Quán bánh đúc Tàu hơn 30 năm, ngày bán 500 bát

VTTH.

Well-known member
Quán bánh đúc Tàu của bà Nguyễn Thị Chuyền ở quận Lê Chân mở từ năm 1989, ngày nào cũng đông khách.

Cuối giờ chiều một ngày đầu năm, trong tiết trời lạnh kèm mưa phùn, hơn 10 người ngồi quây quần trên vỉa hè trước cửa nhà 159 Hai Bà Trưng, xì xụp thưởng thức một món ăn.

Trong bát nhỏ thường dùng để ăn cơm có miếng bánh màu trắng, mềm và mịn. Bên trên bánh có thêm đu đủ, tôm, thịt rang. Trước khi đưa cho khách, bà chủ cho thêm một thìa nước chấm. Bà Chuyền, 61 tuổi, chủ quán cho biết đó là bánh đúc Tàu, món ăn có xuất xứ từ những người Trung Quốc.

Bánh đúc Tàu, món ăn đường phố lạ miệng, hút khách ở Hải Phòng. Ảnh Lê Tân


Bánh đúc Tàu, món ăn đường phố lạ miệng, hút khách ở Hải Phòng. Ảnh Lê Tân

Bà Chuyền có người cô ruột tên Hoa, làm dâu trong một gia đình gốc Trung Quốc tại Hải Phòng nên học được cách làm món bánh này. "Bà Hoa là một trong những người đầu tiên bán món này ở Hải Phòng. Khi tôi làm cùng bà năm 1985, bà đã bán được 30 năm rồi", bà Chuyền nhớ lại.

Phụ việc cho bà Hoa rồi được truyền nghề, năm 1989, bà Chuyền ra bán riêng ở trước cửa ngõ 189 Cát Dài. Đến năm 2021, bà chuyển về địa điểm bây giờ. Theo chủ quán, bánh đúc tàu có phần bánh làm từ bột, trắng, mịn và khô, đanh hơn bánh đúc truyền thống của người Việt, vì hấp bằng khay gỗ. Để làm bánh, bà Chuyền cùng chồng phải dậy từ 4h sáng để ngâm gạo. "Phải dùng gạo tẻ loại ngon, không được lẫn gạo nếp, nếu không sẽ hỏng bánh", bà Chuyền cho hay.

Sau đó, gạo được trộn với chút muối rồi xay thành nước. Trong lúc xay bột, chồng bà Chuyền đi nhóm bếp than, đặt một nồi nước lên để hấp bánh. Khi nước đã sôi già, bột được đổ thành từng lớp dày 1 cm lên khay có kích thước 60 x 15 cm để hấp chín. "Bánh đổ từ 6h thì 7h mang ra bán luôn, chiều làm mẻ mới, không để tủ lạnh", bà Chuyền nói.

Quán của bà Chuyền lúc nào cũng đông khách đến ăn. Ảnh: Lê Tân

Quán của bà Chuyền lúc nào cũng đông khách đến ăn. Ảnh: Lê Tân

Ngoài phần bánh đúc, món ăn đường phố này còn có đu đủ, tôm và thịt. Đu đủ xanh được gọt vỏ, rửa sạch, thái hạt lựu, luộc qua nước sôi rồi trộn thêm một chút bột điều. Thịt ba chỉ thái miếng vừa ăn, tôm cắt râu rồi rang quánh với nhau. Những nguyên liệu ăn kèm để riêng, khi mang ra bán mới đổ lên trên bánh cho đẹp và tiện múc cho khách.

Một bát bánh đúc Tàu có giá từ 12.000 đến 20.000 đồng, tùy theo lượng đồ ăn nhiều hay ít. "Có người thích ăn nhiều bánh đúc, người thích ăn nhiều đu đủ, tôm thịt. Trẻ con thì không ăn được cay. Phải lựa khách để bán", bà Chuyền vừa múc bánh vừa nói.

Quán nằm trên vỉa hè nên bố trí rất đơn giản. Bà Chuyền ngồi sau khay bánh, xung quanh có sẵn bát, thìa, mắm, dấm. Khách đến ăn ngồi trên ghế nhỏ, không có bàn nên dựa lưng đối mặt san sát nhau. "Đơn giản vậy mà tồn tại hơn 30 năm, mỗi ngày bán được 500 bát", bà Chuyền chia sẻ.

Chị Lưu Kim Dương, 44 tuổi, trú quận Hải An đánh giá, món ăn là sự hòa quyện giữa vị ngậy béo của thịt ba chỉ, dai ngọt của tôm, giòn sần sật của đu đủ và mềm mượt của bánh. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Hoa, 55 tuổi, một du khách đến từ Hà Nội, cho biết tại Hải Phòng còn một số chỗ có bánh đúc Tàu như chợ Cố Đạo, chợ Lương Văn Can, chợ Máy Đá, nhưng nơi ngon nhất vẫn là hàng bà Chuyền.

Bà Chuyền niềm nở, nhanh nhẹn đã bán bánh đúc tàu từ năm 1989. Ảnh: Lê Tân

Bà Chuyền niềm nở, nhanh nhẹn đã bán bánh đúc tàu từ năm 1989. Ảnh: Lê Tân

Hiện nay, bánh đúc tàu bà Chuyền đã được Sở Du lịch Hải Phòng đưa vào bản đồ món ngon giới thiệu đến du khách.
 
Bên trên