Thân phận phụ nữ trong 'Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về'

Nguyễn May

Well-known member
Nhà văn Trang Thụy kể câu chuyện cô gái dân tộc không chấp nhận chung chồng trong tập truyện ngắn đầu tay.

Sách do NXB Hội Nhà văn phát hành, gồm 11 truyện ngắn được sắp xếp theo tiến trình sáng tác từ năm 2021 đến nay. Tác giả viết về mùa đông, đề tài miền núi, số phận và hạnh phúc của phụ nữ nơi đây.

Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phùng Gia Thế nói về tác phẩm: "Những truyện ngắn mang màu sắc tự truyện, sự hòa quyện, những vùng đau giữa khách thể và chủ thể khơi gợi rất sâu vào những buồn vui của kiếp người".

Bìa Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về, sách 193 trang. Ảnh: NXB Hội Nhà văn

Bìa "Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về", sách 193 trang, ra mắt ngày 1/12. Ảnh: NXB Hội Nhà văn

Số phận phụ nữ vùng cao được khắc họa trong truyện ngắn Trước mặt là núi, sau lưng là đá. Truyện xoay quanh cuộc sống của Mỉ từ khi về làm vợ Xúa, cậu bé 10 tuổi, không hiểu rõ khái niệm "vợ chồng" và xa lánh Mỉ, khiến cô phải chịu đau đớn và cô đơn. Khi lớn lên, bắt đầu hiểu được tình cảm và trách nhiệm với vợ, Xúa lại theo bố xuống thành phố làm phụ hồ để kiếm tiền. Thời gian chồng đi xa, Mỉ mang thai, một mình cô chăm sóc con khôn lớn.

Sách có đoạn: "Thầy lang bảo Mỉ có thai, những ngày chờ đợi càng thêm bồn chồn, khắc khoải. Một đông. Hai đông... lại ba đông. Ngần ấy cái đông, chưa có đông nào Xúa về nhà. Những lá thư ngơi ngớt dần như những cơn mưa không tìm tới đỉnh núi Xao Va vào mùa đông".

Phải đợi Xúa lớn, chờ chồng trở về, người vợ ấy đáng lẽ có một mái ấm hạnh phúc, nhưng thứ cô nhận lại là sự phản bội. Sau những năm xa nhà, chồng Mỉ về, mang theo người đàn bà khác và con riêng của họ. Truyện kết thúc ở cảnh cô gái bế con ra khỏi nhà, không chấp nhận chung chồng: "Mỉ có thể vùi tuổi xuân vào tro bếp, chờ người đến hóa đá nhưng đừng ai xin Mỉ phải chia chồng".

Nhà văn cho thấy tình yêu vượt định kiến của Du dành cho Vũ - người phụ nữ một đời chồng, nuôi hai con nhỏ trong Vệt nắng cuối rẻo đồi. Anh bỏ qua lời đàm tiếu, ở bên chăm sóc cô và các con. Nhà văn gửi gắm hy vọng về tình yêu khi Vũ dám vượt qua chồng cũ vũ phu để ở bên người mình yêu.

Theo PGS.TS, nhà giáo ưu tú Nguyễn Đức Hạnh, nhân vật của Trang Thụy là những con người nghèo khổ, ít học, ở dưới đáy xã hội. "Ở trong cái tăm tối ấy, chúng ta yêu họ vì khát vọng hạnh phúc lấp lánh như ngọn than hồng", ông nói.

Các nhân vật không cam chịu số phận, chấp nhận để người khác định đoạt hạnh phúc. Ở Mùa cỏ đắng, Trang là mẹ đơn thân nhưng quyết không nghe theo sự sắp đặt của mẹ để ở lại làng quê và trở thành vợ của Cường, người đàn ông làm nghề chèo đò, đánh cá. Cô cho rằng anh và mình không hợp: "Ai cũng có nơi để cắm rễ, giống người đàn ông một mực ở lại với dòng sông, cặm cụi ngồi vá những lỗ thủng trên lưới như đang vá lại đời mình. Việc lên bờ hay ở lại với tôm cá không quyết định y có vợ hay không, vì cuộc đời là những chuỗi ngày tìm kiếm sự phù hợp".

Tác phẩm khắc họa hình ảnh người con tìm về với bố mẹ sau cuộc hôn nhân tan vỡ. Nhân vật tôi trong Mùa trắng xóa về nhà để báo tin mình sắp ly hôn, cô có suy nghĩ thấm thía về mẹ và hôn nhân: "Ngày tôi cãi cha, cãi mẹ vì người dưng cũng vào một mùa thu đầy khói. Ngày tôi đi, khói hoen nhèm mắt mẹ, có ai ngờ lúc long đong nhất vẫn chỉ biết về làng, tìm tới vai mẹ khóc tu tu. Nhân gian này rộng lớn như vậy, chỉ có đôi vai mẹ là rộng lượng vô cùng".

Nhà văn gửi gắm thông điệp về hạnh phúc của phụ nữ. Theo nhà thơ Văn Công Hùng, đọc xong tác phẩm lại thấy một "nỗi buồn như đá. Để rồi hy vọng và thương những thân phận đàn bà".

Các truyện ngắn có lối viết tự nhiên, ngôn ngữ sắc bén kết hợp biện pháp so sánh. Nhà thơ Đỗ Anh Vũ nhận xét về tập truyện: "Tác giả sử dụng cách dùng từ mới mẻ, liên tưởng so sánh chưa từng thấy, các đơn vị từ mới, diễn tả sự khác biệt, u ám của thiên nhiên. Sự tinh tế và biểu cảm trong ngôn ngữ là điểm mạnh trong văn Trang Thụy, được kết hợp với những cốt truyện nhiều tầng bậc, có sức ám gợi".

Tác giả Trang Thụy. Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam

Tác giả Trang Thụy. Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam

Trang Thụy tên thật là Nguyễn Thị Trang, 35 tuổi, quê Hà Tĩnh, hiện sinh sống và làm việc tại Hội An. Cô tốt nghiệp Khoa lý luận chính trị Học viện Báo chí. Nhà văn được biết đến với các truyện ngắn đăng trên diễn đàn văn học như Duyên muộn, Ô mai gót, Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về.
 
Bên trên