Tại sao Dreamworks lại thích "đá đểu" Disney?

toringuyen0509

Well-known member
Tại sao Dreamworks lại thích đá đểu Disney?


Trước khi phiên bản live-action của “The little mermaid” được công chiếu, Dreamworks đã đăng tải trailer phim “Ruby Gillman, Teenage Kraken" và dự kiến bộ phim này sẽ được phát hành vào cuối Tháng Sáu năm nay tại Mỹ. Phim cũng đề cập về một nhân vật tiên cá, cũng tóc đỏ, và người không biết nhìn vào có thể nghĩ rằng xưởng phim này đang tìm cách “bú fame” của Disney. Thực tế không phải vậy, nhìn vào lịch sử của Dreamworks, không ít lần chúng ta bắt gặp nhiều chi tiết mà công ty này đá đểu Disney trong các bộ phim của họ. Vậy tại sao xưởng phim này lại ghét “nhà chuột” đến như vậy?



Quay trở lại vào những năm 1980, giai đoạn mà bộ phim “The little mermaid” bản hoạt hình đang bước vào giai đoạn sản xuất. Ở thời điểm này, nhà sản xuất bộ phim là ông Jeffery Katzenberg, một người tài năng và rất được các đồng nghiệp xem trọng trong lĩnh vực của mình. Dưới thời của Katzenberg, Disney đã sản xuất ra rất nhiều bộ phim hoạt hình đỉnh cao, có thể kể tới như: Aladin, Người đẹp và quái vật, Vua sư tử… Dĩ nhiên không thể không nhắc tới “The little mermaid”. Có thể nói, chính ông là người đã giúp công ty hồi sinh sau một giai đoạn khó khăn.

dreamworks-disney-8.jpeg


Có thể anh em chưa biết nhưng chính Katzenberg là người đã đặt nền móng cho mối quan hệ khăng khít giữa Disney và Pixar, một xưởng phim cũng rất thành công khi đã cho ra rạp vô số các tuyệt phẩm hoạt hình. Đến năm 1993, sau một loạt lục đục nội bộ với các thành viên cao cấp trong hội đồng quản trị của Disney, thay vì được trọng dụng, Katzenberg đã bị buộc rời khỏi công ty, kéo theo sau đó là các vụ kiện tụng đình đám với nhà chuột. Vụ kiện này đã giúp ông có được 250 triệu đô, từ đó có thêm tài nguyên để dọn đường cho những dự án sau này.


dreamworks-disney-7.jpeg


Disney thiệt đơn thiệt kép sau sự kiện này, vì để so sánh, con số 250 triệu đô lúc bấy giờ thậm chí còn lớn hơn doanh thu phòng vé của “The little mermaid”, vốn là một bộ phim rất thành công. Chưa dừng lại ở đó, Katzenberg ra đi kéo thêm những hoạ sĩ và trợ lý của ông rời Disney, khiến những bộ phim sau này có chất lượng đi xuống thấy rõ.

Với số tiền có được, Katzenberg đã hợp tác với những người “có số má” trong giới làm phim lúc bấy giờ như đạo diễn Steven Spielberg, và nhà sản xuất phim David Geffen. Chỉ một năm sau khi rời Disney, DreamWorks ra đời.

Sau khi thành lập DreamWorks, Katzenberg nói ông sẽ không dính líu gì với công ty cũ nữa. Cứ ngỡ êm xuôi, thú vị thay, bên bắn phát súng khiêu chiến đầu tiên lại chính là Disney. Khi Hercules ra mắt vào năm 1997, Disney đã xây dựng hình tượng Thần Hades, phản diện của bộ phim, giống với nhân dạng của cựu nhân viên của mình. Lùm xùm này khiến Katzenberg tuyên bố DreamWorks và Disney sẽ không đội trời chung.

dreamworks-disney-4.jpg


Nếu Hades là công cụ mà Disney dùng để sỉ nhục cá nhân Katzenberg, thì Shrek có thể xem là một lời đáp trả vô cùng mạnh mẽ và gay gắt đến từ DreamWorks. Hồi nhỏ có bao giờ anh em xem Chằn tinh rồi tự hỏi sao trong này có nhiều nhân vật giống của Disney không? Đó chính là cách mà xưởng phim non trẻ này đá đểu người khổng lồ. Các nhân vật cổ tích trong phim mang phong cách khác hoàn toàn với những hình tượng mà Disney xây dựng. Bản thân bộ phim này cũng theo mô-típ “hoàng tử cứu công chúa”, nhưng hoàng tử và công chúa ở đây lại chính là những quái vật, như một lời tuyên bố rằng “phim Disney chỉ rập khuôn là giỏi”.

