Săn hoa mơ Mộc Châu những ngày giáp Tết

chanhhuy99

Well-known member
Anh Nguyễn Anh Chiêm lên Mộc Châu hôm 13/1, nhưng hoa mơ năm nay nở muộn, chỉ khoảng một phần ba số cây đã nở.

Mùa hoa mơ thường bắt đầu vào cuối đông, đầu xuân và nở sau hoa mận. Nhưng năm nay, theo chia sẻ từ người dân huyện Mộc Châu, thời tiết bất ổn nên mơ mận đều mất mùa. Số lượng hoa mơ tính đến ngày 13/1 ở địa phương mới nở khoảng một phần ba, và cả mùa hoa dự đoán chỉ bằng một nửa so với năm ngoái.

Chị Quỳnh chụp ảnh tại vườn mơ ở Mộc Châu.


Chị Quỳnh chụp ảnh tại vườn mơ ở Mộc Châu.

Dù nhận được thông tin hoa nở ít, anh Nguyễn Anh Chiêm, 42 tuổi, ở Hà Nội, vẫn quyết định lên đường. Anh đi cùng vợ, chị Quỳnh Đỗ, 39 tuổi và hai người thân. Họ thuê một chiếc xe và tự lái.

"Năm ngoái, chúng tôi đi chụp mùa hoa mận, năm nay muốn lên Mộc Châu để chụp tiếp mùa hoa mơ. Săn các mùa hoa ở Việt Nam là đam mê của tôi", chị Quỳnh chia sẻ.

Bốn du khách Hà Nội khởi hành từ 19h ngày 12/1, có mặt tại Mộc Châu vào 24h cùng ngày. Điểm đến là vườn mơ Thái Hưng, nằm cách thác Dải Yếm khoảng 2 km. Đây là một trong hai vườn mơ lớn nhất vùng, có hàng trăm cây nở cùng lúc. Anh Chiêm chọn vườn này vì được một người bạn ở Mộc Châu giới thiệu. Đường rộng, ôtô có thể vào tận vườn.

Anh Chiêm cho biết mọi người có thể đi theo Google Maps, hoặc nhờ người quen chia sẻ định vị để tránh lạc đường. "Tuy nhiên, do xe 16 chỗ to nên gần đến nơi, tôi không thể đi tiếp. Nếu đi xe nhỏ thì vừa. Tôi phải gọi tiếp một người dân địa phương khác nhờ dẫn đường", anh nói.

Cả nhóm cắm trại và ngủ đêm ngay tại vườn mơ, để bắt những tia sáng đầu tiên của ngày mới. Nhóm Anh Chiêm có kinh nghiệm hơn 10 năm đi phượt, cắm trại, nên họ chuẩn bị dụng cụ nấu nướng, đồ sưởi ấm và lều bạt đầy đủ.

Một địa điểm phục vụ khách chụp ảnh trong vườn mơ.

Một địa điểm phục vụ khách chụp ảnh trong vườn mơ.

Khoảng 7h ngày 13/1, nhóm bắt đầu chụp ảnh khi ánh sáng hội đủ. Họ chụp đến 9h30 thì dừng vì nắng gắt. Buổi chiều, nhóm chụp ảnh từ 15h30 đến 16 rồi lên đường về Hà Nội. Theo quan sát của nam du khách, hôm anh đến chỉ khoảng 10 khách chụp trong vườn mơ vì không phải dịp cuối tuần.

"Năm nay, mơ mận đều mất mùa. Vườn hàng trăm cây chỉ có khoảng chục gốc hoa nở nhiều", anh Chiêm chia sẻ. Trên những cây nở ít hiện còn nhiều nụ. Theo kinh nghiệm của người địa phương, khách đến Mộc Châu vào dịp Tết vẫn còn hoa để ngắm. "Nhưng số lượng hoa năm nay chỉ bằng 40-50% năm ngoái", một nhân viên trong vườn nói.


Với kinh nghiệm gần 20 năm chụp ảnh, anh Chiêm cho hay muốn chụp bức ảnh hoa mơ hoa mận đẹp phải có nắng. "Ánh nắng chiếu vào sẽ làm nổi bật bông hoa. Nhưng nắng gắt quá thì sẽ không còn đẹp nữa", anh nói. Đó cũng là lý do anh quyết định ngủ đêm ở Mộc Châu để đủ thời gian trong ngày hôm sau chụp ảnh, và "canh" được lúc thời tiết đẹp nhất. Trước khi đi, anh Chiêm nói cũng cần phải kiểm tra thời tiết. Phải đi vào ngày nắng đẹp mới có kết quả ưng ý.

Giá vé vào các vườn mơ ở Mộc Châu là 20.000 đồng một người, chụp cả ngày. Nhưng quanh vườn anh chụp không có quán xá, phục vụ ăn uống, mọi người nên chủ động mang theo đồ ăn. Nơi phục vụ ăn uống gần đó nhất là khu vực thác Dải Yếm.

Anh Chiêm chia sẻ thời gian lên Mộc Châu ngắm hoa lý tưởng nhất là 3 ngày 2 đêm. Ngoài chụp ảnh, mọi người còn có thể đi tham quan các khu vực xung quanh như thác Dải Yếm, hoặc cắm trại, nghỉ ngơi. Với những người không có nhiều thời gian, có thể thực hiện các chuyến đi "thần tốc" một ngày một đêm như gia đình anh. "Đi đêm rất nguy hiểm bởi đường đèo. Cần cân nhắc và chỉ nên đi nếu tay lái cứng, và trên xe nên có hai lái để thay nhau", anh cho biết.

Nhiều cây mơ năm nay trơ trụi, không có hoa.

Nhiều cây mơ năm nay trơ trụi, không có hoa.






Thời điểm này lên Mộc Châu đường đông, nhiều sương mù. Kinh nghiệm của anh Chiêm khi lái đêm là luôn nhìn vào các vạch vàng ở tâm đường. Có nhiều đoạn mù, lái xe cần tắt pha, bật đèn gầm để nhìn rõ. Đi chậm luôn là yếu tố đầu tiên được anh Chiêm nhắc khi đi đèo.

Giải thích về lý do thường đi đêm, anh Chiêm cho biết để tiết kiệm thời gian. Ngoài ra, anh và anh rể đi cùng đều có kinh nghiệm lái đêm và đường trường.

"Tài già (những người lái xe lâu năm, có kinh nghiệm và cứng tay) thường thích đi đêm, vì đường vắng và lợi đèn. Lợi đèn ở chỗ vào các khúc cua đường đèo, chỉ cần nhìn có ánh đèn chiếu xuống đường là chúng tôi biết có xe đi ngược chiều, nên chủ động được tay lái. Nếu đi vào buổi sáng thì khó biết", anh nói.
 
Bên trên