Social Media Marketing 2023: Một số chiến thuật đáng tham khảo nhất

Nguyên Linh

Well-known member
Nếu bạn đang tìm kiếm các ý tưởng hay chiến thuật Social Media Marketing cho thương hiệu trong 2023, tham khảo ngay một số gợi ý bên dưới

Với hơn 5 tỷ người dùng mạng xã hội trên toàn cầu và không ngừng tăng trưởng, việc xây dựng các chiến lược và chiến thuật marketing trên các nền tảng phổ biến như Facebook, Instagram hay TikTok được xem là ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu sâu hơn về những gì bạn cần làm với Social Media Marketing trong 2023, bạn cần hiểu rõ về bản chất của Social Media Marketing.

Social Media Marketing là gì?

Social Media Marketing hiểu một cách đơn giản nhất đó là việc sử dụng các nền tảng hay phương tiện truyền thông mạng xã hội (Social Media) như Facebook hay TikTok để đạt được các mục tiêu Marketing hay những gì mà thương hiệu mong muốn

Khi áp dụng Social Media Marketing, các doanh nghiệp hay thương hiệu chọn cách đưa các sản phẩm và dịch vụ của họ đến với các nhóm đối tượng mục tiêu thông qua mạng xã hội.

Với những tiến bộ của các yếu tố công nghệ, các hoạt động Social Media Marketing cũng có thể được theo dõi và đo lường một cách chi tiết từ đó giúp những người làm marketing luôn có thể kiểm soát được các nguồn lực hay ngân sách của họ.

Theo một định nghĩa từ Wikipedia, Social Media Marketing hay tiếp thị truyền thông mạng xã hội là việc sử dụng các website hay nền tảng mạng xã hội để quảng bá các sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu.

Khi sử dụng Social Media Marketing, các thương hiệu cho phép khách hàng hay người dùng đăng tải các nội dung do chính họ tạo ra (User-generated Content) thay vì liên tục đẩy các nội dung được sản xuất bởi thương hiệu.

Các chiến thuật Social Media Marketing cho 2023.

Thấu hiểu đối tượng mục tiêu.


Cũng tương tự như trước khi thực hiện bất cứ quyết định marketing nào, dù đó là chiến lược quảng cáo hay phát triển nội dung, điều quan trọng là bạn phải nghiên cứu và thấu hiểu đối tượng mục tiêu của thương hiệu, các chiến thuật được xây dựng sau đó sẽ hướng đến việc đáp ứng các nhu cầu và sở thích của họ.

Điều này không chỉ giúp thương hiệu tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng mới hơn mà còn làm tăng mức độ tương tác với những khách hàng hiện tại. Một trong những cách để làm điều này là tiến hành nghiên cứu thị trường.

Bạn sẽ cần liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến khách hàng, tiến hành khảo sát và phân tích các dữ liệu có được từ khách hàng, mục tiêu của bạn khi này là xác định những gì mà khách hàng kỳ vọng hay tìm kiếm từ thương hiệu, cách họ muốn giao tiếp với thương hiệu và hơn thế nữa.

Các công cụ thu thập dữ liệu và phân tích phương tiện truyền thông mạng xã hội (Social Listening) cũng sẽ là trợ lý đắc lực cho bạn trong quá trình này.

Hãy bắt đầu các hoạt động Social Media Marketing trong 2023 với một chiến lược.

Dù đó là trên các nền tảng mạng xã hội hay trên các công cụ tìm kiếm, bạn cần hiểu rõ mục tiêu của thương hiệu là gì, thương hiệu sẽ nhận được những gì khi tiếp cận khách hàng trên các nền tảng hay mức độ phù hợp của các nền tảng với thương hiệu.

Từ các mục tiêu như cải thiện dịch vụ khách hàng, xây dựng độ nhận biết thương hiệu (Brand Awareness), xây dựng danh sách khách hàng tiềm năng (Lead) hay thúc đẩy doanh số bán hàng, điều cần thiết là bạn nên bắt đầu với một mục tiêu, định hướng hay chiến lược cụ thể.

Nếu không có chiến lược, những gì bạn nhận được chỉ là sự lãng phí về thời gian và tiền bạc, ví dụ: nếu đối tượng mục tiêu của bạn là người lớn tuổi, việc đầu tư quá nhiều thời gian vào mạng xã hội có thể không phải là con đường khôn ngoan.

Hãy xây dựng một chiến lược nội dung.

Với tư cách là những người làm marketing nói chung, bạn hiểu rằng, dù cho bạn đang nhắm mục tiêu đến khách hàng như thế nào hay chạy trên kênh gì, cuối cùng, những gì khách hàng nhìn thấy cũng chỉ là nội dung (Content).

Thay vì thay đổi nội dung liên tục một cách mơ hồ thông qua các chiến dịch quảng cáo khác nhau, bạn cần một chiến lược nội dung tổng thể phù hợp với thương hiệu, với mục tiêu kinh doanh và cả mục tiêu marketing.

