Quán chè 90.000 đồng một cốc vẫn hút khách ở Hà Nội

Nguyễn Thị Hồng

Well-known member
Từ gần 30 năm trước, tiền ăn một cốc chè trong ngõ Trần Hưng Đạo đã cao hơn bát phở và chủ quán nói sẽ "không bao giờ giảm giá".

Nằm trong con ngõ ở đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội), quán Chè thập cẩm cũ 1976 có không gian hẹp như những quán chè dân dã khác ở Hà Nội, với hai tầng để khách ngồi. Tuy nhiên, giá mỗi cốc chè ở đây lại đắt hơn một bát phở.

Chủ quán hiện nay Lê Minh Dung (63 tuổi) nói quán được mẹ bà mở ra từ năm 1976 và đến năm 1996 bà mới tiếp quản lại cơ ngơi mẹ để lại. Vào thời điểm bà Dung bắt đầu bán, giá cốc chè khoảng 7.000 đồng còn bát phở là 3.500 đồng, bún chả khoảng 2.500 đồng. Mức giá sau khoảng 50 năm dần tăng lên vì "cả chất và lượng đều xứng đáng" - theo lời chủ quán.

Một cốc chè thập cẩm chưa sầu riêng của quán.

Một cốc chè thập cẩm chưa sầu riêng của quán.

Khoảng 5 năm đầu tiên, quán chè tương đối ế khách. Dù vậy, mẹ bà Dung vẫn kiên trì giữ quán, không muốn đổi sang bán các món mặn, phải sát sinh. Tới những năm 1980, quán bắt đầu đông khách và có những gia đình đã ăn ở đây ba thế hệ.

Mỗi cốc chè có khoảng 18 loại nguyên liệu như đậu xanh, cốt dừa, hoa quả, cốm. Cốc rẻ nhất có giá 60.000 đồng và đắt nhất là chè thập cẩm sầu riêng giá 90.000 đồng. Chè được để vào trong những cốc lớn, phần nhân đầy gần miệng cốc, đặc biệt đẫm cốt dừa. Vị chè ngọt thanh, không gắt và hương vị của các nguyên liệu có sự hòa quyện, cân bằng.

Quán cũng tặng kèm một cốc trà nhài miễn phí để thực khách không cảm thấy ngấy. Bà Dung nói thời mẹ mình còn quản lý, trà dùng kèm luôn được mẹ tự tay ướp. Sau này, do quá đông khách, bà Dung đổi sang trà mua sẵn để tiện hơn.


Điểm nhấn ở cốc chè quán bà Dung là những viên trân châu lớn với các hương vị chocolate, nho và đậu xanh, sen, vừng, dừa. Chủ quán gọi chung đây là trân châu nhưng cũng đồng ý chúng trông giống viên bột lọc thường được dùng trong các món chè miền trung hơn. Mẹ bà Dung là người Phú Yên nên các nguyên liệu được dùng trong cốc chè khác đôi chút so với miền bắc. Món chè đậu xanh cốt dừa là món đặc trưng với người miền trung, miền nam.

Bên cạnh viên trân châu, hoa quả theo mùa như xoài, sầu riêng cũng được chủ quán đảm bảo "là hàng tươi và chất lượng tốt". Cốc chè ở đây còn có cốm xào cắt miếng, thơm bùi, dẻo dẻo, nguyên liệu được nhiều thực khách yêu thích, trong đó có anh Xuân Lâm (46 tuổi, sống tại Hoàng Hoa Thám, Hà Nội).

Anh được bố chở đi ăn chè ở đây mỗi tuần một lần từ năm 14 tuổi và nhận xét chất lượng món ăn sau gần 50 năm vẫn giữ nguyên. Anh Lâm cũng nhớ cốc chè khi đó khoảng 6.000 đồng, đắt hơn bát phở khoảng 3.000 đồng.

"Thực ra, ai cũng phải có chút kinh tế mới ăn ở đây được. Một cốc chè thời đấy giá 6.000 đồng, bây giờ tận 90.000 đồng có phải ai cũng ăn được đâu", anh nói và cho biết "không thể ăn bất kỳ hàng chè nào khác ở Hà Nội".

Anh Lâm cùng vợ ăn chè tại quán trong tối 11/7.

Anh Lâm cùng vợ ăn chè tại quán trong tối 11/7.

Chủ quán chè nói có nhận được phản hồi "chè nhà mình giá đắt". Tuy nhiên, bà Dung khẳng định "đắt xắt ra miếng" bởi phần nhân luôn đầy đặn, nguyên liệu được chọn lọc kỹ càng. Với viên trân châu chocolate, phần chocolate là loại nhập từ Đức và luôn trữ khoảng 500 thanh. Bà từng thử với một số loại chocolate bán ở Việt Nam nhưng "thấy không hợp".

Vào thời kỳ đỉnh cao, quán của bà Dung có thể bán khoảng 1.600 cốc mỗi ngày. Vài năm gần đây, kinh tế khó khăn khiến chi tiêu của khách hạn chế, mỗi ngày bán được khoảng 700 cốc.


Các cốc chè được chuẩn bị trước tại quán.

Nhân viên phải bê nhiều cốc chè một lúc khi khách đông.

Nhân viên quán cắt cốm xào vào cốc chè.

Bà Dung vẫn vào bếp mỗi ngày để kiểm tra chất lượng món ăn.

Các cốc chè được chuẩn bị trước tại quán.

Nhân viên phải bê nhiều cốc chè một lúc khi khách đông.







Thông thường, quán mở từ khoảng 9h tới 22h30. Ban ngày, quán tương đối vắng nhưng từ khoảng 19h trở đi, khách đến nườm nượp. Quán có khoảng 15 nhân viên và khi khách đến đông, mỗi người phục vụ phải bê một lượt gần 10 cốc chè.

Dù quán hiện không còn đông như trước nhưng bà Dung sẽ "không giảm giá để hút khách".

"Một là giữ nguyên, hai là tăng lên, không có chuyện giảm", bà Dung nói.
 
Bên trên