Những phu xe ngựa cuối cùng ở Bảy Núi

Nguyễn Thị Hồng

Well-known member
Hơn 30 năm cầm cương xe ngựa, ông Chau Giac, 60 tuổi, hàng ngày vẫn mưu sinh bằng dăm cuốc chở hàng thuê, kiếm vài trăm nghìn đồng.

Trời vừa sáng, ông Chau Giac ăn vội chén cơm sớm, lấy lưỡi hái cắt cỏ cùng một bao không, rồi ra chuồng dắt ngựa. Thấy ông chủ, con ngựa khua chân lộc cộc xuống nền gạch, đầu lắc lắc. Người đàn ông nhà gần núi Cấm mở dây cột, đưa tay vỗ vỗ lên lưng ngựa rồi ra hiệu lệnh "hi hi". Con ngựa màu nâu, chừng 10 tuổi bước theo chủ.

Ngang cây thốt nốt, ông kéo nhẹ dây cương bên phải, con ngựa nghe lời quẹo sang gốc cây, dừng hẳn khi ông hô "êu êu". Thêm một ít nước pha cám vào chiếc thau nhôm dưới gốc cổ thụ, ông để ngựa uống chút nước rồi lên đường ra bến xe.

Con ngựa của ông Chau Giac gặm cỏ trong lúc chờ chở hàng. Ảnh: Ngọc Tài
" style="margin: 0px; padding: 0px 0px 453.328px; box-sizing: border-box; text-rendering: optimizelegibility; width: 680px; float: left; display: table; -webkit-box-pack: center; justify-content: center; background: rgb(240, 238, 234); text-align: center; position: relative;">
Con ngựa của ông Chau Giac thủng thẳng gặm cỏ trong lúc chờ chở hàng. Ảnh: Ngọc Tài

Con ngựa của ông Chau Giac gặm cỏ trong lúc chờ chở hàng. Ảnh: Ngọc Tài

Từ vài trăm chiếc xe ngựa thời hoàng kim, toàn xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, lúc này còn chừng mười con, bến xe ngựa giờ chỉ là bãi đất trống. Buộc dây cương lên nắp cống thoát nước ven đường, ông Giac không quên cắt một ôm cỏ cho ngựa nhấp nháp trong lúc chờ cuốc xe đầu tiên. Bước sang quán nước bên kia đường, người đánh xe già ngồi chéo chân, gọi ly cà phê giá 5.000 đồng.

Chuyến đầu tiên ông chở là hai tấm tôn lợp nhà dài ngoằng. Biết chở quá khổ, song ông làm liều, thủ sẵn vài câu năn nỉ nếu cảnh sát giao thông "tuýt còi". Hoà vào dòng xe cộ tấp nập người đánh xe đã ba thập kỷ, cẩn thận điều khiển ngựa chạy sát lề. Lúc sang đường ông không vội, đợi xe cộ thưa hẳn mới đi.

Khuân vác kiêm đánh xe, ông Chau Giac kiếm được 100.000 đồng đầu tiên cho chặng đường khoảng hai km, xong việc mới 7h. Quay về quán cũ, ông uống nốt ly cà phê lúc nãy còn dang dở, mắt ngóng ra đường chờ cuốc thứ hai.

Ở Bảy Núi, nghề đánh xe ngựa xuất phát từ người Khmer vào thế kỷ trước, là phương tiện chính giúp người dân đi lại, chở hàng nhất là những đoạn đường núi, khó đi lại. Cùng với sự phát triển, đường xá thông thương, xe cá nhân ngày một nhiều, nghề đánh xe ngựa dần mai một. Tưởng nghề "lộc cộc" sẽ lụi tàn, song khoảng 10 năm trước, các khu du lịch muốn tái hiện phương tiện độc đáo này, tìm đến vùng Thất Sơn tuyển người thuần ngựa.

Ông Giac xin được việc tại một khu du lịch ở Cần Thơ, được bao ăn ở, tiền lương gần 3 triệu đồng còn nguyên. Song chỉ làm hai năm, ông xin nghỉ trở về quê nhà tiếp tục công việc đánh xe ngựa thuê. Phần tuổi cao không đất canh tác, phần vì yêu thích công việc đánh xe ngựa nên ông Giac chưa muốn chuyển nghề dù thu nhập ít ỏi: "Giờ ai kêu chở gì cũng chở, gần xa gì cũng nhận tuốt hết. Ngày được vài trăm nghìn nhưng có ngày không đồng nào", ông Giac chia sẻ.

