Quan niệm học ngoại ngữ trong thời đại toàn cầu hóa

hagn449

Well-known member
Quan niệm học ngoại ngữ trong thời đại toàn cầu hóa



Ngày nay, việc học ngoại ngữ đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của mỗi người (kể cả những người đi làm ở những ngành nghề lao động phổ thông). Tuy nhiên nhiều người quan niệm về việc học ngoại ngữ còn giản đơn, cảm tính, học để chủ yếu là giao tiếp cho công việc vì thế việc học còn dừng lại ở mức độ phổ thông, hiệu quả chưa cao.
Ngoại ngữ là phương tiện để thâm nhập, kết nối mọi người, để “toàn cầu hóa” chính mỗi người.

Trong kinh tế học, tiền tệ có chức năng trao đổi, là vật ngang giá, là tiền tệ thế giới, thì trong đời sống sinh hoạt vật chất và tinh thần, ngôn ngữ là phương tiện để gắn kết con người trên toàn thế giới lại với nhau. Anh có thể khác nhau về chủng tộc, sắc tộc, có thể tồn tại một góc nhỏ nào đó trên thế giới, chỉ cần anh biết một ngôn ngữ ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ là anh có thể giao tiếp, giao lưu với những người nói thứ tiếng ấy. Và như vậy, khoảng cách khác biệt đầu tiên là rào cản về ngôn ngữ bị thu hẹp, khi đó thế giới bên ngoài chúng ta không còn cách biệt với chúng ta. Khi chúng ta biết sử dụng ngoại ngữ, nhất là khi ngôn ngữ đó là thứ ngôn ngữ thông dụng trên thế giới thì vấn đề giao lưu hội nhập trở thành rất nhỏ, nói như nhiều chuyên mục của tạp chí là “Thế giới trong lòng bàn tay” (The world in the hollow of our hands). Hiện nay, tiếng Anh đóng vai trò là thứ ngôn ngữ quốc tế được sử dụng trên mọi lĩnh vực, mọi hoạt động. Có khoảng bốn trăm triệu người trên thế giới nói ngôn ngữ này và tiếng Anh trong thế giới toàn cầu hóa được gọi là “Globish” (Global English). Việc học tiếng Anh càng ngày càng trở nên thông dụng ở nước ta, do vậy nếu chúng ta làm chủ tiếng Anh, chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội để kết nối, thâm nhập vào thế giới rộng lớn này. Tuy nhiên, việc học ngoại ngữ còn tùy thuộc vào sở thích, mục đích, điều kiện nên không nhất thiết phải học tiếng Anh mà chúng ta có thể học thêm một thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh (như Pháp, Nhật, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…). Việc học ngôn ngữ nào là tùy khả năng của chúng ta, điều đó không làm giảm giá trị của người học, chỉ miễn là chính ta thành thạo nó.

Ngoại ngữ không là công cụ thuấn túy, là chữ vô hồn, ngoại ngữ là bản thân văn hóa.
Ngôn ngữ là vỏ vật chất của tư duy, ngôn ngữ chứa đựng trong nó nội dung khách quan của sự vật hiện tượng, của đời sống sinh hoạt vật chất của con người. Do đó học ngoại ngữ là chúng ta tiếp nhận một hệ thống vật chất thứ hai (ngoài tiếng mẹ đẻ), nó cũng đầy đủ toàn vẹn như hệ thống tín hiệu thứ nhất ấy trên nhiều phương diện. Do đó, rất dễ hiểu vì sao những người có trình độ cao dễ tiếp nhận ngoại ngữ hơn là những người có học vấn thấp (tuy nhiên không ngoại trừ những trường hợp có khiếu ngoại ngữ).

Chính ngôn ngữ là văn hóa nên việc học ngoại ngữ phải đi liền với học văn hóa, tiếp nhận các kiến thức khoa học mới mẻ. Học ngoại ngữ phải am hiểu văn hóa. Do đó, sinh viên ở các trường ngoại ngữ bao giờ cũng được đào tạo gắn với rất nhiều môn học về đất nước đó. Hai cái này không tách rời nhau.

Ngoại ngữ là bản thân văn hóa, vì thế ở một khía cạnh khác, nó trở thành phương tiện rất quan trọng để cải thiện văn hóa của mình. Trong thế giới toàn cầu hóa, điều này rất dễ nhận thấy, tri thức không ngừng tăng lên, không ngừng trao truyền, biết thêm một ngoại ngữ là chúng ta có thêm một cánh cửa để thông ra với thế giới bên ngoài. Học ngoại ngữ trở nên thiết yếu với các nhà khoa học, nhất là nhà khoa học trẻ, nếu không có ngoại ngữ các bạn trẻ sẽ trở nên bất lợi, thậm chí rất khó khăn khi làm khoa học, giao lưu và trao đổi học thuật.

