"Ping - Giải cứu Vườn Địa đàng": Nhận biết và mạnh dạn vứt bỏ nỗi sợ của bản thân

Phạm Mai

Well-known member
Cuốn sách của tác giả Stuart Avery Gold, là câu chuyện thú vị, hấp dẫn về hành trình của chú ếch Ping vượt khỏi ao tù, ra biển lớn, giải cứu Vườn Địa đàng. Đó là chuyến đi tìm con đường cho cuộc đời mình - con đường chuyển biến nội tâm, thay đổi thế giới, tìm ra mục đích sống và hạnh phúc đích thực cho muôn loài.

Lựa chọn và hành động

Câu chuyện bắt đầu vào một thời điểm đã lâu lắm rồi, ở một nơi kia…vào một ngày nọ, chú ếch Ping cảm thấy bất ổn khi nhận ra nước trong ao nơi mình cư ngụ đang cạn dần. Thật ra “Ao đã cạn dần một thời gian trước đó nhưng hầu hết cư dân sống trong ao chẳng hề quan tâm. Chuyện đời vốn dĩ như vậy”. Nhưng Ping thì rất bận tâm. Nó đứng trước lựa chọn: ở lại ao tù hay ra đi tìm sự thay đổi, tìm đến một thế giới bên ngoài rộng lớn hơn, giàu sức sống hơn; thực hiện những mơ ước, lý tưởng lớn lao hơn.
 ping - giai cuu vuon Dia dang nhan biet va manh dan vut bo noi so cua ban than hinh anh 1

"Ping: Giải cứu vườn địa đàng" của tác giả Stuart Avery Gold.
Ping đã chọn ra đi. Một hành trình đầy hiểm nguy, chông gai, thử thách. Nó phải vượt qua rừng thẳm, núi cao, đầm lầy trơn trợt… Cùng cái khó vượt qua nhất, chính là bản thân mình, bắt đầu từ nỗi sợ hãi, đến những hoang mang về Con đường mình phải đi, và đích đến. Hành trình đó, không chỉ giúp Ping thay đổi bản thân, mà còn góp phần cảnh báo những hiểm hoạ môi trường, thay đổi nhận thức và hành vi của những sinh vật, con người cùng sống trên trái đất này.

Sự thu hút của cuốn sách không chỉ ở những tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn trong chuyến đi của Ping. Mà sâu sắc hơn, lay động hơn chính ở những triết lý, nhân sinh quan, những bài học cuộc sống mà tác giả chăm chút đưa vào từng trang sách. Tất cả những điều đó không chỉ nói với Ping, dành cho Ping, chú ếch đang độ trưởng thành, mà còn dành cho con người, đặc biệt là những bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời; đang băn khoăn giữa những ước mơ, hoài bão và sự lựa chọn mục đích, hướng đi, nơi đến cho cuộc đời mình.
Đọc xong hai phần đầu của cuốn sách, bạn sẽ nhận ra thông điệp: “Ai trong chúng ta cũng có khả năng sống một cuộc đời trọn vẹn với những khát vọng sâu sắc nhất của mình, thông qua những lựa chọn và hành động của bản thân”. Nếu không lựa chọn và không hành động, chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu cả.


Cũng như Ping, Ping muốn sống một cuộc sống đúng với bản chất thật sự của nó. Mỗi ngày Ping đều ngồi bên bờ ao chỉ để mơ về hoài bão lớn nhất của mình là đạt được chân ngã hoàn thiện. Nhưng trong khi ước mơ ngày càng lớn dần thì cái ao nơi Ping đang sống ngày càng nhỏ lại, nước ngày càng cạn kiệt. Nó đứng trước sự lựa chọn phải thay đổi. Cái khó là “Ai có thể đoán được chính xác thời điểm cuộc sống của mình thay đổi?”.

Điều rút ra là: Hãy luôn nhận rõ năng lực của mình để sửa đổi cuộc đời và tiến về phía trước… Hãy chào đón thách thức bằng sự thay đổi, hãy nhìn nó bằng cái nhìn mới. Khi ta thay đổi cách nhìn nhận, mọi thứ quanh ta sẽ đổi thay.
Nhưng thay đổi luôn là điều không dễ.
Con đường ở đâu?
Điều đầu tiên phải vượt qua, khi bắt đầu sự thay đổi là nỗi sợ hãi. Chú ếch Ping cũng vậy. “Nỗi sợ hãi ngự trị. Nó rất sợ…Sự thay đổi”. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ta luôn sợ hãi?

Đây là điều tác giả muốn gởi gắm: Sợ thay đổi, sợ đương đầu với mạo hiểm, sợ bị chế nhạo hoặc sợ ai đó sẽ phản bác những mục tiêu và mơ ước của bạn…chính là kẻ thù của những dự định tốt đẹp và sự chuyển biến bên trong con người bạn. Nhưng ngay cả kẻ thù cũng có kẻ thù, và kẻ thù của sự sợ hãi là lòng can đảm. Can đảm không phải là không biết sợ mà là hành động vượt lên trên nỗi sợ hãi. Bạn mất bao lâu để nhận thức được điều đơn giản này?. Và đây là lời khuyên “Để sống tự do tự tại, hãy nhận biết nỗi sợ của bản thân. Để thật sự an lành, hãy mạnh dạn vứt bỏ chúng”.
 ping - giai cuu vuon Dia dang nhan biet va manh dan vut bo noi so cua ban than hinh anh 2

