'Những tấm lòng cao cả' - trường ca về nghề dạy học

Nguyễn May

Well-known member
Chuyện về thầy hiệu trưởng vượt nỗi đau mất người thân để gắn bó trường học, giáo viên cống hiến tới cuối đời được kể trong "Những tấm lòng cao cả".

Tiểu thuyết của nhà văn Edmondo De Amicis xuất bản lần đầu vào ngày 17/10/1886, dịp khai trường ở Italy. Tác phẩm trở thành hiện tượng xuất bản chỉ sau vài tuần ra mắt khi có 40 phiên bản tiếng Italy và được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Tại Việt Nam, tiểu thuyết được nhiều nhà xuất bản dịch và phát hành. Bản đầu tiên với tên Tâm hồn cao thượng do nhà giáo Hà Mai Anh dịch từ tiếng Pháp, từng đoạt Giải thưởng Văn chương của Hội Alexandre de Rhodes Hà Nội năm 1943. Một bản chuyển ngữ khác tái bản nhiều lần là Những tấm lòng cao cả của Hoàng Thiếu Sơn, được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành lần đầu năm 1977.

Với nội dung mang tính giáo dục, sáng tác của De Amicis được xem như "luân lý giáo khoa thư" cho tâm hồn bao thế hệ, những mẩu truyện trong tiểu thuyết được đưa vào chương trình sách giáo khoa của Việt Nam. Sau hơn 100 năm, nhiều phụ huynh, các bạn trẻ vẫn tìm đọc cuốn sách.

Bìa Những tấm lòng cao cả, sách 368 trang, dịch bởi Hoàng Thiếu Sơn. Ảnh: NXB Văn học

Bìa "Những tấm lòng cao cả", sách 368 trang, dịch bởi Hoàng Thiếu Sơn. Ảnh: NXB Văn học

Tiểu thuyết lấy cảm hứng từ hai con trai của tác giả là Furio và Ugo. Sách viết dưới dạng nhật ký của cậu bé Enrico 11 tuổi. Cậu đã ghi lại sự kiện hàng ngày trong cuộc sống, câu chuyện được đọc trên lớp, bức thư từ cha mẹ, những tình huống gặp phải trên đường phố và việc làm của thầy cô, bạn bè. Với Enrico, mỗi câu chuyện là một bài học về tình thầy trò, tình bạn, gia đình.

Trong tác phẩm, thầy Perboni, chủ nhiệm lớp Enrico coi học sinh là gia đình của mình. Ông nói: "Trên thế gian này, thầy chỉ có các con, thầy không có tình thương yêu nào khác, mối bận tâm nào khác. Các con hãy là con của thầy. Thầy yêu quý các con, mong các con cũng yêu quý thầy". Người giáo viên ấy ít khi cười nhưng luôn kiên nhẫn tìm hiểu và chia sẻ với học sinh, làm chỗ dựa tinh thần cho Garrone khi mẹ em qua đời, thấy đau khổ khi phải phạt một học trò ngỗ nghịch. Biết Coretti phải vác củi từ sáng sớm, ông để cậu ngủ gục trong lớp cho đến hết giờ.

Để học sinh vui trong kỳ thi cuối năm, thầy chủ nhiệm đã giả vờ bị vấp chân, phải bám vào tường: "Toàn bộ phần thưởng của thầy là cái khoảnh khắc vui tươi ấy, sự đền bù cho chín tháng trời hiền hòa, nhẫn nại, thậm chí khốn khổ!". Ông còn treo trên đầu giường những tấm ảnh của các học trò cũ suốt hơn 20 năm: "Khi sắp chết, cái nhìn cuối cùng của thầy sẽ quay về họ".

Cuốn sách viết về thầy hiệu trưởng với tấm lòng vị tha, bao dung cho lỗi lầm của học sinh, những em mắc lỗi được ông dạy bảo nhẹ nhàng "đến nỗi bạn nào khi bước ra mắt cũng đỏ hoe, bàng hoàng còn hơn là bị phạt". Vượt qua nỗi đau mất con trai, người giáo viên chọn tiếp tục gắn bó với ngôi trường vì không nỡ rời xa học trò.

