toringuyen0509
Well-known member
Chắc anh em cũng biết là bướm đêm (thiêu thân) và các loài côn trùng khác bị thu hút bởi ánh sáng vào ban đêm. Ai muốn bắt côn trùng thì chỉ cần đặt bẫy ánh sáng là bắt được rất nhiều. Nhưng người ta vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng tại sao côn trùng lại bị thu hút bởi ánh sáng nhân tạo vào ban đêm. Một giả thuyết khá phổ biến đó là côn trùng bay nhầm đèn nhân tạo với Mặt trăng hoặc một thiên thể khác, và cảm giác điều hướng của chúng bị xáo trộn. Một giả thuyết khác là vì ánh sáng vào ban đêm giống như những tia sáng của ánh sáng ban ngày xuyên qua bụi cây, khiến côn trùng cố gắng “thoát ra” bằng cách đi thẳng về phía mà chúng cho rằng đó là không gian mở.
Giờ đây, một câu trả lời mới cho câu hỏi này đang làm xôn xao giới côn trùng học. Một nhóm các nhà khoa học ở trường Imperial College London và Đại học Florida International cho rằng khi nhiều con côn trùng nhìn thấy ánh sáng mạnh vào ban đêm, chúng nghĩ rằng chúng đã tìm thấy hướng của bầu trời và cố gắng định hướng bản thân dọc theo trục lên xuống. Bản năng đó làm cho chúng nhầm lẫn quay lưng lại với nguồn sáng trong trường hợp khi nguồn sáng ở trên mặt đất hoặc được được chiếu theo chiều ngang, làm cho chúng xoay không ngừng. Vào ban ngày, các bản năng định hướng đó giúp côn trùng bay giữ cân bằng bằng cách hướng lưng của chúng vào ánh sáng mặt trời, ngay cả khi chuyển hướng. Phân tích mới này cho thấy rằng ánh sáng ban đêm làm biến đổi bản năng này.
Để đi đến kết luận này, các nhà khoa học đã quay video ở tốc độ cao trong điều kiện ánh sáng yếu chuồn chuồn, bướm và thiêu thân bay xung quanh bóng đèn cả trong phòng thí nghiệm và trong rừng trong mây ở Costa Rica. Đôi khi các con côn trùng bắt đầu xoay vòng giống như một mặt trăng đang quay quanh quỹ đạo của nó. Đôi khi, các con côn trùng vượt qua bóng đèn, sau đó nghiêng hướng lên trên. Hoặc chúng sẽ bay trên bóng đèn, sau đó lộn ngược và chúi xuống mặt đất. Trong mỗi tình huống, các đoạn video quay chậm cho thấy các con côn trùng luôn hướng lưng về nguồn sáng, kết quả này được nhóm nghiên cứu xác nhận bằng cách gắn cảm biến theo dõi chuyển động trên thân côn trùng. Các mô hình mô phỏng cách bay trên máy tính cho thấy những cú bay cuộn vòng như thế có thể giải thích cho quỹ đạo bay bị mắc kẹt của những con côn trùng này.
Nghiên cứu mới này cũng đưa ra một cách giảm tác động của hiện tượng này, vốn có thể tiêu diệt côn trùng bằng nhiệt của bóng đèn hoặc bị mắc kẹt trong mạng nhện, loài đã “học” được rằng ánh sáng nhân tạo là nơi có nhiều con mồi. Một số loài côn trùng tự động rớt xuống đất đơn giản là hết năng lượng vì bay theo vòng tròn.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng côn trùng dường như ít bị ảnh hưởng nhất khi chúng bay dưới ánh đèn chiếu thẳng xuống, trái ngược với ánh sáng chiếu lên trên hoặc được gắn theo chiều ngang. Phát hiện này khớp với lời khuyên từ lâu của các nhà nghiên cứu là hạn chế ô nhiễm ánh sáng bằng cách sử dụng các thiết bị chiếu sáng hướng xuống và chỉ nên chiếu sáng khu vực mặt đất trong phạm vi gần. Bên cạnh việc thu hút côn trùng, ánh sáng cũng có thể cản trở sự phát triển của sâu bướm, khiến đom đóm ngừng nháy sáng và thu hẹp môi trường sống của các loài sống về đêm.