử dụng củ sạc kém chất lượng.

Tắt hết ứng dụng trong đa nhiệm giúp máy tiết kiệm pin hơn
Hệ điều hành trên hầu hết smartphone, đặc biệt là iOS trên iPhone đã có cơ chế quản lý ứng dụng chạy ngầm tốt và tiên tiến hơn nhiều so với nhiều năm trước đó. Chúng sẽ đóng băng, chặn ứng dụng chạy trong nền và tiêu thụ pin một cách không đáng có. Việc tắt ứng dụng đôi khi còn gây tốn pin hơn khi bạn mở lại những ứng dụng trên, khi mà hệ thống sẽ phải tiêu tốn một phần tài nguyên để khởi chạy lại từ đầu.


Việc tắt hết ứng dụng có trong mục đa nhiệm chỉ thực sự hiệu quả khi một trong số chúng đang bị treo, lag và không thể sử dụng được.
Khi nào nên thay pin?
Pin điện thoại, cũng giống như mọi thiết bị khác có thể sạc lại, sẽ trở nên kém hiệu quả hơn theo thời gian và không còn đạt được mức dung lượng đỉnh như ban đầu. Khi này, người dùng nên thay mới một viên pin khác nhằm đảm bảo được thời gian sử dụng tốt nhất, cũng như tránh nguy cơ việc máy bị phồng, hỏng pin.
Vậy, khi nào người dùng nên thay một viên pin mới?

Câu trả lời còn tùy thuộc vào dòng máy và chuẩn pin đang được sử dụng, nhưng dưới đây là một số tiêu chuẩn chung mà các bạn có thể tham khảo:

Mức dung lượng tối đa dưới 80%: Khi này, viên pin của bạn đã chai trên 20%, báo hiệu rằng hiệu quả hoạt động của thiết bị đã không còn đạt đỉnh như ban đầu. Thời gian trung bình để một viên pin trên điện thoại cho mức dung lượng thực dưới 80% thường dao động từ 2 đến 3 năm.
Có rất nhiều cách để kiểm tra mức chai pin trên điện thoại, chẳng hạn như trên iPhone, người dùng có thể truy cập Cài đặt, chọn mục Pin > Dung lượng pin. Còn trên Android, người dùng có thể sử dụng một số phần mềm bên thứ ba như AccuBattery để kiểm tra sức khỏe của viên pin.


Trên 800 chu kỳ sạc: Một yếu tố khác cũng có giá trị biểu thị sức khỏe pin, đó là số chu kỳ sạc. Một chu kỳ sạc được tính bằng một lượng pin 100% (khác với việc máy được sạc đầy 100%). Con số 800 chu kỳ sạc tương ứng với khoảng 2 – 2,5 năm sử dụng, với giả thiết mỗi ngày người dùng sạc thiết bị của mình một lần.
Chúng ta có thể kiểm tra số chu kỳ sạc trên iPhone thông qua phần mềm 3uTools. Còn trên Android, người dùng có thể sử dụng một số phương pháp khác như xuất tệp tin báo lỗi (Bug Report) hay sử dụng ADB (Android Debug Bridge).

Và trên hết, bất cứ khi nào cảm thấy viên pin không tốt nữa: Kể cả khi mức chai pin của bạn chưa quá 20%, hay số chu kỳ sạc trên thiết bị còn dưới 800 lần sạc, bất kể khi nào bạn gặp phải tình trạng pin ảo (phần trăm pin tụt không theo thứ tự), thời lượng sử dụng sụt giảm nghiêm trọng hay quá nhiệt trong quá trình sử dụng, việc kiểm tra và thay một viên pin mới là hoàn toàn cần thiết.
 
Bên trên