Sinh viên phát hoảng vì phải triền miên học trực tuyến !

Nguyệt Phan

Well-known member
Theo phản ánh của một số phụ huynh và sinh viên năm nhất Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, từ khi nhập học đến nay, các em phải học trực tuyến triền miên tất cả môn văn hóa.

Vừa nhập trường đã phải học trực tuyến

Cuối tháng 3.2023, Báo Thanh Niên nhận được đơn thư từ một nhóm phụ huynh của sinh viên (SV) năm nhất, Khoa Xây dựng, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội phản ánh về việc con mình phải triền miên học trực tuyến (online).
Sinh viên phát hoảng vì phải triền miên học trực tuyến ! - Ảnh 1.

Cụ thể, từ sau khi nhập học đến nay, trừ 2 môn giáo dục quốc phòng và thể dục, con em họ đều phải học trực tuyến tất cả các môn, dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát và tất cả trường học đều đã trở lại hoạt động bình thường. "Chúng tôi nhận thấy học online như Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đang tổ chức hiện nay không hiệu quả, trong khi đó học phí vẫn phải nộp đủ. Vì học online triền miên nên gần như con chúng tôi không có cơ hội gặp gỡ bạn bè trong lớp, không được làm việc nhóm, không được làm quen với môi trường ĐH. Đến giờ học, nhiều em chỉ mở máy rồi chơi game hoặc điểm danh xong thì làm việc khác. Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội là một trường công lập hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế xây dựng, xây dựng… nhưng cách giảng dạy thế này thì chất lượng thật đáng lo ngại", đơn phụ huynh viết.
Chúng tôi đã tìm cách tiếp cận với một số phụ huynh, SV, để tìm hiểu cụ thể hơn. Theo đó, tình trạng này không chỉ riêng SV năm nhất Khoa Xây dựng mà một số khoa khác (không phải ngành năng khiếu) cũng gặp phải. Với các SV Khoa Xây dựng, sau khi nhập học và học nội quy (đầu tháng 10.2022), các em được đi học quân sự 10 ngày. Từ đầu tháng 11.2022 đến nay, trừ môn thể dục (được học vào thứ hai hằng tuần), các môn văn hóa đều học online, thông qua nền tảng TEAMS, gồm: pháp luật, triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học, kinh tế chính trị Mác - Lê nin, tiếng Anh, tin học đại cương, hình học họa hình và vẽ kỹ thuật, hóa học đại cương, vật lý đại cương, toán.
Theo nhiều SV, các em chưa bao giờ thấy hứng thú khi học online, trong khi các môn học đều rất khó, khiến nhiều em chán học, có em muốn thi lại. "Vào tiết học, thầy cô điểm danh rất gắt. Cứ gọi tên đến lần thứ hai không thấy SV đáp lại sẽ bị cho là vắng mặt, vắng 20% số tiết là không được thi, nên các bạn đều rất chăm chỉ online. Tuy nhiên nhiều bạn điểm danh xong thì làm việc riêng, vì thấy việc học thực sự buồn tẻ", một SV cho biết.
Ban đầu, một số SV cho rằng hết học kỳ 1 các em sẽ được học trực tiếp. Nhưng đến khi nhận được lịch học kỳ 2 thấy toàn học online, nhiều em phát hoảng, đòi gia đình cho ôn thi lại vào trường ĐH khác. Vì vậy, một số phụ huynh cử đại diện nhắn tin lên trang tuyển sinh của khoa thắc mắc. Trả lời đại diện phụ huynh, admin trang cho rằng trường đang thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT, trong chương trình đào tạo có kết hợp hình thức dạy online với thời lượng không quá 30%, các học phần cơ sở ngành và chuyên ngành sẽ học 100% trực tiếp vào năm sau. "Chương trình kỹ sư là 4,5 năm. Như vậy, nhà trường có thể cho SV học online cả năm thì vẫn trong khung quy định của Bộ GD-ĐT, bất chấp SV nghĩ gì, muốn gì! Nếu lúc tuyển sinh, nhà trường công khai chuyện này, chúng tôi tin rằng rất ít phụ huynh cho con vào trường", một phụ huynh bức xúc.
Thiếu phòng học hay vì học online mới có chất lượng tốt ?
Theo phản ánh của phụ huynh, trong những tin nhắn trả lời đại diện phụ huynh trên trang tuyển sinh của Khoa Xây dựng, admin của trang cho biết đây là năm học khó khăn nhất do "nhà học 20 tầng chậm đưa vào sử dụng", rồi mong "quý phụ huynh và SV thông cảm".
Nhà trường sẽ điều chỉnh lịch học
Theo phản ánh của SV năm nhất Khoa Xây dựng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, sau khi Báo Thanh Niên liên hệ để đặt vấn đề xác minh nội dung SV phản ánh với trường ĐH này, nhà trường đã gửi tới các em thông báo điều chỉnh lịch học. Theo đó, từ cuối tháng 4, ngoài môn thể dục ra, một số môn khác các em sẽ được học trực tiếp như chủ nghĩa xã hội khoa học, tin học, hóa, lý…

