Tại sao xe yếu xìu nhưng đồng hồ tốc độ vẫn có mốc vài trăm km/h?

toringuyen0509

Well-known member
Tại sao xe yếu xìu nhưng đồng hồ tốc độ vẫn có mốc vài trăm km/h?


Chiếc Bugatti Chiron Super Sport 300+ có thể đạt tốc độ đến gần 490 km/h và sẽ không ngạc nhiên khi đồng hồ tốc độ trên chiếc xe này có mốc tối đa 500 km/h. Thế nhưng các mốc trên 200 km/h vẫn xuất hiện trên những chiếc xe phổ thông dù xe không thể nào đạt được tốc độ này cũng như luật pháp tại nhiều nơi không cho phép chạy ở tốc độ cao như vậy. Vậy tại sao mốc vận tốc rất cao vẫn tồn tại trên đồng hồ tốc độ, phải chăng là để lừa chúng ta rằng chiếc xe có thể chạy ở vận tốc này?

Vì dễ đọc

019 Toyota Corolla Speedometer.jpg

Theo giải thích của Paul Hogard - người phát ngôn của Toyota, việc đặt dải tốc độ 40 - 80 mph (hay dải 60 - 120 km/h trên xe hơi bán tại các thị trường khác dùng hệ Metric) ở phần phía trên của đồng hồ tốc độ sẽ khiến người lái dễ nhìn hơn. Đồng hồ tốc độ thường nằm phía sau vô lăng nên ít nhiều bị che khuất. Thêm vào đó, với thiết kế đồng hồ tốc độ đa phần là tròn, nếu chỉ dừng lại ở tốc độ tối đa như mốc 100 mph chẳng hạn thì đồng hồ trông bị "cụt", vì vậy để duy trì tính thẩm mỹ và cân đối thì người ta phải thêm các mốc tốc độ còn lại. Đây là lý do mà một chiếc xe như Toyota Corolla lại có mốc tối đa 160 mph (257 km/h) dù nó không thể nào đạt được tốc độ này.

Vì dùng chung

Theo BusinessInsider thì về mặt hậu cần lẫn chi phí, các nhà sản xuất xe hơi sẽ không thiết kế đồng hồ riêng cho từng mẫu xe. Vì vậy để hợp lý hóa quá trình chế tạo đồng hồ tốc độ thì nhiều hãng sẽ dùng cùng một loại đồng hồ cho các mẫu xe hiệu năng trung bình lẫn xe hiệu năng cao hơn.


Play Video
Video @cuhiep cầm lái Mitsubishi Eclipse Cross 2018 SUV đạp lên hơn 200 km/h trên Bundesautobahn 9 - autobahn dài thứ 5 của Đức với 529 km nối Berlin với Munich.

Ngoài ra, việc này cũng nhằm giúp hãng sản xuất bán xe ở thị trường quốc tế. Kurt Tesnow tại bộ phận thiết kế táp lô và đồng hồ tốc độ của General Motors cho hay nếu những chiếc xe được chạy trên đường không giới hạn tốc độ, điển hình như Autobahn thì đồng hồ nên có thêm một dải vận tốc nữa nếu hiệu năng của chiếc xe cho phép.

Vì marketing

019 Chevrolet Cruze Speedometer.jpg

Nếu không vì lý do dùng chung cụm đồng hồ thì các nhà sản xuất vẫn có lý do để thiết kế mốc vận tốc cao như vậy trên đồng hồ tốc độ bởi nó sẽ thu hút người mua. Fawaz Baltaji - quản lý phát triển sản phẩm tại hãng chuyên cung cấp đồng hồ đo tốc độ cho các hãng xe Yazaki North America cho hay: "Người ta thật sự muốn thấy những con số cao hơn. Điều này ám chỉ động cơ của chiếc xe rất mạnh mẽ và đây cũng là một chiêu trò tiếp thị."

Vì an toàn

019 Over speed.jpg

Theo Stewart Reed - chủ tịch khoa thiết kế giao thông vận tải thuộc trường thiết kế ArtCenter, California thì đồng hồ tốc độ với dải vận tốc vượt quá tốc độ tối đa của chiếc xe dường như mang lại lợi ích tâm lý cho các tài xế. Như chiếc đồng hồ tốc độ trên, thử tưởng tượng là mốc tốc độ tối đa là 80 mph nằm đối diện với 0 mph ở phần kia của hình tròn thì theo Reed, tài xế sẽ có xu hướng "đạp hết ga hết số" để kim đo chạm đến ngưỡng tốc độ này trên cao tốc. Nhưng nếu mốc tốc độ tối đa là 140 mph, mốc 80 mph ở chính giữa thì khi chạm ngưỡng 80 mph, cây kim dường như thẳng đứng và nó phần nào khiến tài xế cẩn trọng hơn.

Reed cũng nói trên đồng hồ tốc độ thì một số vị trí của kim được xem như vận tốc hành trình một cách tự nhiên, phần còn lại của đồng hồ chỉ đơn thuần là những con số. Nhưng ngược lại, mốc vận tốc tối đa càng cao trên đồng hồ càng khiến cho người lái xe tin rằng họ có thể xử lý ở tốc độ cao, từ đó khiến họ lái xe liều lĩnh hơn.
 
Bên trên