Review Apple Watch Ultra: “Nửa nạc, nửa mỡ”

toringuyen0509

Well-known member
1. Thiết kế: Không còn phù hợp cho số đông

tinhte_apple_watch_ultra_review_5.jpg

Vì tăng thời lượng pin mà Apple Watch Ultra có một kích thước thân vỏ khá lớn là 49 mm. Kích thước này khiến Ultra không còn phù hợp với số đông người dùng, đặc biệt là những người tay nhỏ hay nữ giới.

[IMG]


Kích thước 49mm không phải là quá to với những đồng hồ có thiết kế mặt tròn nhưng trên thiết kế mặt vuông của Apple Watch Ultra thì 49mm khiến nó trông to như những chiếc Garmin 51mm vậy.

tinhte_apple_watch_ultra_review_33.jpg

Apple Watch Ultra có một khu vực nhô ra ở bên phải, mình đã xem hình ảnh mổ xẻ từ ifixit thì thấy rằng khu vực này không chứa thêm phần cứng nào mà chỉ có tác dụng bảo vệ cụm nút Digital Crown và nút cạnh hông. Mình thấy rằng việc hy sinh thiết kế cân đối chỉ để tăng sự bảo vệ cho cụm nút này là hoàn toàn không đáng. Ngay cả khi có tác dụng thì cục u này cũng chỉ giúp bảo vệ Apple Watch Ultra trong một số rất ít tình huống thể thao mạo hiểm và đánh đổi là người dùng phải sống với nó xuyên suốt cả những thời gian còn lại.

tinhte_apple_watch_ultra_review_15.jpg

Nếu hoạt động thể thao có khả năng cao làm tổn thương cụm nút này như leo nút đá thì người dùng hoàn toàn có thể đảo chiều hiển thị của Apple Watch để quay cụm nút này vào trong như trên, an toàn và không cấn trong bất kỳ tình huống nào. Một thực tế khác đó là rất nhiều đồng hồ chuyên cho hoạt động thám hiểm mạo hiểm trên thị trường có thiết kế để lộ nút bấm như Garmin Fenix, Coros Vertix… vẫn rất bền bỉ và rất dễ dùng.

tinhte_apple_watch_ultra_review_35.jpg

Anh em còn nhớ ngày Steve Jobs giới thiệu iPhone đã nói rằng thiết kế điện thoại thời bấy giờ với bàn phím cứng là không tối ưu “vì không phải phần mềm nào cũng cần đến một cái bàn phím nhưng lúc nào nó cũng xuất hiện ở đó và chiếm một không gian rất lớn”. Với mình thì thiết kế phần gờ trên Apple Watch Ultra cũng như vậy, không phải lúc nào cũng cần nhưng lúc nào cũng hiện diện và xấu.

tinhte_apple_watch_ultra_review_28.jpg

Cụm nút Digital Crown vì được bao bọc và nằm chìm sâu vào khu vực bảo vệ nên cảm giác bấm cứng hơn, ít thân thiện hơn.

tinhte_apple_watch_ultra_review_14.jpg

Khi đeo Apple Watch Ultra để chạy bộ quãng đường dài thì nút Digital Crown to có xu hướng cấn vào cục xương tay của mình, cảm giác khá khó chịu, kết thúc bài chạy có thể thấy vết hằn trên tay (có thể do cục xương tay mình hơi to).


tinhte_apple_watch_ultra_review_6.jpg

Cùng với thân vỏ to và thiết kế thiếu cân đối thì Apple Watch Ultra hiện cũng chỉ có một phiên bản titanium sáng màu khiến nó khó phù hợp với nhiều outfit như với Apple Watch truyền thống.