dreamworks-disney-3.jpg


Sự vượt khỏi khuôn mẫu này đã khiến Shrek vô cùng được đón nhận, và sự thành công của nó đã là minh chứng cho những lời đáp trả đến từ Katzenberg. Nếu anh em chưa biết thì cả công chúa Fiona trong phim cũng là một phiên bản chế giễu của nàng tiên cá Ariel, khi cô cũng sở hữu mái tóc đỏ, làn da xám màu ở dạng người, hay thậm chí là chiếc váy màu xanh lá giống với phần đuôi của Ariel.


Nói thêm một tí, dù “The little mermaid” là một phim thành công, nhưng đây là lại một bộ phim mà Katzenberg ghét cay đắng vì ông đã bị cấp trên can thiệp quá nhiều trong quá trình sản xuất. Chi tiết này thể hiện ở việc công chúa Fiona trong Shrek có giọng hát có thể giết chết chú chim, ám chỉ việc ông ghét cái cách Disney đưa yếu tố nhạc kịch vào trong “The little mermaid” phiên bản 1989.



Chưa dừng lại ở đó, sau khi bị lấy hình tượng để xây dựng nên nhân vật Hades, Katzenberg đã sử dụng chính nhân vật lãnh chúa Farquaad để chế giễu lại Michael Eisner, CEO của Disney lúc bấy giờ. Katzenberg đã xây dựng một hình ảnh Farquaad độc đoán, xây dựng cả một đế chế bóc lột nhưng lúc nào cũng tỏ ra hào nhoáng, giống với những công viên giải trí mà Disney đang cho hoạt động.

dreamworks-disney-5.jpg


Để kể về các easter egg trong Shrek mà ở đó DreamWorks cà khịa Disney thì nhiều vô kể, chắc liệt kê đến sáng mai mới hết. Mời anh em xem lại để tự cảm nhận thử xem có hiểu được hết các ám thị của Katzenberg không nhé. Mà không dừng lại ở Shrek đâu, hầu như tất cả các phim do DreamWorks sản xuất đều không ít thì nhiều xuất hiện các chi tiết đá xéo Disney. Từ Baby Boss, Trolls, Puss in boots: The last wish,

Dreamworks không chỉ thể hiện họ ghét Disney trong các tác phẩm điện ảnh, mà đến các vấn đề ngoài đời cũng thể hiện công ty này vô cùng thù địch với Disney. Năm 2013, DreamWorks kí hợp đồng hợp tác với 20th Century Fox để phân phối phim đến năm 2018. Thế nhưng đến năm 2017, công ty này đột ngột dừng hợp đồng trước hạn tận 1 năm, chấp nhận chịu mất tiền trong cả giai đoạn này. Mãi đến năm 2019 công ty mới cho ra mắt Crood phần 2 như một màn comeback. Không phải khơi khơi mà một doanh nghiệp lại chấp nhận dừng hoạt động trước hợp đồng đâu, sự tình nằm ở chỗ họ đã biết được Disney sẽ thâu tóm Fox, nên thôi dứt áo ra đi, kẻo chạm mặt lại phiền.


dreamworks-disney-1.jpg


Các mâu thuẫn giữa hai bên liên tục được tạo ra, dù nhỏ, nhưng tích lâu dần cũng thành lớn. Thế là chúng ta có dịp chứng kiến những trò đùa khéo léo, vui vẻ mà DreamWorks nhắm tới Disney. Nhà Chuột dù lớn, nhưng cũng không phải là không có anti đâu. Rất nhiều quyết định mà hãng phim này đưa ra, hay cách mà họ điều hành đã khiến không ít nhân viên và khán giả cảm thấy khó chịu và chỉ trích.

Nói gì thì nói, sự ganh ghét của đôi bên đã khiến cho chúng ta, những khán giả trở thành những người có lợi. “Ghét Disney” chính là động lực khiến DreamWorks cho ra đời những bộ phim vô cùng xuất sắc. Họ phá bỏ khuôn mẫu thông thường, bước ra khỏi vùng an toàn để những tác phẩm của họ khác biệt và thu hút hơn. Còn anh em nghĩ sao về việc DreamWorks cà khịa Disney, mời cùng bàn luận ở phần comment nhé.
 
Bên trên