Quốc Gia Thiên Đường Của Bắc Âu

T

Thanh Trà

Guest
Thụy Điển là một đất nước đáng mơ ước trong mắt nhiều du học sinh, bởi lẽ không chỉ là do cảnh sắc đẹp động lòng người mà còn là do hệ thống giáo dục miễn phí, tiên tiến bậc nhất thế giới. Trên chuyến tàu vi vu về một vùng đất mới, YO xin giới thiệu các bạn đến thăm Thụy Điển để có những cái nhìn tổng quan hơn về quốc gia này nhé!

1. Giới thiệu về đất nước Thụy Điển
Thụy Điển – Quốc gia Bắc Âu nằm trên bán đảo Scandinavia. Tên Thụy Điển có nguồn gốc từ Svear hay Suiones, một dân tộc được tác giả người La Mã Tacitus nhắc đến vào đầu năm 98 sau công nguyên. Tên cổ của đất nước là Svithiod và Stockholm được xem là thủ đô lâu đời nhất (từ năm 1523).

Thụy Điển chiếm phần lớn bán đảo Scandinavia. Thụy Điển nằm về phía tây nam của Phần Lan, phía tây cạnh Na Uy. Nơi đây có các hồ nằm rải trên khắp cả nước và có đến hàng ngàn hòn đảo tạo thành quần đảo dọc theo hơn 2.100 km đường bờ biển. Giống như tất cả các vùng Tây Bắc Châu Âu, Thụy Điển có khí hậu khá thuận lợi do gió tây nam ôn hòa và dòng chảy Bắc Đại Tây Dương ấm áp.

Đất nước này có lịch sử kéo dài 1.000 năm. Ngày nay, quốc gia này theo chế độ quân chủ lập hiến với nền Dân chủ nghị viện được thiết lập từ năm 1917. Xã hội Thụy Điển mang tính dân tộc và tôn giáo rất đồng nhất, mặc cho việc sự nhập cư gần đây đã làm cho Thụy Điển thêm đa dạng hơn. Trong lịch sử, Thụy Điển đã vươn lên từ lạc hậu và nghèo đói trở thành một xã hội hậu công nghiệp phát triển cao với mức sống và tuổi thọ được xếp vào hàng cao nhất trên thế giới.

2. Sắc tộc ở Thụy Điển
Mặc dù các nhóm người nhập cư khác nhau đã ảnh hưởng đến văn hóa Thụy Điển qua nhiều thế kỷ nhưng Thụy Điển vẫn giữ được nét đồng nhất về chủng tộc, ngôn ngữ và tôn giáo. Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đã có nhiều sự thay đổi đáng chú ý trong khuôn mẫu sắc tộc ở quốc gia này. Từ năm 1970 đến đầu những năm 1990, nhập cư chiếm khoảng 3/4 mức tăng dân số.

Trong những năm 1980, Thụy Điển bắt đầu tiếp nhận ngày càng nhiều người xin tị nạn từ các nước châu Á và châu Phi như Iran, Iraq, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Eritrea và Somalia, cũng như từ các nước Mỹ Latinh đang bị chính phủ đàn áp. Nhiều người trong số này đã chạy trốn khỏi Nội chiến Syria. Vì thế mà Thụy Điển đã cấp quyền cư trú cho bất kỳ người Syria nào xin tị nạn (tổng số khoảng 70.000 người). Vào năm 2016, cứ 6 người Thụy Điển thì có một người nước ngoài, cảm thấy sự căng thẳng của dòng người di cư ồ ạt, quốc gia này đã ban hành các hạn chế nhập cư mới và nghiêm ngặt hơn.

Thụy Điển có hai nhóm cư dân bản địa thiểu số: những người nói tiếng Phần Lan ở phía đông bắc dọc theo biên giới Phần Lan, và người Sami (Lapp) khoảng 15.000 người sống rải rác khắp phía bắc Thụy Điển.

