Quảng cáo bẩn vẫn tràn lan trên TikTok, Facebook

binhtrieu

Administrator
Staff member
Trước thực trạng quảng cáo bẩn tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) đang mở rộng danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (White List) nhằm đảm bảo an toàn thương hiệu, góp phần phát triển hệ sinh thái quảng cáo và nội dung số Việt Nam an toàn, lành mạnh.

Quảng cáo bẩn vẫn tràn lan trên TikTok, Facebook
Các nội dung về cờ bạc, tài xỉu tràn lan trên nền tảng Facebook. Ảnh chụp màn hình

Tràn lan quảng cáo bẩn
“Ở đây chúng tôi chuyên cung cấp đồ cờ bạc bịp, xóc đĩa bịp giá rẻ uy tín” - một trang Facebook đưa ra lời quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội này. Ngoài những bài viết, trang này còn thường xuyên chia sẻ những video đánh cờ bạc, dạy cách chơi cờ bạc bịp... Những nhân vật trong các video này công khai đánh cờ bạc ăn tiền, cùng với đó là những lời nói thô tục.

Không chỉ đẩy mạnh quảng cáo trên nền tảng Facebook, những nội dung liên quan đến cờ bạc, tài xỉu, cá độ còn được chia sẻ trong các video trên nhiều nền tảng khác như TikTok, YouTube. Chỉ cần gõ một vài từ khóa vào ô tìm kiếm của các nền tảng này, hàng loạt video, kèm theo đó là link của các website sẽ hiện ra.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số bài đăng còn hứa hẹn sẽ trao giải thưởng, tặng phần quà giá trị,... cho những người tham gia nhóm kín. Sau khi tham gia nhóm, người dùng sẽ bị lôi kéo tham gia đánh bạc, cá độ.

Anh Trần Ngọc Vĩnh (35 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) thắc mắc tại sao những hành vi này vi phạm nghiêm trọng chính sách quảng cáo của Facebook, song vẫn xuất hiện dày đặc.

“Có hôm tôi đang cùng con mở điện thoại thì video về đánh bài bạc hiện lên cùng những âm thanh vô cùng thô tục” - anh Vĩnh bức xúc nói.
Cùng chung bức xúc, chị Hà Thị Vy (29 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cũng thường gặp phải tình trạng đang nghe nhạc, xem video trên YouTube thì xuất hiện những video quảng cáo phản cảm.

Mở rộng danh sách White List
Nhằm ngăn chặn tình trạng dòng tiền chảy vào các website xấu độc, Bộ TTTT khuyến nghị các doanh nghiệp xem xét lựa chọn quảng cáo White List và danh sách White List sẽ tiếp tục được mở rộng, bổ sung thêm với đối tượng là các trang thông tin điện tử, tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng thuộc các mạng xã hội trong và ngoài nước.

Trước đó vào cuối tháng 3.2023, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm đã ký công văn có nội dung yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, các nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động quảng cáo phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo.

Bộ TTTT nhận định: “Thời gian qua, quảng cáo trên môi trường mạng, đặc biệt là quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, bộc lộ nhiều nguy cơ khi người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không thể đảm bảo quản lý tốt vị trí hiển thị quảng cáo, để cho quảng cáo cài đặt vào các nội dung nhảm nhí, phản cảm, thậm chí là xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 1 Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo".

Trước tình hình đó, để hỗ trợ việc tuân thủ pháp luật quảng cáo trên môi trường mạng, Bộ TTTT đã xây dựng và công bố White List và khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, các nhãn hàng xem xét lựa chọn quảng cáo trong White List nhằm đảm bảo an toàn thương hiệu, góp phần phát triển hệ sinh thái quảng cáo và nội dung số Việt Nam an toàn, lành mạnh.

Đồng thời, Bộ cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, các nhãn hàng nghiêm túc và chủ động triển khai 2 nội dung: Tăng cường rà soát, sàng lọc vị trí cài đặt quảng cáo trên mạng, không để quảng cáo bị gắn vào những trang, kênh, tài khoản, nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 70/2021/NĐ-CP; chấm dứt tình trạng triển khai quảng cáo tràn lan không kiểm soát, dẫn đến việc gián tiếp tiếp tay cho các nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật được sản xuất và phát tán trên không gian mạng.

Cùng với đó, các doanh nghiệp, nhãn hàng cũng cần chủ động xây dựng Danh sách nội dung “xấu độc” trên mạng của đơn vị mình (gọi tắt là “Black List”) để loại trừ quảng cáo.
 
Bên trên