Tàu biển trang bị cánh buồm điện mặt trời khổng lồ

THANHLINH

Well-known member
Công ty Hurtigruten giới thiệu mẫu tàu điện chở khách với cánh buồm có thể rút gọn phủ kín pin quang năng, dự kiến ra khơi năm 2030.

Mẫu tàu không thải khí dài 135 m. Ảnh: Hurtigruten
Mẫu tàu không thải khí dài 135 m. Ảnh: Hurtigruten

Công ty Hurtigruten hiện nay có đội tàu 8 chiếc, mỗi chiếc có sức chở 500 hành khách, di chuyển dọc theo vùng ven biển Na Uy từ Oslo tới Vòng cực Bắc. Giám đốc điều hành Hedda Felin của công ty hy vọng sáng kiến mới có thể truyền cảm hứng cho toàn bộ ngành hàng hải. Dự án mang tên "Sea Zero" được công bố lần đầu tiên vào tháng 3/2022. Từ sau đó, cùng với 12 đối tác và viện nghiên cứu SINTEF, Hurtigruten đã khám phá giải pháp công nghệ để đạt mục tiêu giao thông không thải khí trên biển.

Thiết kế tàu chở khách của Hurtigruten sẽ chạy chủ yếu nhờ bộ pin 60 megawatt có thể sạc bằng năng lượng sạch ở cảng, do năng lượng tái tạo chiếm 98% hệ thống điện của Na Uy. Gerry Larsson-Fedde, phó chủ tịch cao cấp của Hurtigruten, ước tính bộ pin có tầm hoạt động 555 – 648 km, có nghĩa trong chuyến đi khứ hồi dài 11 ngày, tàu chở khách chỉ cần sạc khoảng 7 – 8 lần.

Để giảm phụ thuộc vào bộ pin, khi trời lộng gió, 3 cánh buồm sẽ nhô lên từ boong tàu, đạt độ cao tối đa 50 m. Những cánh buồm này có thể điều chỉnh độc lập, hạ thấp khi đi qua dưới cầu hoặc thay đổi góc để đón gió tốt nhất. Bộ ba cánh buồm phủ tổng cộng 1.500 m2 pin quang năng, có thể tạo ra năng lượng để bổ sung cho bộ pin. Lượng điện ở pin sẽ hiển thị ở hông tàu. "Tại Na Uy, dù đôi khi trời tối vào mùa đông, Mặt Trời vẫn có ánh sáng Mặt Trời ở phía nam. Mặt Trời chiếu liên tục cả ngày trong mùa hè", Larsson-Fedde cho biết.

Con tàu sẽ trang bị 270 cabin với sức chứa 500 hành khách và 99 thủy thủ. Hình dáng thuôn dài của tàu giúp giảm bớt lực cản không khí, góp phần giảm sử dụng năng lượng. Trong hai năm tới, Hurtigruten sẽ kiểm tra đề xuất công nghệ trước khi chốt thiết kế vào năm 2026 và sản xuất ở xưởng đóng tàu vào năm 2027. Con tàu đầu tiên sẽ ra khơi ở Na Uy năm 2030. Sau đó, công ty hy vọng có thể chuyển dần toàn bộ đội tàu sang tàu không thải khí.
 
Bên trên