Phát triển du lịch Đà Lạt gắn với kinh tế ban đêm

Ngọc Vàng

Well-known member
Chủ Nhật, ngày 30/06/2024 10:34 AM (GMT+7)
Chia sẻ
Chia sẻ zaloChia sẻ zaloChia sẻ zaloChia sẻ zalo
Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Lạt được định hướng phát triển các sản phẩm phù hợp với đô thị trọng điểm phát triển du lịch gắn với kinh tế ban đêm.

Theo đó, về định hướng phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính, Đà Lạt (Lâm Đồng) nằm trong định hướng phát triển sản phẩm du lịch gắn với các đô thị trọng điểm phát triển du lịch, như: Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang); chú trọng gắn kết du lịch với công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế ban đêm.

Lâm Đồng cùng với các tỉnh Tây Nguyên phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng và bản sắc văn hóa đặc trưng.

Phát triển du lịch Đà Lạt gắn với kinh tế ban đêm - 1


Đà Lạt là Thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO, Thành phố Festival Hoa.

Ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng: Du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên vùng đất cao nguyên, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”; du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái.

Tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: Gia Lai-Kon Tum; Lâm Đồng; Đắk Lắk-Đắk Nông. Liên kết với vùng Đông Nam theo hành lang du lịch Bắc-Nam phía Tây; với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, với nước Lào theo hành lang du lịch Đông-Tây (miền Trung).

Bên cạnh đó, Lâm Đồng cũng được xác định nằm trong 1 trong 8 khu vực động lực du lịch sẽ được xây dựng và hình thành trong thời gian tới để tập trung nguồn lực, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, lan tỏa và thúc đẩy những lợi ích và giá trị của du lịch.

Phát triển du lịch Đà Lạt gắn với kinh tế ban đêm - 2


Du khách dạo bộ và mua sắm tại Phố đi bộ Trần Quốc Toản, TP Đà Lạt.

Về danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển du lịch quốc gia theo quy hoạch, Lâm Đồng có Đan Kia - Suối Vàng. Địa điểm này đồng thời cũng thuộc nhóm dự án đầu tư phát triển hạ tầng để trở thành Khu du lịch quốc gia (bao gồm lập Quy hoạch chung xây dựng).

Về chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, Khu du lịch quốc gia Tuyền Lâm - Lâm Đồng thuộc nhóm dự án đầu tư phát triển hạ tầng các Khu du lịch quốc gia đã được công nhận, để cải thiện, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch theo chiều sâu.

Đồng thời, TP Đà Lạt nằm trong nhóm dự án đầu tư phát triển hạ tầng các trung tâm du lịch gắn với đô thị có tiềm năng và lợi thế, để phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Lâm Đồng đón hơn 5 triệu lượt, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, khách quốc tế ước đạt 301.000 lượt, khách nội địa ước đạt 4,7 triệu lượt.
Năm 2024, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đón gần 10 triệu lượt du khách tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó, khách qua lưu trú 7,6 triệu lượt, khách quốc tế 550 nghìn lượt.
Chia sẻ
Chia sẻ zaloChia sẻ zaloChia sẻ zaloChia sẻ zalo
Bảo Hân
 
Bên trên