Những sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh tăng giá trị nhờ khoa học công nghệ

VTTH.

Well-known member
HÀ TĨNHỨng dụng công nghệ trong trồng lan hồ điệp, sâm bố chính hay nuôi tôm công nghệ cao giúp tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh tại buổi làm việc hôm 28/6 dẫn nhiều kết quả cho thấy nhiều sản phẩm chủ lực của địa phương nâng cao năng suất, chất lượng nhờ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, góp phần tăng giá trị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu giúp từng bước làm chủ được công nghệ chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt thích ứng rộng vào sản xuất.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh, nhiều mô hình sản xuất lan hồ điệp, sâm bố chính (hay còn gọi là sâm báo, sâm thổ hào), ứng dụng công nghệ cao cho năng suất tốt. Tại các hộ nuôi tôm càng xanh cũng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, bể xi măng, ao bạt... mang lại hiệu quả kinh tế.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái cùng đoàn công tác tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao sản xuất Lan Hồ điệp tại xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà ngày 28/6. Ảnh:TTTT

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái (thứ tư từ phải qua) cùng đoàn công tác tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao sản xuất lan hồ điệp tại xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, ngày 28/6. Ảnh:TTTT

Lan hồ điệp

Mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất hoa lan hồ điệp thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 của Chính phủ.

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh cho biết, dự án trồng lan hồ điệp có diện tích 2.500 m2 tại xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, do Công ty TNHH Trí Đức Hà Tĩnh thực hiện từ cuối năm 2022. Mô hình được đầu tư công nghệ tự động hóa trong sản xuất, trong đó có thiết bị tự động đo (bằng cảm biến) và điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm không khí, độ ẩm giá thể theo thông số tiêu chuẩn kỹ thuật. Quy mô đầu tư nhà giàn, công nghệ ban đầu là hơn 7,5 tỷ đồng (chưa tính chi phí sản xuất và giống).

Nhờ ứng dụng công nghệ, trong vụ sản xuất đầu tiên năm 2023, có hơn 60.000 cây lan hồ điệp phát triển tốt, tỷ lệ nảy ngồng đạt 100%, trong đó hơn 97% ngồng hoa đạt chất lượng loại 1 đã cho ra nụ, trổ bông. Lợi nhuận ước tính đạt trên 3 tỷ đồng.

Cây sâm bố chính

Dự án Ứng dụng khoa học công nghệ trong mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính (Hibiscus sagittifolius Kurz) tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh do Công ty TNHH Bio Green STC chủ trì thực hiện. Dự án trồng thử nghiệm cây sâm bố chính triển khai từ đầu năm 2024 với diện tích 1 ha, hướng mục tiêu tạo tiền đề để mở rộng diện tích, thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả ở địa phương.

Dự án đã xây dựng mô hình ươm cây giống, trồng, chăm sóc cây sâm bố chính tại Hà Tĩnh, đặc biệt được triển khai trên diện tích đất cát bạc màu. Công nghệ được áp dụng là quy trình trồng trọt theo tiêu chí GAP - quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Theo thông tin thuyết minh dự án, sau 5 tháng, hiện cây sâm bố chính phát triển tốt, phù hợp với điều kiện địa phương. Dự kiến năng suất đạt 5 tấn/ha, lợi nhuận bước đầu đạt trên 500 triệu đồng.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái (bên phải) cùng đoàn công tác kiểm tra tại mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính. Ảnh: TTTT

Thứ trưởng Trần Hồng Thái (bên phải) cùng đoàn công tác kiểm tra tại mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính tại huyện Thạch Hà. Ảnh: TTTT

Nuôi tôm thâm canh công nghệ cao

Trước đây việc nuôi tôm thâm canh công nghệ cao chỉ áp dụng tại các vùng nuôi trên cát, có điều kiện thuận lợi như huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân. Hiện nay tại các huyện Lộc Hà, Kỳ Anh, Can Lộc đã chú trọng áp dụng công nghệ mới để tăng cao hiệu quả nuôi trồng. Một số mô hình được áp dụng như nuôi trong bể tròn nổi, nuôi trong nhà, nuôi thâm canh 2 giai đoạn, 3 giai đoạn tuần hoàn, nuôi an toàn sinh học theo quy trình VietGAP.

Trong đó mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật kể đến là nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn. Mô hình này gồm 1 giai đoạn ương dưỡng, 2 giai đoạn nuôi. Hệ thống ao nuôi được thiết kế 3 ao (gồm ao ươm, ao nuôi giai đoạn 1 và ao nuôi giai đoạn 2) với diện tích 1.500 - 1.800 m2/ao, hình tròn hoặc vuông bằng khung sắt mạ kẽm để chống gỉ, lót bạt HDPE xung quanh. Người nuôi áp dụng công nghệ vi sinh, diệt khuẩn và tảo để làm sạch môi trường ao nuôi. Ngoài ra, công nghệ lọc nước tuần hoàn (RAS), kỹ thuật nuôi tôm hiện đại cũng được hộ dân sử dụng.

Theo số liệu từ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, tính đến tháng 12/2023, tỉnh có gần 630 ha nuôi tôm thâm canh công nghệ cao (tăng gần 30 ha so với năm 2021), có 40 hộ/cơ sở nuôi có bể ương gièo (có mái che trong nhà) với số lượng 320 bể, thể tích trên 90.000m3 đáp ứng điều kiện cho nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn.

Nhờ ứng dụng công nghệ, tôm nuôi ít dịch bệnh, lớn nhanh cho năng suất vượt trội đạt 10-20 tấn/ha/vụ trong ao đất, 20-30 tấn/ha/vụ trên cát hoặc bể tròn nổi, bể vuông có mái che.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái đánh giá, có nhiều yếu tố tổng hợp đã góp phần mang lại thành tựu cho tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây, trong đó "quan trọng nhất là sự thay đổi tư duy, tầm nhìn của các cấp Lãnh đạo tỉnh trong việc đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế", ông nói. Các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ của Hà Tĩnh, "góp phần thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng".
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên