Tác hại âm thầm của thiếu ngủ đến sức khỏe

linh_449

Linh Linhh
Bạn có thể quen thức khuya, ngủ ít hơn 7-8 tiếng mỗi ngày, nhưng chức năng của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, làm giảm trí nhớ, tăng nguy cơ đột quỵ…

Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người thường xuyên thức khuya và không thể ngủ đủ thời gian khuyến nghị. Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức (Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) sau một tuần, cơ thể có thể quen với lịch trình thiếu ngủ đó nhưng các cơ quan vẫn âm thầm bị ảnh hưởng, suy giảm.

Chưa có nhiều bằng chứng cho thấy thiếu ngủ gây ra các tổn hại ngay lập tức cho cơ thể nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cách não bộ hoạt động. Nếu tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài, có thể dẫn đến các nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.

Hậu quả của thiếu ngủ tiềm ẩn là cơ thể thường cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, buồn ngủ vào ban ngày, dễ cáu gắt, thiếu kiên nhẫn, thiếu tập trung và ủ rũ, giảm động lực, tăng nguy cơ té ngã, tai nạn giao thông. Ngủ quá ít có thể ngăn não đưa thông tin mới vào bộ nhớ và có thể làm giảm khả năng nhớ.

Ngủ muộn cũng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tăng nồng độ hormone gây căng thẳng và nhịp tim không đều. Điều này là do thiếu ngủ gây lệch nhịp sinh học, ăn muộn hơn trong ngày và ít tiếp xúc với ánh sáng buổi sáng hơn trong khi chịu tác động của ánh sáng buổi tối nhiều hơn. Ngủ muộn vào ban đêm hoặc mất ngủ có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến viêm động mạch, rối loạn nhịp tim như rung tâm nhĩ. Viêm có thể dẫn đến suy tim và các bệnh động mạch vành.

Ngoài ra, thiếu ngủ có thể gây tăng cân do ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý và dự trữ carbohydrate. Người thức khuya hay thèm ăn và thông thường các thức ăn tiêu thụ vào ban đêm là thức ăn nhẹ nhiều calo, nhiều muối, chất béo bão hòa và cholesterol. Bệnh tim mạch thường được phát hiện ở những người có thói quen ngủ muộn và ít.

Thức khuya làm việc khiến cơ thể không ngủ đủ giấc, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh. Ảnh: Freepik


Thức khuya làm việc khiến cơ thể không ngủ đủ giấc, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh.

Giấc ngủ cũng giúp điều hòa nội tiết tố của cơ thể. Các hormone có liên quan đến quá trình chuyển hóa chất béo và carbohydrate với lượng bất thường có thể gây ra những thay đổi trong nhu cầu insulin. Do đó, bệnh nhân sẽ dễ mắc bệnh tiền tiểu đường hoặc tiểu đường.

Bác sĩ chuyên môn cho biết thêm, thời gian ngủ của một người phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm tuổi tác, mức độ hoạt động thể chất, sức khỏe chung và các yếu tố khác. Ví dụ, trẻ sơ sinh cần ngủ khoảng 16 giờ mỗi ngày, thanh thiếu niên cần trung bình khoảng 9 giờ và hầu hết người lớn cần 7 đến 8 giờ mỗi đêm. Giờ ngủ cần thiết cũng tăng lên nếu người đó bị thiếu ngủ trong những ngày trước đó. Thời điểm đi ngủ tối ưu là từ 22h đến 23h. Thiếu ngủ một hoặc hai ngày có thể không gây hại, cơ thể dễ dàng đối phó nhưng nếu bị thiếu ngủ trong vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí kéo dài vài năm, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe.

Bác sĩ Minh Đức khuyến cáo thêm, một giấc ngủ vừa đủ và chất lượng cần đáp ứng điều kiện ngủ đủ 7-8 tiếng không bị gián đoạn. Giấc ngủ phải được bù đắp và đảm bảo rằng nhịp sinh học của mỗi người được duy trì càng gần theo tự nhiên càng tốt.
 
Bên trên