3. Ngôn ngữ chính của Thụy Điển
Tiếng Thụy Điển là ngôn ngữ chính của quốc gia này và là tiếng mẹ đẻ của khoảng 9/10 dân số. Loại ngôn ngữ này có mối liên quan chặt chẽ với các ngôn ngữ Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Faeroese. Đôi khi còn bị ảnh hưởng bởi tiếng Đức, vay mượn một số từ và ngữ pháp từ tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Phần Lan.

Theo thống kê, 80% người Thụy Điển nói tiếng Anh, một phần vì tiếng Anh là ngôn ngữ được giảng dạy đầu tiên ở trường học. Tiếp theo đến là tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha.

Ngoài ra, luật pháp Thụy Điển công nhận tiếng Sami, tiếng Meänkieli, tiếng Romani và tiếng Yiddish là các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Khoảng 200 ngôn ngữ hiện được sử dụng ở Thụy Điển, do người nhập cư và người tị nạn.

4. Tôn giáo ở Thụy Điển
Thụy Điển đã bắt đầu phổ biến Cơ đốc giáo vào khoảng thế kỷ 11 và trong gần 500 năm, Công giáo La Mã là tôn giáo ưu việt nhất nơi đây. Cho đến khi làn sóng đầu tiên của cuộc cải cách Đạo tin lành tràn qua châu Âu, chủ nghĩa Lutheranism đã chiếm ưu thế ở quốc gia này.

5. Hệ thống giáo dục ở Thụy Điển
Hệ thống giáo dục ở Thụy Điển được xếp vào các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu và các trường học mở cửa mà không thu phí.

Tất cả các thành phố đều cung cấp các lớp học mầm non. Phụ huynh có thể chọn gửi con mình đến học hay không. Ngoài ra, phụ huynh và học sinh có thể lựa chọn theo học tại trường học miễn phí hoặc các trường dân lập có thể tính học phí. Trường học là điều bắt buộc trong chín năm đầu giáo dục phổ thông. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ em bắt buộc phải đi học trong độ tuổi từ 7 đến 16. Giáo dục ở đây hoàn toàn miễn phí, hơn thế nữa là không tính phí cho bữa trưa ở trường, phương tiện đi lại hoặc tài liệu học tập.

6. Các thành phố lớn ở Thụy Điển
Thụy Điển là một địa điểm lý tưởng để bạn sinh sống và học tập. Từ những thành phố lớn xa hoa như Stockholm, Gothenburg hay Malmo và đến cả những thị trấn đại học ấm áp như Uppsala và Lund.

A. STOCKHOLM: THỦ ĐÔ CỦA CƠ HỘI
Thủ đô Stockholm là nơi lớn nhất Thụy Điển theo dân số và số lượng trường đại học để lựa chọn với các đại diện nổi bật như: Học viện Công nghệ Hoàng gia KTH, Đại học Stockholm,…

B. LUND: NƠI CÓ NỀN HỌC THUẬT HÀNG ĐẦU VÀ LÀ CƠ SỞ ĐỂ KHÁM PHÁ
Ở phía Nam Thụy Điển, Lund là một thị trấn đại học tinh túy. Gần một nửa trong số 90.000 công dân của Lund là sinh viên tại Đại học Lund danh tiếng.

C. GOTHENBURG: THÀNH PHỐ CỦA SỰ HIỆN ĐẠI
Nhiều lựa chọn đa ngành dành cho sinh viên tại Đại học Gothenburg hoặc Học viện Công nghệ Chalmers. Là thành phố cảng lớn nhất ở khu vực Bắc Âu, Gothenburg cũng thu hút các doanh nghiệp hàng đầu và bạn có thể tìm kiếm cơ hội thực tập tại các công ty như nhà sản xuất ô tô Volvo hoặc AstraZeneca, một công ty dược phẩm Anh – Thụy Điển.


1665551874115.png
 
Bên trên