tinhte_apple_watch_ultra_review_29.jpg

Chi tiết cuối cùng mình không thích trên Apple Watch Ultra chính là nút Action màu cam quốc tế. Chưa bàn về tính hữu dụng của nút Action thì việc chọn màu cam cố định để dùng trên một nút bấm to ở cạnh hông khiến thiết kế của Ultra càng trở nên rời rạc. Nếu người dùng thích màu cam thì còn đỡ, chứ gặp người ghét màu cam như mình thì chi tiết này rất khó chịu. Nếu Apple chỉ làm phần viền nút này màu cam mình nghĩ sẽ đẹp hơn rất nhiều.
2. Phần cứng mới: Màn hình đẹp hơn, thân vỏ bền hơn, chip GPS nhanh hơn, nút Action không cần thiết

tinhte_apple_watch_ultra_review_30.jpg

Apple Watch Ultra là smartwatch có màn hình hiển thị đẹp nhất hiện nay trên thị trường với độ phân giải cao và độ sáng rất cao. Độ sáng tối đa của màn hình Ultra lên tới 2000 nits giúp trải nghiệm xem màn hình của nó dưới môi trường nắng gắt là rất tốt và điều này đặc biệt có ý nghĩa với các anh em chơi thể thao ngoài trời.


tinhte_apple_watch_ultra_review_31.jpg

Kích thước màn hình của Apple Watch Ultra không lớn hơn so với Series 7-8 (1.92” vs 1.9”) nhưng có thiết kế phẳng nên cho cảm giác sử dụng mới mẻ. Nó giống với trải nghiệm vuốt màn hình từ iPhone 11 qua 12-13-14 vậy, không thân thiện hơn nhưng thú vị hơn.

tinhte_apple_watch_ultra_review_26.jpg

Toàn bộ thân vỏ được làm từ titanium cùng với mặt kính sapphire phẳng nằm chìm xuống dưới sẽ giúp bảo vệ màn hình hiển thị tốt hơn nhiều so với thiết kế bo cong truyền thống, thay đổi này rất đáng giá và hợp lý cho anh em thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời.

tinhte_apple_watch_ultra_review_7.jpg

Ultra là cái Apple Watch duy nhất được trang bị chip GPS băng tần kép (bắt được cả sóng L1 và L5) từ tất cả các hệ thống vệ tinh. Trải nghiệm thực tế cho thấy chip GPS mới cùng thiết kế khu vực angten mới giúp Apple Watch Ultra bắt sóng GPS nhanh một cách đáng kinh ngạc. Trong tất cả các bài thử nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau thì Apple Watch Ultra chỉ mất chưa tới 3 giây để lấy được tín hiệu GPS và sẵn sàng để sử dụng.

tinhte_apple_watch_ultra_review_3.jpg

Tuy nhiên chip GPS mới chỉ giúp bắt sóng nhanh hơn chứ độ chính xác trong đo đạc quãng đường là không chênh lệch nhiều khi so với các thiết bị dùng chip cũ hay thậm chí là so với A-GPS trong thành phố. Hình trên là những đoạn tracklog chạy bộ của mình, rất nhiều đoạn chấm điểm GPS bị lệch so với đường chạy tương tự như các thiết bị dùng chip GPS đơn.

tinhte_apple_watch_ultra_review_12.jpg

Một điểm mới nổi bật khác trên Apple Watch Ultra đó là nút Action hoàn toàn mới bên cạnh trái. Người dùng có thể gán cho nút này những tính năng như: Mở danh sách các môn thể thao, Vào thẳng một môn thể thao, Bật đèn pin, Lưu toạ độ điểm GPS, Kích hoạt tính năng quay lại đường cũ, Kích hoạt bộ đếm giờ. Mình thấy rằng có nút Action giúp nhiều thao tác thể thao tiện hơn nhưng không quá nhiều. Nếu Apple cho phép gán các tính năng này vào nút Digital Crown hay nút cạnh hông thì vẫn có được sự tiện lợi tương tự. Action phát huy tác dụng nhiều nhất là trong các hoạt động lặn, khi mà màn hình cảm ứng không thể sử dụng được.

