Ở Đức, học nhiều - ít sẽ cho biết con bạn lên đại học hay đi học nghề

Nguyễn Thị Hồng

Well-known member
Giáo viên Đức không hề ép buộc học sinh phải làm bài tập, nhưng điểm số quyết định sau này bạn là ai.

Là một người đang sinh sống và làm việc tại Berlin, thủ đô nước Đức, có hai bé đang học cấp I (Grundschule) và trường cấp III (Gymnasium) trường công lập ở Đức, đọc bài Con tôi học không quá 6 tiếng một ngày ở Đức, tôi có một số quan điểm khác và xin cung cấp một số thông tin rõ hơn về cách mà nền giáo dục, xã hội của nước Đức vận hành.

Thứ nhất, về việc học tiếng Anh và ngôn ngữ thứ hai trong trường

Trong lớp các con tôi (khoảng 20 cháu) thì ngôn ngữ giao tiếp và giảng dạy là tiếng Đức, các cháu thực sự giỏi tiếng Anh rất ít (chỉ khoảng vài cháu) và có cha mẹ là dân Anh, Mỹ hoặc cha mẹ di cư từ các nước nói tiếng Anh tốt như Ấn Độ, Pakistan.

Các cháu này cơ bản được tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ từ cha hoặc mẹ nên các cháu nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Tôi có xem qua giáo trình tiếng Anh và tiếng Pháp (ngôn ngữ thứ ba) của hai bé con tôi, và tôi thấy rằng với giáo trình này cộng với việc học mỗi tuần chỉ từ hai đến ba tiết tiếng Anh, việc "giỏi" tiếng Anh chỉ dừng lại ở mức giao tiếp cơ bản với người nước ngoài.

Nghịch lý muốn con vừa học vừa chơi nhưng phải thành công

Điều này tương tự như việc các cháu ở Việt Nam đang theo học chương trình tiếng Anh tích hợp. Trong năm đầu tiên nhập học ở trường, các cháu không phải người Đức thường sẽ có một năm được học tiếng Đức (thường bằng tiếng Anh). Khi đủ trình độ tương đương tiếng Đức B1 thì mới được vào học chính thức.

Các cháu đã không biết tiếng Đức mà cũng chưa có nền tảng tiếng Anh sẽ rất khó khăn khi học tiếng để theo kịp các bạn. Hai bé nhà tôi được học tiếng Anh từ nhỏ ở Việt Nam (từ lúc 4-5 tuổi, nghe nói đọc viết như người Anh bản địa) nhưng cũng đã phải mất một năm để học tiếng Đức đủ để theo kịp bài giảng ở trên lớp cũng như hòa nhập với các bạn.

Vì vậy việc học theo giáo trình được giảng dạy ở Đức và học ở trên lớp chưa đủ để các cháu "giỏi" tiếng Anh một cách thực sự, các cháu đã phải học tiếng Anh từ trước hoặc phải học và đọc thêm ở ngoài. Ngoài ra, còn phải học tiếng Đức rất nhiều để có thể đủ khả năng theo học được trường công ở Đức.


Thứ hai, về việc học nhiều hay chơi nhiều. Ở Đức, việc phân loại học sinh theo ngành nghề từ rất sớm, bắt đầu từ lớp 5 hoặc lớp 7. Các cháu sẽ được phân loại dựa trên việc xét tuyển điểm tổng kết có nhân hệ số (của các lớp trước đó), vào hai loại trường chính sau:

- Trường Gymnasium (điểm đầu vào yêu cầu cao).

- Các trường còn lại như trường Realschule, Hauptschule (điểm đầu vào thấp hơn).

Con tôi học 12 tiếng một ngày

Học và tốt nghiệp trường Gymnasium các cháu sẽ được học tiếp lên đại học. Còn các trường còn lại sẽ tập trung hơn vào việc giảng dạy các chương trình học nghề, các cháu tốt nghiệp xong thường sẽ đi làm ngành nghề cụ thể (như bán hàng, làm bánh, cắt tóc, xây dựng, điều dưỡng, nhà hàng khách sạn, thợ máy...) tùy theo sở thích và lựa chọn cá nhân.

Ở Đức, giáo viên rất đề cao tinh thần tự giác học tập. Họ không hề ép buộc, không hề nhắc nhở, con bạn muốn chơi nhiều hơn học cũng được, không tự học thêm ở nhà cũng được, thậm chí không làm bài tập về nhà họ cũng không nói gì.

Nhưng điểm tổng kết thì có thể sẽ khác nhau, và điểm số này quyết định hai hướng chính cho con bạn như đã nói ở trên: Vào vào đại học hoặc đi học nghề. Dĩ nhiên, theo tôi khảo sát, mức lương và sự vất vả của hai bên cũng khác nhau. Như vậy, bạn và con bạn tự lựa chọn cho tương lai của mình tùy theo khả năng và sở thích.

Một khi đã bắt đầu học ở Gymnasium, học sinh sẽ làm bài kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ, cuối kỳ đều kiểm tra và nếu điểm số tổng kết năm không đạt, có khả năng sẽ xuống trường thường để học. Vị trí trống sẽ được thay thế bởi các đơn xin vào trường Gymnasium của các bạn từ các trường khác.

Năm lý do nên tiếp tục kiểm tra bài học sinh đầu giờ

Điểm số khi tốt nghiệp trường cũng là điểm xét tuyển vào các trường đại học hàng đầu cũng như ngành nghề hot sau này. Vì vậy, học trường Gymnasium cũng phải chịu áp lực. Ngay cả khi đã vào học đại học, tỷ lệ tốt nghiệp đại học ra trường cũng là cực thấp.

Với một chế độ an sinh tốt như nước Đức, các bậc phụ huynh từ bước này có thể lựa chọn cho con mình học trường thường một cách thoải mái, ra trường vẫn làm nghề thích hợp với mức lương đủ sống và sống một cuộc đời vui vẻ hạnh phúc. Nhưng tôi nghĩ với lứa tuổi lớp 5 (10-11 tuổi), lớp 7 (13-14 tuổi), các cháu chưa có thể tự định hướng tốt cho bản thân mà cần có sự giúp đỡ của bố mẹ.

Tôi vẫn tạo cho các cháu sự áp lực, thói quen kỷ luật bằng cách ngồi vào bàn học 1-2h mỗi ngày. Tôi đang định hướng cho các cháu vào trường Gymnasium và tốt nghiệp đại học. Sau này các cháu sẽ tự chọn thêm lối rẽ cho cuộc đời mình.

Trở lại với Việt Nam, việc tốt nghiệp đại học vẫn là cách duy nhất để "thoát nghèo" và thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình, vì chế độ an sinh và giáo dục của Việt Nam khác với Đức.

Tôi không ủng hộ việc học ngày 12 tiếng nhồi nhét như Việt Nam, nhưng nếu quá thoải mái, không rèn giũa sẽ tạo nên sự lười biếng, nên tôi không quá thả nổi việc học của các con ở đây.
 
Bên trên