Học ngoại ngữ tốt nhất là lúc còn trẻ và căn bản là tự học, đặc biệt là lúc ngồi trên ghế nhà trường.
Não bộ của chúng ta là một cơ quan xử lý tinh vi phức tạp, nó luôn được làm đầy bởi tri thức, bởi kinh nghiệm cá nhân… Lúc còn trẻ não bộ còn trống rỗng, chưa phải “căng thẳng” nhiều luồng tri thức, nhiều mối quan hệ phức tạp nên sự tập trung còn dễ dàng hơn, do đó những người trẻ phải tận dụng tuổi trẻ, sức trẻ để học văn hóa, tri thức, trong đó có ngoại ngữ. Những tài liệu khoa học cho thấy, những người học ngoại ngữ lúc còn trẻ dễ dàng tiếp nhận và thuần thục các kỹ năng hơn những người lớn tuổi. Nhiều bạn trẻ khi ngồi trên ghế nhà trường, trên giảng đường đại học chỉ cố để học thi qua môn ngoại ngữ (vì ngoại ngữ là môn khó học), cái lý của họ ra là ra trường đi làm rồi hẵng học, vì ngoại ngữ không sử dụng sẽ quên đi. Đó là sự ngụy biện, muốn học tốt ngoại ngữ là cả một quá trình tích lũy dày công chứ không phải “mì ăn liền”, nay học mai có thể sử dụng, càng không thể sử dụng nhuần nhuyễn nhất là đối với ngoại ngữ thuộc chuyên ngành khoa học, nghệ thuật.

Khi học ngoại ngữ, điều rất quan trọng là tự học. Hiện nay có nhiều học sinh, sinh viên đến các lớp học ngoại ngữ ở các trung tâm xem ra hiệu quả không được là bao, vì không phải trung tâm nào cũng là cơ sở có chất lượng, và những người giảng dạy ở các trung tâm đó là những người thầy cô giỏi. Mà việc học ở các trung tâm này học phí khá là đắt đỏ. Trong khi ít chú trọng đến tự học, tự luyện, tự trau dồi các kỹ năng cho mình. Tự học là tự mày mò, tự hỏi thêm người hiểu biết, tự tra cứu từ điển, tự làm bài tập, tự luyện nghe nói qua băng, đĩa. Tự học như vậy là thể hiện sự tự chủ và tự tin của người học, những yếu tố rất quan trọng để dẫn tới thành công trong học tập. Điều này là điều kiện rất cần thiết cho những người đã có một ít vốn nho nhỏ về ngoại ngữ khi muốn tiếp bước sâu hơn vào thế giới ngôn ngữ đó. Qua kinh nghiệm nhiều người thành đạt về học ngoại ngữ đều cho thấy chủ yếu là tự học là chủ yếu. Nói như vậy không có nghĩa là xem thường vai trò của người “hướng đạo” nhưng nếu chỉ chăm chắm chờ trợ lực từ bên ngoài mà bản thân không say mê kiên trì thì không thể học tốt ngoại ngữ.

Thời đại toàn cầu hóa đang đặt ra nhiều cơ hội lẫn thách thức, đang làm thay đổi nhiều quan niệm khác nhau trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngoại ngữ và tin học là những công cụ không thể thiếu để hội nhập toàn cầu. Bản thân việc học ngoại ngữ thể hiện rất rõ xu thế tăng cường khả năng hội nhập của mỗi mỗi người mỗi quốc gia dân tộc. Học tốt và sử dụng thành thạo một ngoại ngữ sẽ có nhiều cơ hội về học tập và công việc, không chỉ ở trong nước mà ở nước ngoài, để tiếp nhận khoa học công nghệ văn hóa làm giàu cho chính mình và cho Tổ quốc, quê hương. Vấn đề là các bạn trẻ phải ý thức được sức mạnh của việc học tập này và có phương cách học tập đúng đắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực nhất.

Thanh niên Việt Nam hiện nay, nhìn chung khả năng giao tiếp và làm việc bằng ngoại ngữ còn hạn chế, điều này cũng do những hạn chế của lịch sử giáo dục để lại. Trong bối cảnh mới, không cho phép thanh niên chậm trễ, nhất là đối với người trẻ, vốn luôn được tin cậy là lực lượng xung kích trên mọi mặt trận, việc học tập tốt ngoại ngữ chắc chắn là một cánh cửa thiết yếu để thanh niên và dân tộc Việt Nam hội nhập thành công.
Ths. Phạm Thạch Hoàng
 
Bên trên