3. Thời lượng pin: Tốt nhưng chưa đủ để gọi là ultra

tinhte_apple_watch_ultra_review_34.jpg

Pin là vấn đề được rất nhiều người quan tâm trên Apple Watch Ultra và nó thực sự tốt hơn Apple Watch truyền thống đáng kể. Apple Watch Ultra có cục pin dung lượng 542 mAh, lớn hơn gần gấp đôi so với cục pin 308 mAh trên Apple Watch Series 7-8.

tinhte_apple_watch_ultra_review_4.jpg

Dung lượng lớn hơn nhiều nhưng màn hình hiển thị không lớn hơn đã giúp Apple Watch Ultra dễ dàng trụ được 3 ngày sử dụng hỗn hợp. Sử dụng hỗn hợp của mình bao gồm nhận nhiều chục thông báo tin nhắn, vài cuộc gọi, bật tính năng nhắc nhở đứng dậy và tập thể thao từ 45-60 phút/ngày có dùng GPS. Với cường độ sử dụng này thì mình rút sạc từ sáng ngày 1 thì đến tối ngày 3 mới phải sạc lại, nghĩa là được khoảng 55-60 tiếng sử dụng liên tục.

tinhte_apple_watch_ultra_review_18.jpg

Về lượng tiêu tốn pin khi chơi thể thao thì Apple Watch Ultra sẽ tốn khoảng 5-6% cho 1 tiếng hoạt động ngoài trời có dùng GPS. Mức tiêu tốn này đồng nghĩa Ultra sẽ có thể sử dụng được liên tục khoảng 15-16 tiếng khi track GPS liên tục. Thời lượng pin này sẽ đủ:
  • Chạy bộ địa hình (chạy trail) những cự ly 70 km đổ lại với những địa hình có độ dốc và độ khó trung bình, nếu khó hơn thì sẽ mấp mé hết pin.
  • Chơi được một cự ly IRONMAN 140.6, thời gian hoàn thành trung bình của cự ly này là từ 13-14 tiếng nhưng mình biết nhiều bạn bè mình hoàn thành cự ly này với thời gian hơn 17 tiếng.
tinhte_apple_watch_ultra_review_16.jpg

Mình thấy thời lượng pin hiện nay của Apple Watch Ultra là khá lưng lửng, nó ở mức mấp mé để chạm tới ngưỡng thời gian đo đạc các cự ly ultra nhưng không đủ dư dả để người dùng có thể yên tâm sử dụng. Nếu là mình thì mình sẽ không chọn một thiết bị có thời lượng pin chỉ vừa đủ để đo đạc cho lộ trình thi đấu của mình, ít nhất nó phải nhiều hơn được 20% thì mới yên tâm để phòng cho các tình huống lạc đường hoặc sự cố ngoài mong muốn khác.

IMG_0873.jpg

Với thời lượng pin sử dụng này người dùng cũng hoàn toàn có thể yên tâm đeo liên tục cả vào ban đêm để đo đạc giấc ngủ. Với mình thì việc Apple Watch Ultra tăng kích thước thân vỏ lên quá nhiều cùng thiết kế hầm hố khiến nó không đủ thoải mái để đeo khi ngủ nữa.

tinhte_apple_watch_ultra_review_11.jpg

Apple nói rằng họ còn một chế độ Tiết kiệm pin mới sẽ phát hành vào cuối năm nay giúp kéo dài thời lượng pin dùng hỗn hợp của Apple Watch Ultra từ 36 lên 60 tiếng. Mình hy vọng là chế độ này cũng sẽ giúp kéo dài thêm thời lượng sử dụng khi track GPS của Apple Watch Ultra lên thêm.

4. Các tính năng thể thao chuyên biệt mới: Backtrack khó xài, Depth ngon, Oceanic chưa có

tinhte_apple_watch_ultra_review_9.jpg

Tính năng dẫn đường Backtrack lần đầu được giới thiệu trên watchOS 9 giúp người dùng tìm đường quay về khi bị lạc. Khác với cách sử dụng Backtrack trên các thiết bị GPS khác, người dùng Apple Watch Ultra muốn dùng Backtrack thì phải bật theo dõi từ phần mềm La bàn (Compass) ngay khi bắt đầu chơi thể thao, rồi sau đó khi bị lạc thì quay lại phần mềm La bàn để kích hoạt tính năng dẫn đường quay về.