Khi nói đến chiến lược nội dung (Content Strategy), bạn cũng cần lưu ý đến các định dạng nội dung bao gồm văn bản (text), hình ảnh, video, audio hay các định dạng kết hợp khác.

Bạn phải hiểu rõ khách hàng của mình đang mong đợi những nội dung kiểu nào, thông điệp ra sao, đó là những nội dung nêu bật các lợi ích của sản phẩm, các nội dung liên quan đến cộng đồng hay các câu chuyện truyền cảm hứng từ thương hiệu (Brand Storytelling).

Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, các nội dung trực quan (Visual Content) như video hay hình ảnh (Photo) có khả năng thúc đẩy ghi nhớ và hiệu quả cao hơn nhiều lần so với nội dung văn bản.

Tận dụng các công cụ tự động hóa (Marketing Automation).

Các công cụ như Hootsuite, Buffer và Sprout Social cho phép bạn lên lịch trước cho các bài đăng của mình, theo dõi, phân tích cũng như đánh giá mức độ tương tác của thương hiệu cũng như các đối thủ.

Những công cụ này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn cung cấp nhiều insight có giá trị về khách hàng, điều cuối cùng sẽ giúp bạn đưa ra các quyết định Social Media Marketing một cách hiệu quả và tức thời hơn.

Thường xuyên chủ động tương tác với khách hàng.

Có lẽ vì tương tác trực tuyến đang là cách thức giao tiếp chủ đạo nên nhiều khi các marketer không nhận ra rằng “người dùng” cũng là những con người thực với nhiều cảm xúc khác nhau.

Họ đến với thương hiệu không chỉ để xem mà còn là để tương tác, để đưa ra ý kiến và nhận được các phản hồi (một cách nhanh chóng nhất) từ thương hiệu.

Bằng cách thường xuyên trả lời và ghi nhận đóng góp từ khách hàng, sử dụng các công cụ khảo sát để thu thập dữ liệu, người làm marketing sẽ có nhiều cơ hội hơn để xây dựng các chiến lược nội dung phù hợp.

Ngoài ra, thương hiệu cũng cần cân nhắc sử dụng các chiến dịch có thể khuyến khích khách hàng tương tác lại với thương hiệu, trong bối cảnh kinh doanh mới, thương hiệu cần xem khách hàng như là một nhà sáng tạo nội dung hơn chỉ là một người mua hàng.

Sử dụng Influencer Marketing.

Mặc dù không còn là một khái niệm mới, tiếp thị người có ảnh hưởng hay Influencer Marketing vẫn sẽ tiếp tục tạo ra nhiều giá trị và là một phần quan trọng trong chiến lược Social Media Marketing tổng thể trong 2023.

Bằng cách hợp tác với những người có ảnh hưởng trong ngành (Influencer), các doanh nghiệp có thể gây ảnh hưởng hay xây dựng niềm tin với các nhóm khách hàng mục tiêu, so với việc thương hiệu chủ động “quảng cáo” về chính mình, những thông tin được cung cấp từ một bên thứ ba như những người có ảnh hưởng thường có sức ảnh hưởng cao hơn.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ vốn bị bạn chế bởi ngân sách marketing, những khách hàng từng sử dụng các sản phẩm hay dịch vụ của thương hiệu cũng có thể được sử dụng như một người có ảnh hưởng thực thụ.

Nhiều thương hiệu hiện coi những đánh giá (review) hay ý kiến phản hồi sau khi trải nghiệm sản phẩm là “tài sản marketing” vô giá.

Đầu tư vào các quảng cáo có trả phí (Paid Ads).

Ngoài việc tận dụng tối đa các bài đăng tự nhiên để gia tăng mức độ tiếp cận và tương tác, thương hiệu cũng cần coi trọng các hoạt động quảng cáo có trả phí, các nền tảng như Facebook hay TikTok hiện cung cấp nhiều tùy chọn cho phép thương hiệu nhắm mục tiêu (Targeting) cụ thể đến từng nhóm đối tượng dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau.

Cũng tương tự các nền tảng quảng cáo khác, quảng cáo trên mạng xã hội cũng chịu sự ảnh hưởng lớn từ các định dạng quảng cáo, chẳng hạn như quảng cáo hình ảnh, quảng cáo video hay quảng cáo quay vòng, v.v..

Tuỳ thuộc vào từng định dạng quảng cáo khác nhau, hiệu suất quảng cáo có thể rất khác nhau, và bạn có thể xác định được điều này thông qua các chiến thuật thử nghiệm quảng cáo (A/B Testing).

Ngoài ra, dựa trên các mục tiêu kinh doanh khác nhau, thương hiệu cũng cần lựa chọn các mục tiêu quảng cáo khác nhau như tối đa hoá lưu lượng truy cập (traffic), tìm kiếm khách hàng tiềm năng, mức độ tương tác hay chuyển đổi bán hàng.
 
Bên trên