Ping đã vượt qua nỗi sợ hãi, lựa chọn bước vào hành trình của mình. Nó hiểu ra: nhận thức để lựa chọn là nhận thức để thay đổi. Ping quyết định quên đi quá khứ, hướng tới tương lai. Nhưng nó sẽ bắt đầu từ đâu? Lựa chọn đi con đường nào? Ai sẽ chỉ ra cho nó con đường?
Lúc bắt đầu chuyến đi, Ping gần như bay bổng với cảm giác lạc quan, tích cực, mạnh mẽ, cùng với tinh thần đổi mới tràn đầy. Nhưng sau 3 ngày ra sức nhảy, nó lại đưa mình vào một cơn ác mộng. Khi nhảy vào một đám rừng với những tán cây cao chót vót, mặc nó ra sức nhảy với những cơ bắp khỏe nhất, trước đây luôn được mọi người ngưỡng mộ, giờ là trải nghiệm về “một thế giới của toàn là những bước lùi, thất bại, tàn nhẫn và lạnh lùng đối với nó”.
Và điều quan trọng là nó phải tìm ra con đường để đi. Rất may, Ping gặp một bác Cú già. Bác Cú không chỉ ra Con đường cụ thể nào, nhưng đã cho nó những đúc kết, những triết lý để dẫn dắt. “Nếu con đường bạn đi không có trở ngại nào, thì nó cũng chẳng đưa bạn đến đâu cả”. Lời bác Cú: “Cháu phải tự tìm lấy con đường của mình. Nếu cháu không biết mình đi đâu thì đi theo con đường nào cũng vậy”. “Biết mình thật sự là ai và mình muốn trở thành như thế nào là một tầm nhìn mà những người mù cũng có thể đạt được”.
Con đường là gì? Theo giảng giải của bác Cú, “Con đường chính là cuộc sống thường nhật của chúng ta. Con đường làm tâm trí ta thức tỉnh và giúp ta nhìn ra chân tánh của mình. Con đường là biết bỏ đi thái độ và sự mong mỏi của người khác để có thể bước vào dòng chảy của số mệnh, chảy cùng suối nguồn năng lực”. “Tại sao chúng ta cứ luôn sẵn sàng tin vào những thứ bên ngoài hơn là những thứ bên trong bản thân chúng ta? Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc cả, chính hạnh phúc là con đường”. Và “hành trình có ý nghĩa nhất chính là hành trình bên trong mỗi chúng ta”.
Một thông điệp được đưa ra: “Ước mơ sẽ không thể bắt đầu nếu cháu không hành động. Hãy là người tạo ra khả năng, sai lầm có thể khắc phục, không hành động thì tâm hồn sẽ bị giam cầm”.
Cuối cùng, Ping đã ngộ ra con đường của mình. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Tác giả đã viết tiếp phần 3 “Giải cứu Vườn Địa đàng”.
Ai sẽ giải cứu Vườn Địa đàng?
Vườn Địa đàng ở đâu? Tại sao phải giải cứu? Người đọc sẽ tự có câu trả lời. Nhưng thông điệp có thể nhận biết rõ ràng là thảm cảnh con người tàn phá thiên nhiên, cũng chính là tàn phá môi trường sống của mình, tàn phá tương lai của chính mình và con cháu mình.
Con người là một cá thể trong một tổng thể hài hoà của vũ trụ. Nhưng con người nhiều lúc quên đi điều đó. Hoặc đôi khi lại tưởng mình ở bên ngoài, bên trên. Họ tàn phá cái mà chính mình đang là một thành phần trong đó.
Theo tác giả, người cổ đại tin rằng hơi thở của vũ trụ có trong vạn vật, rằng có một điểm kết nối về mặt tinh thần giữa con người với tự nhiên. Các qui luật hài hoà chi phối một bộ phận cũng chính là các qui luật chi phối cái toàn thể. Điều gì xảy ra cho một cá thể rồi sẽ xảy ra cho toàn thể. Khi các anh phá hủy vẻ đẹp và sự phong phú của thế giới tự nhiên, thật ra các anh đang phá hủy chính mình.
 ping - giai cuu vuon Dia dang nhan biet va manh dan vut bo noi so cua ban than hinh anh 3

Vì vậy, khi Ping hỏi: “Hỡi tự nhiên, người sẽ vẫn chăm nom chúng con đúng không?”. Tự nhiên đã trả lời bằng một câu hỏi: “Thế các con vẫn sẽ tiếp tục chăm nom ta chứ?”
Con người đã tàn phá thiên nhiên, tàn phá môi trường sống của các loài sinh vật và của chính mình như thế nào? Chắc rằng mỗi người đều sẽ có những cảm nhận lo sợ và đau lòng khi đọc những trang sách này. Một chú ếch Ping có thể xoay chuyển tình thế không? Ai sẽ giải cứu Vườn Địa đàng, và không chỉ Vườn Địa đàng?
Đọc sách, chúng ta sẽ nhận ra một triết lý: chỉ có con người, bằng con đường trở về thế giới nội tâm, bằng sự tỉnh thức của mình để lựa chọn con đường và hành động đúng đắn, mới có thể thay đổi cuộc sống của mình và thế giới.
Triết lý đó, cũng được tác giả nêu trong lời kết, khi nhắc lại sự kiện mình đến Lhasa, thủ phủ văn hoá- tâm linh của Tây Tạng. Ở đó, có một dòng thông điệp khắc trên một tảng đá trường tồn với thời gian. Thông điệp đó được ông trang trọng viết bằng chữ in nghiêng, và chia sẻ “tôi đọc và thấm thía từng chữ một, khắc sâu những con chữ ấy vào tâm khảm”. Tôi cũng có cảm xúc đó. Và bạn, hãy thử một lần đọc và cảm nhận thông điệp khắc trên đá đó từ cuốn sách này./.
 
Bên trên