Thải độc chì cho da mặt là trò bịp

Hải Vy

Well-known member
Chuyên gia Bệnh viện Da liễu Trung ương khẳng định trên da mặt không có chì để thải độc hay hút ra.
Thải độc chì cho da mặt là trò bịp

Nhiều spa, cơ sở làm đẹp quảng cáo biện pháp hút chì, thải độc chì trên da mặt bằng mặt nạ hoặc máy hút, giúp thanh lọc làn da, loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn, da chết và sắc tố khiến da xỉn màu... Sau khi thực hiện quy trình thải độc, hút chì cho da, trên khăn hoặc bông lau mặt đổi màu sang đen hoặc xám đậm.
TS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết hút chì cho da hoàn toàn không có cơ sở khoa học. "Da mặt không có chì để thải độc hay hút ra", vị chuyên gia khẳng định.
Sau khi được hấp thu (qua hô hấp, tiêu hóa và da), chì đi vào máu và có tới 99% lượng chì gắn với hồng cầu. Sau đó, chì đi vào các tổ chức mềm và vào xương. Về lâu dài, chì sẽ tập trung chủ yếu ở xương, đặc biệt là ở vỏ xương. Ở người lớn, 95% lượng chì cơ thể tập trung ở xương, ở trẻ em là 70%.
Theo Tiến sĩ Hà, nhiễm độc chì toàn thân thường gặp ở những người làm việc lâu ở nhà máy hóa chất, xăng dầu có chì, nung, nấu chì, tinh chế chì; dùng thuốc cam, hồng đơn chứa nhiều chì; hoặc người dùng các sản phẩm mỹ phẩm có nhiều chì giúp bám chặt vào da.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, các hãng lớn, sản phẩm mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hàm lượng chì rất nhỏ, không đáng kể hoặc không có.
"Theo nghiên cứu, những hóa chất khi bôi trên da có thể tồn tại khá lâu, từ 1 tuần đến 1 tháng. Nếu không can thiệp, hóa chất này cũng tự đào thải, vì cứ 28 ngày, tế bào da lại tự luân chuyển, đào thải một lần", Tiến sĩ Hà cho biết.
Theo các chuyên gia da liễu, việc xuất hiện màu đen, xám đậm trên mặt khi thực hiện phương pháp thải độc tại các spa cần được hiểu đúng. Khi bôi một chất không rõ nguồn gốc lên mặt, kết hợp mồ hôi, mỡ, nhờn thải ra qua da, gặp nhiệt độ tạo sẽ phản ứng hóa học. Điều đó dẫn đến xuất hiện màu đen, màu xám đậm trên da là bình thường, nhưng đó không phải là chì.
Đối với toàn bộ cơ thể, nếu nồng độ chì máu thấp dưới 10mcg/dL, bệnh nhân không cần điều trị hay can thiệp, chất này vẫn có khả năng tự đào thải qua thận và bài tiết. Những trường hợp ngộ độc chì mới cần phải thải độc theo chỉ định của bác sĩ.
Võ Thu
 
Bên trên