Tablet Huawei dùng màn hình nhám, giá gần 15 triệu đồng

kim ngan

Well-known member
1723168902492.png

Sản phẩm được giới thiệu từ tháng 5 tại Trung Quốc, vừa được đưa về Việt Nam với giá 14,5 triệu đồng. Ở mức giá này, MatePad 11.5"S tương đương một laptop giá rẻ hay một số mẫu máy tính bảng như iPad Air 5, Galaxy Tab S9 FE. Chữ "S" trong tên gọi để phân biệt với một mẫu máy tính bảng có kích thước tương tự, nhưng cấu hình thấp hơn và sử dụng màn hình thường.
Điểm khác biệt của MatePad 11.5"S là thiết kế mỏng nhẹ, màn hình nhám, đi kèm hệ điều hành và phần mềm chuyên dụng của Huawei. Ngoài ra, người mua có thể trang bị cho máy bàn phím, bút để sử dụng như một máy tính hoặc bảng vẽ.

Khi không gắn phụ kiện, MatePad 11.5"S tương đối mỏng so với các đối thủ trên thị trường, với bề dày 6,2 mm, nặng 0,5 kg - bằng một nửa so với các laptop siêu mỏng hiện nay, nhưng dày hơn iPad Pro M4 (5,2 mm).
Máy được thiết kế hướng tới việc sử dụng ở tư thế nằm ngang giống laptop, với các chân tiếp xúc phụ kiện ở cạnh dưới và webcam ở phía ngược lại.

Mặt lưng MatePad 11.5"S được làm từ kim loại, chỉ chứa cụm camera độ phân giải 8 megapixel, khẩu độ f/1.8, cùng đèn flash. Phiên bản trong bài màu xám hơi ngả xanh, ngoài ra còn có lựa chọn màu bạc và tím. Máy hỗ trợ Wi-Fi 6, nhưng không có kết nối mạng di động.

Cạnh trên

Bấm để lật ảnh sau/trước
Cạnh bên


Cổng kết nối duy nhất là USB-C được đặt ở cạnh, cùng hai loa ngoài hai bên. Để hỗ trợ làm việc, người dùng có thể trang bị thêm phụ kiện bàn phím kiêm ốp bảo vệ Smart Keyboard. Việc sử dụng nam châm đủ chắc chắn để giữ máy, nhưng cũng cho phép người dùng tháo dễ dàng và sử dụng độc lập.
Chiếc ốp có trọng lượng nhẹ, có thể tháo rời phần ốp lưng và bàn phím, nhưng nhược điểm là không có bàn di chuột và không điều chỉnh được độ nghiêng như Magic Keyboard của Apple. Cả hai mặt của phụ kiện này đều được làm giả da, mang đến cảm giác cao cấp, nhưng cần thời gian để kiểm chứng về độ bền.

Do kích thước nhỏ, bàn phím cũng làm dạng rút gọn, tập trung vào các phím ký tự phục vụ soạn thảo. Phím có kích thước và khoảng cách tương tự phím laptop, độ nảy vừa phải. Bàn phím được gắn bằng nam châm vào mặt lưng, kết nối thông qua NearLink do Huawei phát triển. Với công nghệ này, người dùng chỉ cần gắn bút hoặc phím vào cạnh máy, thiết bị sẽ tự động phát hiện và yêu cầu được kết nối. Ngoài ra, phụ kiện cũng được sạc không dây từ pin của máy tính bảng khi kết nối.

Không ít người sử dụng máy tính bảng thường dán màn hình nhám để có tránh bám vân tay, thao tác lướt trên màn hình không bị rít. Trên mẫu máy mới của Huawei, người dùng không cần làm việc này bởi màn hình từ đầu đã được thiết kế dạng này, được hãng gọi là PaperMatte. Màn hình IPS LCD có kích thước 11,5 inch, độ phân giải 2.800 x 1.840 pixel và tốc độ làm mới 144 Hz.
Ngoài ưu điểm khi thao tác, màn hình dạng Matte thường được dùng trên một số mẫu laptop cao cấp vì khả năng chống loá khi làm việc ngoài trời. Tuy nhiên, nhược điểm là trông tối hơn, giảm độ tương phản. Trên MatePad 11.5"S, màn hình nâng độ sáng tối đa lên 500 nit, tương đương laptop phổ thông, nhưng thấp hơn nhiều tablet có màn hình 2.000 nit.


