Quảng cáo mạo danh bủa vây người dùng Facebook

Từ Minh Quân

Well-known member
Sau quảng cáo tai nghe giả giảm giá 70% trên Facebook, đến lượt các phòng trà kêu oan vì fanpage bị giả danh, lừa người dùng chuyển khoản mua vé.

Thùy Vân, 26 tuổi ở Bình Dương, cho biết hồi cuối tháng 10, người thân của cô mất gần 600 nghìn đồng khi đặt mua tai nghe giả, giảm giá 70% trên Facebook. Chưa đầy một tháng sau, Vân lại trở thành nạn nhân khi tìm mua vé qua mạng xã hội.

Bắt gặp quảng cáo trên Facebook về phòng trà nổi tiếng trên đường hay đi làm sắp có ca sĩ yêu thích biểu diễn, cô bấm vào xem. Kiểm tra kỹ thấy tên, ảnh đại diện, thời gian biểu diễn khớp thông tin niêm yết ngoài quán, cô mới đặt vé với giá một triệu đồng.

Chờ gần một ngày không thấy email xác nhận, Vân qua phòng trà để hỏi nhưng quản lý nói tên cô không có trong trong danh sách. Biết mình đã chuyển tiền cho tài khoản mạo danh, cô nhắn tin liên hệ lại nhưng bị chặn Facebook.

Đại diện một số phòng trà tại TP HCM cho biết gần đây khách hàng liên tục bị lừa chuyển khoản. "Thời gian qua, trang giả mạo tiếp tục những hành vi lừa đảo bán vé ngày càng tinh vi. Quý khách hãy thận trọng, kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển khoản, đặt cọc vé", đại diện phòng trà Bến Thành đăng thông báo trên fanpage kèm hình ảnh, đường link hai trang mạo danh để cảnh báo. Đại diện một phòng trà khác cho biết: "Chúng tôi chưa từng chạy quảng cáo Facebook vì luôn có khách hàng ổn định".

Phòng trà cảnh báo người dùng về những fanpage mạo danh, lừa đảo chuyển tiền. Ảnh: Khương Nha

Phòng trà cảnh báo người dùng về những fanpage mạo danh, lừa đảo chuyển tiền. Ảnh: Khương Nha

Ông Mai Thanh Phú, chuyên cung cấp các dịch vụ mạng xã hội, cho biết fanpage giả mạo phòng trà, chương trình ca nhạc đang tràn ngập Facebook do tập khách hàng này là những người có tiền. "Không loại trừ những fanpage mạo danh đến từ cùng một nhóm vì cùng hình thức lừa đảo. Nhiều nơi cho đặt vé qua Google Docs, người dùng chọn loại ghế và thanh toán. Khi thấy một fanpage giả chạy quảng cáo, họ rất dễ bị lừa vì không đặt vé qua tin nhắn, không có lịch sử chat", ông Phú cho hay.

Một điểm chung khác của những fanpage chính thức nhưng bị giả mạo là đa số không có tick xanh nên người dùng khó phân biệt thật giả. Theo ông Phú, việc xác nhận tài khoản "chính chủ" đòi hỏi nhiều điều kiện, tốn kém nên không được ưu tiên.

So với quảng cáo lừa đảo tai nghe, loa giảm giá 70% rộ lên trong tháng 10, nhóm mạo danh phòng trà đầu tư kỹ hơn. Không chỉ đăng thông tin ngay sau khi tài khoản chính chủ lên bài, kẻ xấu còn mua "like" và bình luận để lừa người dùng. Nhiều bài viết trên trang giả có lượt thích cao hơn trang chính, tuy nhiên đây đa phần là like ảo.

Phản hồi về tình trạng trên, đại diện Facebook cho biết nền tảng có các hệ thống tự động xét duyệt quảng cáo, danh sách sản phẩm trên Marketplace, nội dung trong cửa hàng và bài đăng bán hàng cũng như danh sách thương mại khác trước khi chúng xuất hiện trực tuyến và chủ động chặn nội dung có thể bán hàng giả. Các hệ thống có thể chặn dựa trên dấu hiệu như tên thương hiệu, logo, từ khóa, giá cả, giảm giá và các điểm đáng ngờ khác. "Nếu báo cáo đầy đủ và hợp lệ, nhóm sẽ nhanh chóng xóa nội dung, thường trong vòng một ngày sau khi chúng tôi nhận được báo cáo", đại diện Facebook nói.

Tuy nhiên thực tế, nhiều người dùng phản ánh sau khi bấm báo cáo, Facebook sẽ thông báo đã nhận được thông tin, nhưng trang giả mạo vẫn tồn tại. "Trong khi fanpage thật chỉ đăng thông tin đơn thuần, tài khoản giả mạo chạy cả quảng cáo và không bị xóa dù đã bị báo cáo, không rõ Facebook có xem xét những report từ người dùng không", quản lý fanpage một phòng trà nói.

Theo ông Mai Thanh Phú, trong khi Facebook chưa thể giải quyết triệt để những quảng cáo lừa đảo, mạo danh, người dùng có thể chủ động đăng ký dịch vụ bảo vệ bản quyền từ bên thứ ba. Những công cụ này cho phép phát hiện ngay những hình ảnh, video đã được đăng ký đang bị bên khác sử dụng, từ đó có thể nhanh chóng nắm bắt tình hình và có biện pháp xử lý, trước khi khách hàng bị lừa.

Trước đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 4/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng khá nhức nhối hiện nay, chủ yếu xuất hiện trên nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, với rất nhiều nội dung trái quy định pháp luật. Ông cho biết thời gian tới, Bộ sẽ thanh tra về quảng cáo của các nền tảng xuyên biên giới và cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để thực hiện việc này.
 
Bên trên