Quán cơm tấm món 'đỉnh' trứng lòng đào: Bà chủ độc thân vui tính, khách ruột… 3 đời

Ngô Nguyễn Anh Thư

Well-known member
Tự nhận mình 'ế' do ngoài 70 tuổi vẫn chưa lập gia đình, tuy nhiên quán cơm tấm của bà Năm ở TP.HCM suốt hơn 50 năm qua hiếm khi nào… ế khách.

Nhiều gia đình ăn cơm tấm ở đây tận 3 đời bởi bà Năm (tên thật là Diệp Thị Ngọc Anh) có bí quyết để níu chân khách.
Kế thừa quán ăn của mẹ
Một buổi sáng cuối tuần, tôi ghé quán cơm tấm của bà Năm nằm nép mình trên đường Tân Canh (Q.Tân Bình, TP.HCM) bình yên, mát mẻ. Lúc tôi tới, là 7 giờ sáng, khách ngồi kín mấy cái bàn nhựa đặt trong quán, thong dong thưởng thức bữa sáng khoái khẩu. Trước đó, 6 giờ, bà chủ đã dọn hàng ra bán.

Quán cơm tấm nửa thế kỷ TP.HCM, bà chủ 'độc thân vui tính': Khách ăn… 3 đời - Ảnh 1.
Quán cơm của bà Năm đông khách.
CAO AN BIÊN

Bà Năm cho biết quán cơm này được mẹ của bà mở bán từ trước năm 1975, để nuôi các con. Hồi còn nhỏ, bà Năm nghỉ học, theo mẹ phụ bán. Ban đầu, đây chỉ là một gánh cơm không biển hiệu được bán ngoài đường. Bà chủ nhớ lại thời điểm đó, ngoài cơm tấm, mẹ của bà còn bán thêm các loại xôi để có thêm tiền trang trải qua ngày.

Hồi đó, mẹ tôi bán cơm đơn giản lắm, chỉ có bì chả thôi, chủ yếu để người lao động bình dân người ta ăn cho no. Giá lúc đó cũng chỉ khoảng 2.000 - 3.000 đồng một dĩa cơm. Sau này, mẹ mất rồi, tôi kế thừa quán ăn rồi sáng tạo thêm nhiều thành phần để khách ăn không thấy ngán...

Bà Năm, Chủ quán

Quán cơm của gia đình bà Năm ban đầu chỉ có một lượng khách ruột ổn định, chủ yếu là người quen sống gần đó. Tuy nhiên, từ ngày thực đơn quán trở nên đa dạng, bà chủ làm thêm món trứng kho lòng đào ăn kèm, khách ăn thấy hợp. Tiếng lành đồn xa, khách quen, lạ tìm tới quán ngày càng đông. Có ngày, bà bán chỉ 3 - 4 tiếng là hết.

Quán cơm tấm nửa thế kỷ TP.HCM, bà chủ 'độc thân vui tính': Khách ăn… 3 đời - Ảnh 3.
Dĩa cơm 60.000 đồng.

CAO AN BIÊN
Nhiều khách hay gọi vui bà Năm là bà chủ "độc thân vui tính" vì ở tuổi này, bà vẫn ở vậy, không chồng không con. Khi được hỏi về câu chuyện này, bà chủ tâm sự rằng, thời còn con gái, bà cũng có nhiều người theo đuổi.

“Tuy nhiên, vì hoàn cảnh nên tôi bỏ qua hạnh phúc của bản thân để chăm lo cho gia đình và các em. Tôi hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống khi tại khi 5 người em của tôi giờ đều đã có cuộc sống ổn định, niềm vui của tôi mỗi ngày là được bán cơm cho khách của mình, vậy là đủ", bà chủ cười tươi.

Bí quyết đặc biệt
Buổi sáng chưa có gì lót dạ, tôi gọi một dĩa cơm tấm đầy đủ giá 60.000 đồng. Ở đây, các món giá dao động từ 25.000 - 60.000 đồng, thoải mái cho khách lựa. Chưa đầy 1 phút, dĩa cơm nóng hôi hổi, thơm phức được dọn ra trước mặt tôi.

Cơm tấm ở đây, ăn cùng với sườn, trứng chiên, bì, chả, xúc xích, lạp xưởng, trứng kho lòng đào, đồ chua, dưa leo bào sợi… chan thêm một ít nước mắm chua ngọt quả là một sự kết hợp tuyệt vời. Nếu chỉ xét riêng về hương vị, tôi chấm 8.5/10, đáng để ghé lại thưởng thức.

“Tôi ăn cơm ở đây từ thời mẹ bà Năm còn bán, tính đến nay cũng đã 50 năm rồi. Lúc đó tôi còn nhỏ xíu, chỉ 5 tuổi thôi. Giờ tôi đã 56 tuổi rồi, vẫn thường ăn ở quán của bà Năm. Tôi còn thường dắt theo con cháu của mình đến ăn. Mỗi lần ăn ở đây, tôi lại nhớ về tuổi thơ của mình ngày xưa. 3 đời ở gia đình tôi đều ăn ở đây đó!”, bà Phạm Thị Ngọc Nữ (Q.Tân Bình), là khách ruột của quán xúc động kể lại.

Quán cơm tấm nửa thế kỷ TP.HCM, bà chủ 'độc thân vui tính': Khách ăn… 3 đời - Ảnh 4.
Bà Năm kế thừa quán ăn của mẹ.

CAO AN BIÊN

Nghe vậy, bà chủ liền kể thêm, có người đến quán bà lúc còn quen nhau, đến khi có con rồi vẫn dẫn con đến quán của bà để ăn. Chính tình cảm và sự ủng hộ của khách như vậy, đã khiến bà càng có động lực để bán món ăn được mẹ truyền lại.

Anh Ngô Bá Hiệp cũng là một khách quen trong quán của bà Năm. Anh cho biết mình “mê” nhất phần trứng kho lòng đào trong dĩa cơm của bà Năm. Đó là lý do mà mỗi tuần anh phải ghé đây 2 - 3 lần, mỗi lần có thể ăn… 2 - 3 trứng. “Món trứng kho lòng đào ở đây nổi tiếng đó giờ, bà chủ làm hay ghê, trứng bên ngoài chín, bên trong lòng đào vừa phải, ăn béo ngậy”, vị khách nhận xét.


Món trứng kho lòng đào nổi tiếng của quán.
Mỗi ngày, bà Năm đều dành hết tâm huyết cho quán cơm. Bà kể buổi chiều bà đi chợ mua nguyên liệu, đến tối thì sơ chế. 3 giờ sáng bà thức dậy để nấu và chuẩn bị bán lúc 6 giờ, tới khi nào hết thì thôi.

Dù tuổi đã cao, nhưng bà nói còn sức ngày nào thì bà vẫn bán ngày đó, bởi, đây là kỷ niệm của bà với người mẹ quá cố, cũng là nơi bà nhận được sự yêu thương, ủng hộ của biết bao thế hệ thực khách xa gần…
 
Bên trên