Phượt thủ chinh phục cung đường Tây Trường Sơn huyền thoại

Võ Xuân Trường

Well-known member
Phượt thủ chinh phục cung đường Tây Trường Sơn huyền thoại

Quảng Trị - Nổi tiếng bởi sự hùng vĩ, hoang sơ, bí ẩn, thậm chí nguy hiểm, cung đường Tây Trường Sơn hấp dẫn nhiều phượt thủ đam mê chinh phục.
Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây Trường Sơn đi qua núi rừng Kẻ Bàng tới phía tây các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình), vượt đèo Sa Mù tới điểm cuối là Khe Sanh, Quảng Trị. Đó là cung đường mòn có Km số 0 ở ngã ba Khe Gát (Xuân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình). Người dân Quảng Bình vẫn gọi nôm na đó là đường mòn Tây Trường Sơn. Giới phượt thủ vẫn hay truyền tai nhau rằng đó là cung đường Trường Sơn Tây.
Anh Lê Văn Hải (29 tuổi, Hà Nội) đã có chuyến phượt đáng nhớ từ Hà Nội đến Khe Sanh bằng con đường Trường Sơn Tây huyền thoại, vừa hoang vu, nguy hiểm nhưng cũng hấp dẫn mời gọi các phượt thủ chinh phục.
Anh Hải đã có chuyến phượt qua con đường Trường Sơn Tây huyền thoại. Ảnh: NVCC
Anh Hải đã có chuyến phượt qua con đường Trường Sơn Tây huyền thoại. Ảnh: NVCC
Anh Hải cho biết hành trình từ Hà Nội đến Khe Sanh khá dài và vất vả: “Tôi xuất phát từ Hà Nội đến Ninh Bình, nghỉ một đêm. Sau đó đi từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh, Phong Nha và cuối cùng là từ Phong Nha đến Khe Sanh. Cả hành trình này kéo dài 5 ngày, dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh cũ (Trường Sơn Tây) và không đi theo quốc lộ”.
Nam phượt thủ khẳng định bản thân đã muốn chinh phục cung đường Trường Sơn Tây từ lâu nhưng chưa có cơ hội, phần nhiều vì sự nguy hiểm của nó: “Tuyến đường này từ 10 – 20 năm trước đã rất nổi tiếng với anh em phượt thủ. Khi đó nó rất hoang sơ và mang tính chất gì đó kỳ bí, hoang dã”.
Tháng 9 vừa qua, anh Hải cùng vài người bạn thân thiết đã lên kế hoạch và may mắn hoàn thành chuyến đi trọn vẹn, suôn sẻ.
Ảnh: NVCC
Đường Trường Sơn Tây vốn nổi tiếng bởi sự nguy hiểm, thách thức cả những phượt thủ nhiều kinh nghiệm. Ảnh: NVCC
Anh Hải khẳng định bản thân hoàn toàn choáng ngợp trước khung cảnh ven đường Trường Sơn Tây. Đó không phải nét đẹp hùng vĩ một bên núi cao chót vót một bên vực sâu thăm thẳm như của những cung đường phượt ở Hà Giang, Cao Bằng, Sa Pa… Cung đường Trường Sơn Tây cuốn hút bởi không gian vắng vẻ, yên tĩnh giữa núi non trùng điệp. Nam phượt thủ gần như chỉ cảm nhận được âm thanh của núi rừng, không bị làm phiền bởi những xô bồ của cuộc sống.
“Những cánh rừng ở đây hoang sơ không bóng người, đi tầm 20 - 30km mới thấy một vài ngôi làng nhỏ, 10 - 20km mới gặp xe đi ngược chiều và chủ yếu là người địa phương, gần như không có dân du lịch”, anh Hải cho biết.
Trên đường đi, anh Hải có trải nghiệm thú vị khi quyết định vượt thác ghềnh ở sông Long Đại, thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