Tác phẩm của De Amicis còn nói về những người cống hiến với nghề giáo đến giây phút cuối đời. Thầy giáo cũ của bố Enrico - 84 tuổi - vẫn đầy tâm huyết. Cụ chỉ ngừng dạy khi không thể viết được nữa và thấy đau đớn khi trót làm bẩn quyển vở của một học trò vì chứng run rẩy. Thầy lưu giữ những bài làm của học sinh, thỉnh thoảng lôi ra đọc để sống lại thời gian đã qua. Sau 60 năm tận tụy với nghề, thầy Crosetti chỉ có một căn nhà trống trải, tấm ván làm giường ngủ, mẩu bánh mì với chai dầu làm bữa ăn, khiến học trò đã hai thứ tóc trên đầu không khỏi suy nghĩ: "Đó là tất cả phần thưởng của thầy".

Giáo viên dạy lớp một mất ba ngày trước khi kết thúc chương trình học. Cô bị ốm nhưng không nghỉ dạy, muốn ở bên học trò đến ngày cuối cùng: "Nếu lấy những ngày nghỉ, cô có thể sống thêm ít ra vài ba tháng". Trước khi qua đời, cô còn yêu cầu thầy hiệu trưởng không cho học sinh đến tiễn đưa vì không muốn các em khóc. Cô để lại cho học sinh sách, lọ mực, cuốn sổ, mọi thứ mà mình có. Cả khi đã mất, người giáo viên vẫn lo lắng cho học trò, dành tình thương và sự quan tâm cho các em.

Tình cảm của học sinh dành cho giáo viên cũng được De Amicis thể hiện trong tác phẩm. Enrico viết trong nhật ký: "Khi tôi trưởng thành và thầy còn sống, gặp lại nhau, tôi sẽ kể lại cho thầy nghe động tác đã khiến trái tim tôi thổn thức ấy, và xin thầy cho mình được hôn lên mái đầu". Cậu bé luôn dành sự kính trọng cho người đã dìu dắt mình suốt một năm học.

Dịch giả Hoàng Thiếu Sơn nhận xét: "Thời gian - người đánh giá công bằng và đúng đắn nhất - đã công nhận đây là tác phẩm có giá trị, không những về nội dung mà cả về văn chương. De Amicis xây dựng những truyện dù tình tiết có ly kỳ đến mấy vẫn kết cấu chặt chẽ, các sự kiện diễn ra tự nhiên, cách kể linh hoạt, sắc sảo". Theo dịch giả, nhà văn đã viết một thiên trường ca cảm động về nghề dạy học. Trong văn học Italy, cuốn sách không phải một kiệt tác, nhưng trong sự nghiệp giáo dục, tác phẩm có vai trò quan trọng nhờ những bài học về đạo đức.

Edmondo De Amicis được mệnh danh là người nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Ảnh: Alma Books

Edmondo De Amicis được mệnh danh "người nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ". Ảnh: Alma Books

Edmondo De Amicis (1846-1908) là nhà văn, nhà báo và nhà thơ người Italy. Ông còn được biết đến với tư cách nhà hoạt động chính trị, xã hội nổi tiếng khi sống giữa thời đại chiến tranh và trở thành sĩ quan quân đội Italy. Sáng tác của De Amicis mang dấu ấn của chủ nghĩa yêu nước. Sau khi rời quân ngũ, ông viết về các trải nghiệm chiến trường trong Cuộc đời quân ngũ (1868) đăng trong tạp chí của Bộ quốc phòng Italy. Năm 1970, nhà văn làm việc cho tờ báo La Nazione ở Roma. Nhờ trải nghiệm làm báo, ông cho ra đời nhiều tác phẩm du ký như Spagna (1873), Olanda (1874), Ricordi di Londra (1874) và gây được nhiều tiếng vang.
 
Bên trên