tinhte_apple_watch_ultra_review_10.jpg

Mình đánh giá cách sử dụng Backtrack trên Apple Watch Ultra là không thân thiện vì:
  • Bắt người dùng phải bật thêm một tính năng La bàn thay vì tích hợp tính năng dẫn đường quay về ngay trong màn hình chơi các môn thể thao ngoài trời.
  • Khi dẫn đường quay lại thì Apple Watch Ultra không phát ra tín hiệu cảnh báo (rung hay chuông) lúc người dùng đi chệch đường như những đồng hồ GPS của Garmin và Coros. Việc cảnh báo chệch đường là rất quan trọng vì nó giúp người dùng không đi lạc quá xa và cũng không phải xem đồng hồ quá nhiều. Lưu ý: Khi sử dụng tính năng dẫn đường quay lại trên Apple Watch Ultra và tần suất xem màn hình quá nhiều sẽ làm thời lượng sử dụng pin sụt giảm nhanh hơn nhiều lần.
5876590_tinhte_tren_tay_garmin_fenix_7x_6.jpg

Ngoài việc tính năng Backtrack không ngon thì Apple Watch Ultra cũng thiếu đi một tính năng rất quan trọng cho các hoạt động thể thao ngoài trời đó là dẫn đường theo một lộ trình GPS cho trước. Tính năng này đặc biệt quan trọng đối với những người chạy bộ, đạp xe địa hình, trekking. Mình vẫn mong chờ một phần mềm dẫn đường ngon hơn từ Apple chứ không phải cài từ bên thứ 3 nào khác.

tinhte_apple_watch_ultra_review_36.jpg

Tính năng Độ sâu (Depth) là tính năng mới lần đầu xuất hiện trên Apple Watch Ultra. Nó có thể được dùng để đo các hoạt động lặn ống thở và lặn tự do ở mức độ cơ bản. Phần mềm hoạt động một cách hoàn toàn tự động và đơn giản. Mở phần mềm lên trước khi bạn xuống nước, ngay khi Apple Watch Ultra chìm vào nước thì cảm biến độ sâu sẽ hoạt động và đo đạc độ sâu theo thời gian thực. Khi vừa ngoi lên khỏi mặt nước sau mỗi lần lặn thì phần mềm sẽ hiện kết quả lần lặn đó với những thông tin như: Thời gian bắt đầu lặn, thời gian kết thúc, tổng thời gian lặn dưới nước, độ sâu tối đa đạt được, nhiệt độ nước tại thời điểm lặn. Tất cả những thông số này sẽ được lưu trong phần mềm Sức khoẻ (Health), mình hơi khó hiểu lúc này là tại sao không lưu vào phần mềm Thể dục (Fitness) mà lại là Health.

ocean_hero_float__c5y9t9elaoia_large_2x.jpg

Còn một phần mềm chuyên cho các hoạt động lặn khác được giới thiệu cùng trong buổi ra mắt Apple Watch Ultra là Oceanic+ thì tới cuối năm nay mới được phát hành. Theo những thông tin mình được biết thì phần mềm Oceanic+ sẽ phát hành miễn phí với những tính năng cơ bản. Người dùng lặn chuyên nghiệp cần phải trả phí để sử dụng các tính năng chuyên sâu hơn.

Lời kết

tinhte_apple_watch_ultra_review_21.jpg

Apple Watch Ultra vẫn là một cái smartwatch rất tốt với màn hình đẹp, thời lượng pin cải tiến và nhiều tính năng mới nhưng nó không còn là cái Apple Watch dành cho số đông khi thiết kế khác biệt và thời lượng pin chỉ ở mức vừa phải (đủ để thi đấu các cự ly tiêu chuẩn nhưng sẽ thiếu cho các cự ly ultra). Bên cạnh đó mặc dù là một thiết bị hướng tới những người chơi các môn thể thao ngoài trời nhưng các tính năng dẫn đường bằng GPS vẫn chưa ngon hoặc còn thiếu. Mình nghĩ rằng anh em nào yêu thích các bộ môn địa hình vẫn nên sử dụng các đồng hồ GPS đến từ Garmin hay Coros còn Apple Watch Ultra thì… chắc phải hẹn lại năm sau xem sao.
 
Bên trên