Những sản phẩm nổi bật tại Triển lãm Công nghệ chip bán dẫn

TRUONGTRINH

Well-known member
Hơn 40 mô hình, sản phẩm công nghệ và ứng dụng thiết kế vi mạch, bán dẫn được phát triển bởi các nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội, thu hút sự quan tâm.



Bên lề sự kiện chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 14/4, Triển lãm Công nghệ chip bán dẫn với hàng chục gian hàng giới thiệu công trình nghiên cứu, mô hình sản phẩm có tính ứng dụng cao.
Trong ảnh là Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (thứ hai từ phải qua) cùng các đại biểu tham quan gian hàng tại sự kiện.


Buổi triển lãm là cơ hội giới thiệu năng lực nghiên cứu, chế tạo công nghệ chip bán dẫn của ĐHQGHN, đồng thời trình diễn các mô hình, sản phẩm đến từ các nhóm nghiên cứu trực thuộc các trường đại học.


Điểm nhấn là thiết bị trạm thu di động tín hiệu vệ tinh ứng dụng trên tàu biển của nhóm nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Micro và Nano, trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội.
Theo TS Vũ Nguyên Thức, trạm thu di động có cấu tạo gồm một chảo anten dạng parabol để thu tín hiệu truyền hình vệ tinh. Thiết bị được gắn trên nóc thuyền/tàu và chảo vệ tinh có thể chuyển động thay đổi phương hướng giúp bắt được tín hiệu chính xác. Với kích thước nhỏ gọn, bám tín hiệu nhanh, thiết bị có thể giúp đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc và hoạt động trên tàu như xem tivi.
Cảm biến, hệ thống điều khiển chỉ cần lệch 0,1 độ dưới mặt đất, trên quỹ đạo có thể lệch đến vài km, như vậy rất khó để bắt được tín hiện của vệ tinh. Do đó nhóm dành nhiều thời gian để nghiên cứu điều khiển các cảm biến bằng lập trình thuật toán. Phần cơ khí của trạm thu di động này có thể thiết kế và gia công độ chính xác cao sử dụng các công nghệ cơ khí hiện đại.


Drone mang 1kg vật phẩm (trái) và máy bay chế tạo bằng công nghệ in 3D từ Viện công nghệ Hàng không Vũ trụ.


Các bản thiết kế vi mạch được nhóm nghiên cứu từ Khoa Điện tử viễn thông, Đại học Công nghệ, giới thiệu. Trong số này có hệ thống chip vi lỏng phát hiện tế bào ung thư phổi A549 (hàng sau cùng) nhằm rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả chẩn đoán tế bào ung thư phổi. Loại chip này chỉ cần sử dụng ít mẫu máu và thuốc thử có thể phát hiện tế bào ung thư phổi với thời gian xử lý ngắn.
Bộ chip được thiết kế và phát triển dựa trên công nghệ vi lỏng, được chuyển giao từ phía Đài Loan. Thiết bị có hệ thống các kênh vi lỏng với kích thước vài chục micromet, cho phép tích hợp nhiều quy trình trên một nền tảng giúp giảm thời gian và khối lượng mẫu. Kết quả nghiên cứu góp phần mở ra triển vọng phát triển những thiết bị xét nghiệm nhỏ gọn tại nhà.


Phòng thí nghiệm trọng điểm Hệ thống thông minh và IoT, trường Quốc tế giới thiệu nhiều sản phẩm như phát triển từ máy bay không người lái, kiểm soát được quá trình công nghệ lõi, điều khiển bám đuổi đối tượng và định hướng điểm đến chính xác. Robot mặt đất trong đó có robot tự hành hay hệ thống IoT, thiết bị cảm biến đo với nhịp tim từ xa.


Thiết bị la bàn điện tử độ chính xác cao dùng cho hàng hải và hệ thống thiết bị đo và định vị từ trường trái đất dựa trên hiệu ứng từ giảo-áp điện do khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano phối hợp Phòng thí nghiệm Công nghệ Micro và nano triển khai.
Sản phẩm thiết bị la bàn điện tử có độ chính xác cao lên đến 0,1 độ, nhỏ gọn, dễ sử dụng, xuất phát từ thế mạnh nghiên cứu cơ bản trên vật liệu từ đặc biệt có các hiệu ứng siêu nhạy với từ trường ngoài rất thấp. Nhóm nghiên cứu được cấp 2 bằng độc quyền sáng chế cho nghiên cứu về hiệu ứng, vật liệu.


Một sản phẩm chip vi lưu tập trung làm giàu protein.


Sản phẩm vi mạch bảo mật dữ liệu cho hệ thống IoT, được nhóm nghiên cứu Hệ thống tích hợp thông minh thiết kế, mô phỏng, kiểm chứng và gửi đi chế tạo tại TSMC Đài Loan trên công nghệ 65nm. TS Bùi Duy Hiếu, Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết nhóm sử dụng vi mạch sau khi chế tạo gắn trên bo mạch để kiểm tra hoạt động và xây dựng ứng dụng IoT bằng cách nối thêm các sensor và bộ thu phát vô tuyến. Các dữ liệu đo đạc đều được bảo mật bằng thuật toán mã hoá AES với công suất tiêu thụ ít nhất. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng một ứng dụng thử nghiệm để đo đạc các thông số môi trường như bụi mịn (PM 2.5, PM 10), các khí độc hại, nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng nước thải.


Anh Nguyễn Anh Tuấn, thành viên nhóm nghiên cứu Quang lượng tử, trường Quốc tế, ĐHQG Hà Nội, chia sẻ thiết bị ứng dụng cảm biến trong nông nghiệp.


Thiết bị robot gắp tự động.


ĐHQG Hà Nội hiện có 9 nhóm nghiên cứu mạnh, 6 phòng thí nghiệm được đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế vi mạch tích hợp bán dẫn.
 
Bên trên