Phong vị tinh tế của ẩm thực Hà Nội

Quang Phúc Trương

Well-known member
Người Hà Nội tinh tế trong việc chọn nguyên liệu, kết hợp gia vị hài hòa tính nóng - lạnh, tạo ra các món ăn thưởng thức theo mùa trong năm.

Với vị trí trung tâm miền Bắc, Hà Nội có sẵn nguồn nguyên liệu ẩm thực phong phú, từ vùng núi đến đồng bằng cùng các loại thủy hải sản nước ngọt. Bên cạnh đó, khí hậu nhiệt đới gió mùa với bốn mùa rõ rệt cũng mang đến cho Hà Nội hương vị ẩm thực đa dạng. Nhờ vậy, người Hà Nội luôn chú trọng "mùa nào thức nấy", như món rươi chỉ thưởng thức vào "tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng 5". Ngoài khí hậu, các mùa lễ hội cũng là dịp để du khách thưởng thức nhiều món ăn cầu kỳ, đặc trưng phong vị của người Tràng An như lễ hội chùa Hương, Cổ Loa, Gióng...

Hồ Hoàn Kiếm là điểm đến lịch sử thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp cổ kính. Ảnh: VNAT

Hồ Hoàn Kiếm là điểm đến lịch sử thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp cổ kính. Ảnh: VNAT

Nhắc đến đặc sản thủ đô, không thể thiếu bún thang. Có nhiều cách giải thích về ý nghĩa tên bún, có người nói là do món ăn được tạo nên từ rất nhiều nguyên liệu: thịt gà, giò, tôm, củ cải khô, trứng tráng, nấm, hành, rau răm... và phải nấu tỉ mỉ, giống cân đo từng thang thuốc. Lại có người cho rằng, bún thang là một phiên bản của món "đán hoa thang" trong cung đình, nơi sinh sống của vua chúa.

Chả cá Lã Vọng cũng là một thức quà đặc trưng của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Đây là một trong số những món ăn truyền thống hiếm hoi được người dân biết tận cội rễ. Theo tích xưa, vào một ngày năm 1871, vợ của thợ sơn Đoàn Xuân Phúc sống tại số 14 Hàng Sơn (nay là phố Chả Cá) mua được con cá lăng lớn. Bà nướng chả đãi khách, không ngờ món ăn lại được ưa thích. Để món chả cá chuẩn vị Hà Nội, người nấu phải đảm bảo thịt cá được lọc xương, tẩm ướt kỹ rồi rán trong chảo mỡ đến khi vàng thơm, ngấm gia vị. Cá ăn cùng rau thì là và hành hoa, kết hợp bún và mắm tôm để tạo hương vị hài hòa, đặc trưng.

Món chả cá có lịch sử đặc biệt. Ảnh: VNAT

Món chả cá có lịch sử đặc biệt. Ảnh: VNAT

Ẩm thực Hà Nội còn nổi tiếng với món ngan nướng riềng mẻ hoặc sả. Riềng và mẻ là hai gia vị miền Bắc, nếu riềng cay nồng, tính nóng thì mẻ thanh chua, tính mát, kết hợp tạo nên hương vị hòa quyện đặc biệt, thể hiện nét tinh tế trong việc kết hợp các loại gia vị của người Hà Nội. Giờ đây, các đầu bếp tại gia thường thêm dầu hào, hạt nêm cùng nước tương Maggi đậm đặc để món ăn đạt được sắc thái hương vị truyền thống.

Phở là món ăn đại diện cho ẩm thực Hà Nội. Ảnh: Grigory Polyakovsky

Phở là món ăn đại diện cho ẩm thực Hà Nội. Ảnh: Grigory Polyakovsky

Cuối cùng, món ăn góp phần tạo nên danh tiếng ẩm thực Hà Nội là phở bò. Được ví như một "bản giao hưởng hương vị", phở bò được CNN bình chọn là một trong 30 món ăn ngon nhất toàn cầu năm 2018. Người Hà Nội ăn phở vào buổi sáng, với những miếng thịt bò tươi mềm, sợi phở trắng ngần và hành hoa xanh ngắt. Không chỉ là một món ăn, phở được xem như biểu tượng về nét ăn uống thanh lịch và lòng hiếu khách của người Việt.

Người Hà Nội tỉ mỉ từ cách nêm nếm gia vị, chọn đủ nguyên liệu trước, trong và sau bữa ăn. Đặc biệt, ẩm thực nơi đây không thể thiếu rau thơm hay một ly chè tráng miệng. Một bữa ăn với người Hà Nội không chỉ là thời điểm để ăn, còn là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau. Vì vậy, Hà Nội được mệnh danh là nơi đại diện của truyền thống ẩm thực hướng về gia đình, cộng đồng của người dân Việt.
 
Bên trên