Chuyến chở hàng của các phu xe ngựa vùng Bảy Núi. Ảnh: Ngọc Tài



May mắn hơn ông Giac, sáng nay ông Chau Can (46 tuổi) chạy liền ba cuốc xe, bỏ túi 300 nghìn đồng rồi mới nhâm nhi ly cà phê sáng. Những đồng nghiệp của hai ông cũng tụ họp ở quán, ai hầu như cũng đã mở hàng chuyến đầu tiên, mặt hàng thông dụng là chở củi, rơm cho bò ăn.

Ông Can mới vào nghề hơn 5 năm, tậu chú ngựa này ba năm trước với giá 18 triệu đồng. Ông chỉ tốn thêm chừng một triệu đồng, đóng thùng xe bằng gỗ là có thể vào nghề. "Chỉ cực lúc chất hàng lên xuống chứ đánh xe thì khoẻ", ông Can nói.


Con ngựa của ông Can là chú ngựa đực duy nhất của xã nên mỗi lần đi ngang ngựa cái thường được các "cô" chào đón bằng giọng hí dài. Ngựa đực ưu điểm khoẻ song khá hung dữ, thường khó quản thúc. "Có lúc thấy ngựa cái, hắn không muốn đi là không làm sao được hết", ông Can kể tình huống dở khóc dở cười.

Ngoài chở đồ, lắm lúc có tiệc cưới người dân thuê xe ngựa làm xe rước dâu. Cỗ xe ngựa cũ kỹ được tắm rửa, trang trí thêm hoa cho bắt mắt. Ngoài tiền công, người phu xe còn được thiết đãi tiệc cưới miễn phí. Riêng dịp lễ vía Bà Chúa Xứ khách du lịch thường "book" xe ngựa chở loanh quanh khám phá với chi phí nguyên ngày là 500 nghìn đồng.

Khoảng 11h, bà Trần Thị Mỹ Phượng, chủ quán nước, bắt đầu thu dọn ly nước khi người phu xe ngựa cuối cùng rời quán. "Mấy ổng giờ về nghỉ sẵn cắt cỏ cho ngựa ăn buổi trưa. Từ hồi Covid-19, họ nghỉ chầu cà phê chiều vì ế khách hơn trước, tui cũng mất một khoản thu nhập", bà nói với vẻ luyến tiếc không chỉ thu nhập của gia đình mà hình ảnh bến xe ngựa đông đúc là ký ức đẹp của nhiều người dân xứ núi. Hiện nơi đây còn khoảng 10 con ngựa chở hàng.

Xe ngựa vùng Bảy Núi thường chở hàng, với giá dao động 100-150 nghìn đồng tuỳ chặng. Ảnh: Ngọc Tài
Xe ngựa vùng Bảy Núi thường chở hàng, với giá dao động 100-150 nghìn đồng tuỳ chặng. Ảnh: Ngọc Tài

Xe ngựa vùng Bảy Núi thường chở hàng, với giá dao động 100-150 nghìn đồng tuỳ chặng. Ảnh: Ngọc Tài

Ngựa vùng Bảy Núi khá nhỏ song có thể chở nặng 500-600 kg. Đặc biệt chúng khá linh hoạt khi đi những đường gồ ghề, đường sình nơi mà những chiếc xe máy chào thua. Chúng thường ăn hai bao cỏ mỗi ngày, cùng 5-6 kg lúa. Chủ nào thương ngựa sẽ có thêm bữa ăn khuya là chuối cây xắt.

Theo những phu xe ngựa, ngoài tốn chi phí mua lúa, trung bình nửa tháng sẽ thay guốc ngựa một lần giá 100 nghìn đồng. "Hiện guốc ngựa làm bằng cao su, lò rèn không làm guốc sắt bán trong khi đường lộ nhựa, nắng nóng guốc ngựa nhanh hư lắm", ông Giac nói trong lúc đánh xe ngựa về nhà khi chiều dần buông.

Thất Sơn hay Bảy Núi là vùng đất núi đồi xen lẫn đồng bằng thuộc 4 huyện, thành phố của An Giang: TP Châu Đốc, các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn. Theo các nhà nghiên cứu, vùng Thất Sơn có 37 ngọn núi, đồi lớn nhỏ, rải rác với độ cao trung bình từ 50 đến 710 m.

Bảy ngọn núi đại diện cho cả vùng, gồm núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Dài Năm Giếng hay núi Dài nhỏ (Ngũ Hồ Sơn), núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn) và núi Nước (Thủy Đài Sơn).
 
Bên trên