Phát hiện một hành tinh trong hệ Mặt Trời đang bị “teo nhỏ” lại

Daily News

Daily With Vincent
Top Poster Of Month
Nghiên cứu mới cho thấy hành tinh nhỏ nhất trong Hệ mặt trời đang ngày càng càng bé hơn khi nhiệt thoát ra khỏi lõi của hành tinh và các vết nứt mới xuất hiện trên bề mặt của nó.

Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện Sao Thủy - hành tinh có kích thước bé nhất trong hệ Mặt trời đang ngày càng nhỏ hơn, Live Science đưa tin. Theo đó, hành tinh gần Mặt trời nhất này đã nguội dần và co lại trong nhiều thiên niên kỷ, tạo ra những "vết sẹo" khổng lồ trên bề mặt của nó khi bề mặt đá bị vênh do co lại. Các nhà địa chất không chắc chắn chính xác khi nào những vết sẹo này hình thành hoặc liệu Sao Thủy có còn tạo ra những vết sẹo mới khi nó liên tục nguội đi hay không - cho đến tận bây giờ.

Phát hiện một hành tinh trong hệ Mặt Trời đang bị 'teo nhỏ' lại - Ảnh 1.

Hình ảnh vách đá lớn được hình thành do đường đứt gãy trên Sao Thủy, được cho là do lõi hành tinh này đang co lại.

Nghiên cứu mới được công bố ngày 2 tháng 10 trên tạp chí Nature Geoscience đã xem xét kỹ hơn các vết sẹo và tìm thấy những vết nứt nhỏ cho thấy chúng chắc chắn đã di chuyển trong 300 triệu năm qua.

"Nhóm của chúng tôi đã tìm thấy những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhiều vết sẹo đã tiếp tục di chuyển trong thời gian gần đây về mặt địa chất, ngay cả khi chúng được hình thành từ hàng tỷ năm trước", David Rothery, đồng tác giả nghiên cứu, nhà địa chất học tại Đại học Mở ở Anh, cho biết.

"Điều này giống như những nếp nhăn hình thành trên một quả táo khi nó già đi, ngoại trừ việc quả táo co lại vì nó bị khô", trong khi Sao Thủy co lại vì nó nguội đi, chuyên gia Rothery nói thêm.

Hình ảnh cận cảnh Sao Thủy mới nhất của nhóm được cung cấp bởi tàu vũ trụ Messenger của NASA, vốn đã quay quanh hành tinh trong hơn một thập kỷ từ 2004 đến 2015. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra các địa hào - thuật ngữ địa chất để chỉ các vết nứt nhỏ song song với một đường đứt gãy lớn, ngay bên cạnh các vết sẹo trên mặt đất. Địa hào hình thành từ các đường đứt gãy đang cố gắng uốn cong một mảnh đá cứng.

"Nếu bạn cố gắng uốn cong một miếng bánh mì nướng, nó có thể bị nứt theo cách tương tự", chuyên gia Rothery giải thích.

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 48 địa hào đã được xác nhận và có thêm 244 đặc điểm khác có khả năng là địa hào.

Họ xác định niên đại của những tảng đá này bằng cách sử dụng thông tin về tốc độ mà các hạt bụi (vốn tạo ra từ các vụ va chạm của thiên thạch) xóa mờ đi các đặc điểm địa chất trên bề mặt Sao Thủy. Dựa trên mức độ mờ của các địa hào trong ảnh, nhóm nghiên cứu tính toán chúng khoảng 300 triệu năm tuổi.

Chuyển động của các vách đá không chỉ tạo ra địa hào, mà còn có thể gây ra hiện tượng động đất trên Sao Thủy - khá giống với những dư chấn được ghi lại trên Mặt trăng và gọi là "động đất mặt trăng". Thực tế, Mặt trăng được cho là đang co lại và có bề mặt "nhăn nheo" giống như Sao Thủy. Đây là xác nhận dựa trên dữ liệu từ các máy đo địa chấn trên bề mặt vệ tinh này để chứng minh điều đó.


Thật không may, không có thiết bị như vậy trên Sao Thủy. Tuy nhiên, sứ mệnh BepiColombo sắp tới của Châu Âu sẽ bắt đầu quay quanh hành tinh nhỏ bé này vào năm 2025, hy vọng cung cấp thêm thông tin về địa chất của Sao Thủy - bao gồm cả góc nhìn rõ nét về các "nếp nhăn" của nó.
 
Bên trên