Bên cạnh phần cứng, yếu tố hỗ trợ làm việc được Huawei cung cấp thông qua phần mềm. Bộ công cụ văn phòng WPS được cài sẵn có phần mềm soạn thảo, trang tính hay trình chiếu. Ngoài ra, ứng dụng Ghi chú được nâng cấp, cho phép ghi chú bằng bút, bàn phím, chèn thêm hình ảnh, âm thanh và có thể quản lý nhiều thẻ (tab) như trình duyệt.
Ngoài ra, giao diện quản lý đa nhiệm hỗ trợ mở nhiều cửa sổ cùng lúc, có thể điều chỉnh kích thước phù hợp. Tuy nhiên do nhỏ gọn, máy không thuận tiện mở nhiều màn hình cùng lúc để thao tác.

MatePad 11.5"S trang bị chip Kirin 9000WL, RAM 8 GB, bộ nhớ 256 GB và chạy hệ điều hành HarmonyOS phiên bản 4.2. Các tác vụ cơ bản như ứng dụng văn phòng, ghi chú, mạng xã hội chạy mượt mà. Với viên pin 8.800 mAh, thử xem YouTube liên tục bằng wifi trong hai tiếng, máy tụt 15%. Thời lượng sử dụng liên tục với tác vụ hỗn hợp khoảng 10-12 giờ, tương đối cao với một chiếc máy mỏng nhẹ.
Điểm khó khăn với một số người mới dùng là việc thiếu kho ứng dụng Google Play và các ứng dụng Google như các máy tính bảng Android khác. Tuy nhiên thực tế các ứng dụng này có thể dễ dàng được cài qua file APK trên một chợ ứng dụng bên thứ ba, và có thể được tìm kiếm từ kho ứng dụng AppGallery trên máy.

Với người có nhu cầu vẽ chuyên nghiệp, MatePad 11.5"S có thể là một lựa chọn bên cạnh iPad hay Wacom nhờ việc hỗ trợ bút và trang bị sẵn phần mềm GoPaint. Phần mềm này có nhiều điểm trong tính năng và giao diện giống với Procreate, một phần mềm vẽ chuyên dụng của iPad, vốn có giá khoảng 350 nghìn đồng, được nhiều hoạ sĩ sử dụng nhờ nhiều tính năng nâng cao như quản lý theo layer, nhiều công cụ hỗ trợ vẽ chuyên nghiệp.
Không chia sẻ về việc có sao chép Procreate hay không, tuy nhiên Huawei cho biết việc việc phát triển GoPaint cho phép hãng tối ưu về cả phần cứng và phần mềm bằng một Engine có tên FangTian Painting, giúp giảm việc sử dụng tài nguyên hệ thống, từ đó cho phép người dùng giảm độ trễ khi thao tác, tăng giới hạn về số layer.


Bút M-Pencil thế hệ thứ ba của Huawei gợi nhớ đến sản phẩm của Apple trong thiết kế, cách đặt bút cũng như cách sạc. Người dùng chỉ cần đặt lên cạnh trên, nếu đúng vị trí, nam châm sẽ hút chặt và tự động sạc pin, giúp người dùng gần như không cần lo lắng đến việc hết pin giữa chừng. Bút này kết hợp cùng màn hình nhám cho cảm giác viết chân thật, tiệm cận cảm giác viết trên giấy và có hai đầu bút đi kèm trong hộp.
Tuy nhiên, việc chỉ hút và dính vào cạnh mà không được bảo vệ bởi ốp có thể khiến bút rơi ra trong quá trình di chuyển. Người dùng có thể sẽ cần sắm thêm phụ kiện cho bút này.

Ở tầm giá 15 triệu đồng, MatePad 11.5"S tương đương hầu hết máy tính bảng tầm trung trên thị trường của Apple hay Samsung. Sản phẩm của Huawei có lợi thế về màn hình, tính di động, pin, hỗ trợ nhiều phụ kiện như bút, bàn phím để giúp biến tablet thành một chiếc laptop nhỏ hoặc một thiết bị vẽ cho người dùng chuyên nghiệp. Những phụ kiện này được bán rời, có giá 6 triệu đồng, thấp hơn một chiếc bàn phím Apple.
Về phần mềm, sản phẩm hỗ trợ đầy đủ ứng dụng cho nhu cầu cơ bản, ngoài ra có thể cài thêm qua AppGallery hoặc file APK. Cách làm này hiện tương đối đơn giản, nhưng chưa thể hỗ trợ tốt như một máy Android thực thụ. Ngoài ra, việc thiếu kết nối di động cũng hạn chế người dùng làm việc online ở những nơi thiếu wifi.
 
Bên trên