Sáu vi phạm của TikTok tại Việt Nam

Từ Minh Quân

Well-known member
Sáu vi phạm của TikTok tại Việt Nam được đánh giá đã gây ra nhiều hệ lụy với đời sống, kinh tế, xã hội.

Thời gian qua, TikTok vươn lên trở thành một trong những mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam, nhưng cũng được cho là đã sử dụng thuật toán để lan toả các trào lưu xấu.

Trong cuộc họp chiều 6/4, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết TikTok chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, gây nguy hiểm với trẻ em.

Thứ hai, TikTok dùng thuật toán phân phối tự động để tạo xu hướng và phát tán nội dung câu view, bất chấp sự phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.

TikTok cũng đã mở thêm mảng thương mại điện tử, dẫn đến vi phạm thứ ba là nền tảng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động thương mại, kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Trào lưu bóc phốt trên TikTok được Bộ TT&TT đánh giá vi phạm nhiều điều luật về quyền cá nhân. Ảnh: Minh Sơn

Trào lưu "bóc phốt" trên TikTok được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá vi phạm nhiều điều luật về quyền cá nhân. Ảnh: Minh Sơn

Với người làm nội dung, thường được gọi là "idol", Bộ đánh giá nền tảng chưa có biện pháp quản lý hiệu quả. "TikTok không quản lý hoạt động của các idol, dẫn đến nhiều người có xu hướng tạo những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa, nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này", ông Do nói.

Ông lấy ví dụ về một số trò thách đấu trực tuyến xuất hiện trên mạng xã hội gần đây, trong đó "nội dung càng sốc, hở, phản cảm càng được tặng nhiều quà và có khả năng quy đổi ra tiền. Điều đáng nói là TikTok nhận được 70% từ số tiền thu được".

Thứ năm, nền tảng để nội dung vi phạm bản quyền xuất hiện tràn lan. "Trước đây, sau khi bị phản ánh, tình trạng vi phạm bản quyền ca khúc trên TikTok có giảm. Tuy nhiên đến nay lại gia tăng vi phạm bản quyền phim", đại diện Bộ cho biết.

TikTok cũng bị đánh giá không có biện pháp quản lý và để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân để tung tin giả, bôi nhọ, xúc phạm người khác. "Việc tự ý quay phim, sử dụng hình ảnh khi chưa được sự đồng ý vi phạm điều 32 và Điều 38 Bộ luật Dân sự về quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình", ông Do nói.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, vi phạm không chỉ xảy ra trên TikTok, mà đang dần lan ra một số nền tảng video ngắn khác như Reels của Facebook hay Short của YouTube. Điều này tạo ra các hệ lụy nguy hiểm như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Giới trẻ có thể bắt chước, học theo trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống.

Ông Do cho biết có tình trạng các mạng xã hội dùng thuật toán "lách" bộ công cụ tự động rà quét, khiến việc phát hiện và xử lý vi phạm gặp khó khăn. "Với lượng thông tin khổng lồ sản sinh mỗi ngày trên các nền tảng như TikTok, nếu mạng xã hội đối phó, không hợp tác chủ động chặn lọc triệt để bằng thuật toán, việc gỡ nội dung vi phạm sẽ kém hiệu quả", ông Do nói.

TikTok chưa bình luận về các đánh giá trên. Trước đó, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho biết nền tảng sẽ cập nhật Tiêu chuẩn cộng đồng vào ngày 21/4 "để luôn đảm bảo TikTok là môi trường an toàn, hòa nhập, chào đón mọi người dùng", bên cạnh việc đầu tư vào công nghệ kiểm duyệt.

"TikTok sẽ thực hiện xóa nội dung và tài khoản vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng. Các nhà sáng tạo sẽ được thông báo về việc bị xóa và nhận được hướng dẫn về cách kháng cáo. Ngoài ra, nội dung TikTok cho là không phù hợp với nhóm người dùng trên 13 tuổi sẽ không đủ điều kiện được đề xuất tại trang dành cho bạn (For You)", ông Thanh nói.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thời gian tới sẽ triển khai các giải pháp để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng Cục Thuế kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam, trong đó có việc đánh giá về tác động, ảnh hưởng đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
 
Bên trên