Tuy nhiên, khi trả lời phóng viên Thanh Niên, tiến sĩ Vũ Đức Hoàng, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho biết việc tổ chức dạy học bằng hình thức online hay trực tiếp là theo kế hoạch có tính chủ động của trường, căn cứ vào quy định trong Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT mà Bộ GD-ĐT ban hành tháng 3.2021 (các trường ĐH được phép dạy học trực tuyến tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo). Đối với các môn chuyên ngành thì trường đào tạo trực tiếp, các môn đại cương thì tổ chức dạy online. Học online chủ yếu rơi vào SV năm nhất, vì những môn học đại cương chủ yếu được dạy vào năm này. Khoa Xây dựng và một số khoa khác có nhiều môn trong chương trình đại cương nên khối lượng nội dung học online của các khoa này lớn hơn so với các khoa năng khiếu khác. "Mặc dù lớn nhưng theo thống kê của Phòng Đào tạo, nó chỉ chiếm 7 học phần trên tổng số 16 học phần của năm nhất thôi, chứ không phải là quá nhiều. Nhưng so với khoa khác thì nó nhiều hơn, nhất là các khoa năng khiếu, vì các em học năng khiếu từ năm đầu và phải đến trường để học", ông Hoàng cho biết.
Cũng theo ông Hoàng, từ dịch Covid-19, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, trường phải chuyển từ dạy học trực tiếp sang online. Sau đó Bộ GD-ĐT lại ban hành Thông tư 08, khuyến khích các trường dạy học online với tỷ lệ nhất định. Trên cơ sở nền tảng trường đã đầu tư và các chương trình mà thầy cô xây dựng phù hợp với dạy online, trường đã lựa chọn những môn thích hợp cho việc học online.
Học online thì có học được gì đâu !
Gần đây, trên trang "Tự thú" của SV Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, một SV chia sẻ về trạng thái "cứ bị chán" của mình: "Học online thì có học được gì đâu! Mà lên trường thì không có cảm hứng hay em yêu trường em để mà lên. Sẽ có một số người nói rằng lên ĐH sẽ rất khác với phổ thông. Tất nhiên là nó đúng, nhưng ít nhất thì mình còn được gặp mọi người, gặp bạn bè trên lớp. Các giờ học đều là học online, môn chuyên ngành thì lại theo nhóm, vậy thử hỏi xem trong lớp mọi người quen được, chơi được với 15 người không? (…) Cảm thấy kiểu chỉ cần ra trường là cái tên lớp học tan biến luôn ấy, mà là học 5 năm với nhau!".


Không chỉ ông Hoàng mà cả PGS Chu Thị Bình, Trưởng khoa Xây dựng, cũng ca ngợi chất lượng dạy học online, và cho rằng SV và các giảng viên đều rất hài lòng với hình thức dạy học này. PGS Chu Thị Bình khẳng định, trong suốt quá trình SV của khoa học online, chỉ có một phụ huynh phàn nàn, và sau khi được giải thích thì vị phụ huynh này đã tin tưởng đồng hành với khoa. Bà Bình cũng khẳng định dạy online vì thấy hình thức này tốt, và không có việc Khoa Xây dựng giải thích với phụ huynh là SV phải học online vì thiếu phòng học (do nhà 20 tầng chưa xây xong).

[IMG alt="Sinh viên phát hoảng vì phải triền miên học trực tuyến !
- Ảnh 4."]https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2023/4/5/a-3-2751-1680711461592697136816.jpeg[/IMG]

Sinh viên học trực tuyến trong giai đoạn dịch Covid-19 (ảnh minh họa)
LƯƠNG NHUNG
Còn ông Phan Minh Tuấn, Trưởng phòng Tổng hợp của trường, cho rằng dạy học online là một chủ trương lớn của Bộ GD-ĐT, không riêng gì của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Vừa qua có rất nhiều SV phản ánh tích cực về học online. Tất nhiên là học online có ưu và nhược, nên mới có quy định là học bao nhiêu phần trăm online, bao nhiêu phần trăm offline. Vấn đề là giải thích thấu đáo cho SV hiểu. "Khoa Xây dựng tổ chức khảo sát thăm dò ý kiến 200 SV (chủ yếu SV năm nhất), thì 150 SV đánh giá tích cực, chỉ có 50/200 thấy rằng thích học trực tiếp hơn học online. Nhưng đây chỉ là một kênh tham khảo thôi. Nhà trường có đầy đủ kênh để thăm dò ý kiến, trao đổi với SV, chứ không phải cứ thực hiện quy định của nhà nước mà yên tâm được", ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, sau đó ông Hoàng cho biết sau khi nhận được phản ánh của một số SV, Phòng Đào tạo đã điều chỉnh lịch học, để từ cuối tháng 4 SV năm nhất được học trực tiếp nhiều hơn.
 
Bên trên