Tại sao Apple Store Việt bán giá cao?

Phong VHH

Võ Hoàng Hoài Phong
Nhiều người hào hứng khi Apple Store online mở tại Việt Nam, tuy nhiên họ bất ngờ khi giá sản phẩm đắt hơn vài triệu đồng so với đại lý trong nước.

Từ ngày 18/5, người dùng Việt có thể mua trực tiếp các dòng sản phẩm Apple như thiết bị, phụ kiện, phần mềm trên trang web của hãng mà không cần thông qua cửa hàng, hệ thống bán lẻ. Tuy nhiên, không ít người cho biết "cảm thấy hụt hẫng" vì giá sản phẩm đều cao hơn giá chính hãng tại các hệ thống ủy quyền.

Ví dụ, iPhone 14 từ 22,4 triệu đồng, cao hơn ba triệu đồng, trong khi iPhone 14 Pro Max chênh tới 4,5 triệu đồng. Sau các đợt hạ giá, MacBook Air 13 inch với chip M2 tại các đại lý cũng còn khoảng 27 triệu đồng, rẻ hơn 2,5 triệu đồng so với trên trang web của Apple.

Giao diện Apple Store online cho thị trường Việt Nam. Ảnh:Tuấn Hưng

Giao diện Apple Store online cho thị trường Việt Nam.

Giá bán trên Apple Store online cao hơn hệ thống bán lẻ là điều hoàn toàn bình thường, đã được dự đoán trước. Chính sách giá của mỗi nhà sản xuất phụ thuộc từng thị trường, nhưng luôn cân nhắc để đảm bảo lợi ích cho nhà bán lẻ. Ví dụ, các công ty khi bán hàng trực tiếp như Apple, Samsung hay LG tại Việt Nam đều đặt giá cao hơn đối tác bán lẻ với hầu hết sản phẩm nhằm cân đối và giúp tổng doanh số tối ưu nhất có thể.

Không như các hãng khác, Apple có truyền thống giữ nguyên giá công bố trên Apple Store từ khi sản phẩm ra mắt cho đến khi thế hệ mới của sản phẩm đó xuất hiện. Còn các chuỗi bán lẻ có thể tùy ý điều chỉnh tăng giảm theo tình hình kinh doanh và nhu cầu thị trường.

Người dùng do đó ít có tâm lý "săn sale", chờ đợi, giúp giá trị sản phẩm luôn giữ ổn định, làm nên sự khác biệt của Apple so với các hãng khác trên thị trường.

Apple Store trực tuyến cũng giúp nhà bán lẻ nắm được giá niêm yết chính thức từ Apple tại thị trường Việt Nam. Các hệ thống bán lẻ có thể dễ dàng xác định giá sản phẩm ở mỗi kỳ ra mắt, không phải chạy theo các đợt giảm từ chính nhà sản xuất và kênh bán lẻ của hãng.

Mua Apple Store khi mở bán, mua tại đại lý ở đợt sau

Mua ở cửa hàng Apple sẽ có lợi với người dùng trong thời gian sản phẩm mới ra mắt.

Ví dụ, iPhone 14 Pro Max được một số hệ thống trong nước để giá 32-34 triệu đồng khi mới bán vào tháng 10 năm ngoái, trong khi giá trên Apple Store trực tuyến là 31 triệu đồng. Hay MacBook Air M2 là khoảng 30 triệu đồng trong suốt nửa cuối 2022, còn Apple bán rẻ hơn mức này gần một triệu đồng.

Điều này sẽ thấy rõ vào tháng 9 khi iPhone 15 ra mắt, Người dùng Việt Nam sẽ mua được điện thoại đúng giá thật của sản phẩm.

Tuy nhiên, về sau, các hệ thống ủy quyền sẽ liên tục điều chỉnh để cạnh tranh, nên người dùng mua tại các đại lý trong nước sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về giá hơn do Apple không giảm giá trong năm đầu tiên sản phẩm được công bố.

Không có lợi thế về giá, nhưng Apple Store online lại mạnh về trải nghiệm mua sắm. Hãng có số lượng phụ kiện nhiều, khiến các cửa hàng bán lẻ thường "đau đầu" khi chọn nên nhập các mã nào. Ví dụ, đồng hồ Apple Watch có hàng chục loại dây với chất liệu, thiết kế, màu sắc khác nhau. Thông thường, các chuỗi bán lẻ chỉ nhập về những model phổ biến, tránh tồn kho quá lâu, ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Apple Store bù đắp thiếu hụt này khi có đầy đủ lựa chọn, với thời gian giao hàng trong 2-15 ngày tùy tình trạng có sẵn.

Tuy nhiên, do mới bán trực tuyến, Apple Store còn một số nhược điểm chưa thể khắc phục. Người dùng có quyền đổi trả trong vòng 14 ngày sau khi nhận hàng nếu sản phẩm có vấn đề. Thế nhưng điều này không dễ thực hiện bởi tất cả công đoạn phải thông qua công ty vận chuyển bên thứ ba. Ngoài ra, chính sách thu cũ đổi mới (trade-in) cũng mất nhiều thời gian hơn so với các chuỗi bán lẻ có cửa hàng vật lý. Người dùng cũng gặp khó khăn khi không thể chuyển trực tiếp dữ liệu từ máy cũ sang máy mới như khi mua tại cửa hàng.
 
Bên trên