“Sông Long Đại ngay sát đường Trường Sơn Tây, lại giữa núi rừng hoang vu như vậy nên tôi vô cùng phấn khích. Đặc biệt khi đi đến cuối sông sẽ có những thác ghềnh tương đối cao, thuyền phải chúc hẳn đầu xuống hay bênh lên cao thì những người ngồi trên thuyền đều rất phấn khích. Mặc dù trải nghiệm này khiến chúng tôi đến Khe Sanh muộn hơn 2 tiếng nhưng hoàn toàn xứng đáng”, anh nói.
Ảnh: NVCC
Thiên nhiên hoang sơ của Trường Sơn Tây. Ảnh: NVCC
Để chuyến đi diễn ra suôn sẻ, anh Hải cũng như bạn bè đã phải chuẩn bị kỹ càng về tinh thần cũng như sức khỏe, các đồ dùng, vật dụng cần thiết.
Theo anh Hải, 230km đường Trường Sơn Tây không có cây xăng nào hoạt động. Chính vì vậy, anh và cả đoàn phải đổ xăng đầy đủ cũng như chú ý kiểm tra lượng xăng liên tục để căn chỉnh sao cho đủ chạy về Khe Sanh. Ngoài ra, cung đường này sẽ không có nhà hàng, nhà nghỉ nào nên các phượt thủ phải tự chuẩn bị đồ ăn dọc đường cũng như ăn sáng thật no để có đủ sức chạy đường dài.
Anh Hải cho biết bản thân đã chuẩn bị sẵn tinh thần không có nhiều sự hỗ trợ dọc dường từ phía người dân cũng như cơ quan chức năng nên phải chuẩn bị kỹ lưỡng về cả xe, người, đồ bảo hộ, đồ y tế… để đề phòng bất trắc.
“Nhóm tôi hầu như không quan tâm nhiều đến chi phí vì phượt ở các cung đường Việt Nam vốn có chi phí rất phải chăng. Chi phí chủ yếu là việc thuê homestay hay khách sạn, tùy nhu cầu mỗi người. Chúng tôi đi theo kiểu phượt việt dã nên không thuê dịch vụ gì quá cao cấp”, nam phượt thủ bộc bạch.
Ảnh: NVCC
Các phượt thủ phải chuẩn bị kỹ càng cả về thể chất, tinh thần và các đồ dùng cần thiết để hoàn thành chuyến đi. Ảnh: NVCC
Khi tới Khe Sanh, một trong những điều đặc biệt nhất anh Hải cũng như bạn bè được trải nghiệm là cắm trại trên đỉnh đồi nằm trong khu điện gió. Tại đây, anh được ngắm trọn vẹn toàn cảnh thị trấn Khe Sanh cũng như các khu lân cận và đồi điện gió ở xung quanh.
“Mình đã kỳ vọng săn được biển mây nhưng không được. Đó là điều hơi đáng tiếc. Mặc dù vậy, đây vẫn là nơi có khung cảnh đẹp mà du khách nên khám phá. Cảm giác đứng dưới điện gió khổng lồ rất choáng ngợp, cảm thấy bản thân nhỏ bé và ấn tượng trước những gì sức mạnh con người có thể tạo ra”, nam phượt thủ khẳng định.
Ảnh: NVCC
Anh Hải ấn tượng với khu vực cắm trại trong đồi điện gió tại Khe Sanh, Quảng Trị. Ảnh: NVCC
Anh Hải cho rằng những ai muốn chinh phục Trường Sơn Tây nói riêng hay cung đường khác nói chung nên thực hiện càng sớm càng tốt, khi nó vẫn còn giữ được nét hoang sơ và chưa bị thay đổi quá nhiều. Ngoài ra, các phượt thủ cũng nên cân nhắc việc đi đông người để bảo đảm an toàn cũng như hỗ trợ nhau tốt hơn.
Anh Hải khẳng định vẫn muốn quay lại Khe Sanh một lần nữa để săn mây cũng như khám phá những địa điểm đẹp khác. Ngoài ra anh cũng có kế hoạch phượt Cao Bằng vào dịp cuối năm cuối năm nay để chiêm ngưỡng cánh đồng cỏ cháy Hạ Lạng.
Ảnh: NVCC
Nam du khách khẳng định muốn quay lại Khe Sanh một lần nữa để săn biển mây. Ảnh: NVCC
 
Bên trên