Những tù nhân của địa lý

linh_449

Linh Linhh
Ông tổ của ngành nghiên cứu địa chính trị Việt Nam có lẽ là Nguyễn Trãi. Xưa xửa xừa xưa trước khi xuất hiện thuật ngữ “địa chính trị” cụ đã biên soạn cuốn “Dư địa chí” khái quát sơ lược về địa lý hành chính và tự nhiên của Việt Nam qua các thời kỳ. Nhấn mạnh tầm quan trọng của địa lý, cụ viết “Quan hà bách nhị do thiên thiết” (dùng chữ của Tư Mã Thiên ý nói địa thế hiểm trở khiến hai người có thể chống được trăm người) và tóm tắt những yếu tố hình thành nên một quốc gia - dân tộc độc lập, có chủ quyền:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.”
Quay xe về thời hiện đại, địa chính trị là một khái niệm quen thuộc ngày nay, nhất là với ai quan tâm đến tin tức quốc tế. Nhưng địa chính trị là gì? “Những tù nhân của địa lý” mang đến kiến giải hay ho về tác động của các yếu tố địa lý đến sự phát triển về chính trị, xã hội, quân sự, con người, chính sách đối ngoại và vị thế của các quốc gia trên thế giới.
Vì sao Crimea ám ảnh nước Nga? Vì sao Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông? Vì sao Mỹ nhanh chóng trở thành một siêu cường? Vì sao châu Âu đói khát năng lượng? Vì sao Trung Đông mãi bất ổn? Tất cả những vấn đề này được Tim Marshall trình bày ngắn gọn và dễ hiểu.
Tác giả - một nhà báo kỳ cựu từng tác nghiệp tại tiền tuyến ở Balkan, Afghanistan và Syria - cho rằng cách duy nhất để thấu hiểu các quyết định, các sự kiện, những mâu thuẫn quốc tế và những cuộc nội chiến là xem xét đầy đủ những hy vọng, sợ hãi và định kiến do lịch sử và môi trường địa lý hình thành. Những dãy núi, con sông, bình nguyên, sa mạc chính là những “lá bài” mà thiên nhiên chia cho mỗi quốc gia, và chính những yếu tố địa lý này đã khiến các nhà cầm quyền phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất cứ chính sách nào. Vị trí địa lý cũng khiến tham vọng bá chủ của một số quốc gia bị giới hạn. Theo luận điểm của Tim Marshall, nhân loại chính là “những tù nhân của địa lý”.
Cuốn sách chia làm 10 chương, mỗi chương chỉ khoảng trên dưới 40 trang kèm ít nhất 1 tấm bản đồ đơn giản minh họa cho luận điểm của tác giả. Ở mỗi chương tác giả đề cập đến một đất nước hoặc một khu vực cùng những đặc điểm địa lý cũng như tình hình chính trị mà các quốc gia ở đó đã, đang và sẽ đối mặt. Cuốn này như kiểu Địa chính trị đại cương hoặc là Địa chính trị nhập môn, lượng kiến thức kha khá nhưng chia nhỏ nên dễ theo dõi.
Bên cạnh yếu tố địa chính trị, Tim Marshall cũng đề cập đến các vấn đề bao gồm ý thức hệ, các xung đột tôn giáo – sắc tộc, tranh chấp tài nguyên hay âm mưu thao túng, xây dựng quyền lực cho quốc gia. Mặc dù Tim Marshall cho rằng địa lý là nhà tù không thể phá bỏ của một quốc gia, nhưng vẫn có những chiến lược “nới lỏng” nhà tù này bằng công nghệ, thương mại hoặc lợi dụng sắc tộc (di dân tự nhiên) để vươn tay ra khỏi biên giới.
Đây là một cuốn sách đẹp cả về hình thức lẫn nội dung, bìa cứng chữ nổi, tuy nhiên văn phong dịch thuật có lẽ không thân thiện lắm khiến một số ý khó hiểu hoặc bị hiểu sai. Đọc bản gốc tiếng Anh chắc sẽ nuột nà hơn nhưng mình dốt tiếng Anh nên thôi bỏ qua./.
 

Đính kèm

Bên trên