Sách về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Quang Minh

Well-known member
Cuốn ''Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương'' làm rõ vai trò của lễ giỗ Tổ trong đời sống tinh thần người Việt.
Ấn phẩm gồm hai phần, trình bày, phân tích và đánh giá về nguồn gốc, ý nghĩa, giá trị văn hóa của tín ngưỡng giỗ Tổ từ nhiều góc độ, thông qua kho tàng di sản Hán Nôm, các văn bản thư tịch cổ và kết quả nghiên cứu của ngành khảo cổ học. Ngoài ra, sách đề cập việc khai thác, phát huy các giá trị của loại hình tín ngưỡng này ở trong và ngoài nước thời nay, những biến đổi trong lễ hội đền Hùng ở Việt Nam.
s


Sách "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương'' do giáo sư Tạ Ngọc Tấn và phó giáo sư Vũ Trọng Lâm đồng chủ biên, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành hôm 1/4. Ảnh: Nhà xuất bản cung cấp
Trong lời nói đầu, giáo sư, tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn nhận định trên thế giới có nhiều tộc người, quốc gia thờ cúng tổ tiên ở các mức độ và dạng thức. Tuy nhiên, thờ cúng Hùng Vương dưới dạng thờ Quốc Tổ chỉ có ở Việt Nam.
Ông Tạ Ngọc Tấn nghiên cứu rằng trong khu vực kinh đô nước Văn Lang xưa, các vua Hùng đã chọn núi Nghĩa Lĩnh - ngọn núi cao nhất vùng làm nơi thực hiện những nghi lễ cúng tế theo tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp thời ấy, như thờ Thần Lúa, Thần Mặt Trời. Người dân cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi vật sinh sôi, đời sống được no đủ. Sau này, để ghi nhớ công lao to lớn của các vua Hùng, người dân và triều đình lập đền thờ tại ngọn núi Nghĩa Lĩnh.

Dưới thời vua Lê Thánh Tông, để khẳng định quyền lực chính trị, vua đích thân thực hiện quyền tế giao trời đất và quy định việc thờ cúng các vị hoàng đế của đất nước, xem đó là một điển lệ quan trọng của quốc gia. Vì vậy, sau 10 năm lên ngôi, năm 1470, Lê Thánh Tông cho lập Ngọc phả Hùng Vương, tên đầy đủ là ''Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương Triều Hùng''. Từ đó, việc thờ cúng Hùng Vương trở thành chính thống.
Năm 1874, vua Tự Đức lệnh cho Tổng đốc Tam tuyên Nguyễn Bá Nghi xây dựng lăng Hùng Vương cạnh Đền Thượng (Phú Thọ), đồng thời cấp tiền và cử quan lại giám sát việc tu sửa, mở rộng đền. Năm 1917, dưới triều Khải Định, Bộ Lễ gửi công văn ghi ngày 25/7, phái quan hàng tỉnh của Phú Thọ lấy mồng 10/3 âm lịch hàng năm để cử hành ''quốc tế''.
Theo nhà xuất bản, đây không chỉ là dạng thức độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt từ xa xưa mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, nghĩa đồng bào. Qua nhiều thăng trầm lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với các giá trị đặc trưng vẫn được bảo tồn, phát huy và ngày càng lan tỏa, trở thành bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ngày 6/12/2012, UNESCO công nhận ''tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương'' là Di sản văn hóa phi vật thể của đại diện nhân loại.
Khu di tích lịch sử Đền Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) hiện nay là nơi gốc thờ tự các vua Hùng của cả nước. Mỗi năm, nơi đây đón từ sáu đến tám triệu lượt du khách đến thăm và cúng giỗ Tổ. Ngoài ra, có 1.417 di tích thờ cúng vua Hùng và các tướng lĩnh thời Hùng Vương trên cả nước, theo thống kê của Cục Di sản văn hóa.
Phương Linh
Trở lại Giải trí
Lưu
Chia sẻ
 
Bên trên