'Thời đại AI' - khi trí tuệ nhân tạo chi phối con người

Nguyễn May

Well-known member
Tác giả Henry Kissinger, Eric Schmidt và Daniel Huttenlocher bàn về tác động của trí tuệ nhân tạo đến các lĩnh vực toàn cầu, trong sách "Thời đại AI".

Tác phẩm ra mắt lần đầu năm 2021 với tên The Age of AI: And Our Human Future, bản tiếng Việt phát hành trong nước cuối năm 2023. Sách do cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, cựu CEO và chủ tịch Google Eric Schmidt và Trưởng khoa Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) Daniel Huttenlocher viết. Nội dung gồm ba phần, trình bày việc trí tuệ nhân tạo (AI) tác động đến tri thức, chính trị và xã hội.

Bìa Thời đại AI, 220 trang, do Mai Chí Trung dịch. Ảnh: NXB Trẻ

Bìa "Thời đại AI", 220 trang, do Mai Chí Trung dịch. Ảnh: NXB Trẻ

Cuốn sách khám phá tác động của AI, xem xét những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn. Trong phần một Những nền tảng kết nối toàn cầu, tác giả lý giải cách những nền tảng xây dựng dữ liệu khách hàng, cộng đồng và kiểm duyệt nội dung, từ đó đưa ra hiện trạng và viễn cảnh có thể xảy ra khi AI giữ vai trò quyết định nội dung.

Trong phần hai, chuyên gia nhận định không quốc gia nào có thể phớt lờ khía cạnh an ninh của AI, khi cuộc chiến nhằm giành lợi thế công nghệ thông tin diễn ra trên thế giới. Những tiến bộ và cạnh tranh trong lĩnh vực hạt nhân, không gian mạng và công nghệ AI sẽ mang nhiều thách thức cho an ninh truyền thống.

Tác giả đặt ra tình huống giả định: Trong bối cảnh an ninh quốc gia, một hệ thống trí tuệ nhân tạo đề xuất cho chỉ huy quân sự hy sinh một số công dân để đạt được lợi ích lớn. Vậy quyết định hy sinh mà AI đưa ra sẽ được biện minh dưới các góc độ đạo đức và pháp lý nào?

Một trong ba tác giả cuốn sách - cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Ảnh: Reuters

Một trong ba tác giả cuốn sách - cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Ảnh: Reuters

Phần cuối - Nhân dạng con người - vẽ ra viễn cảnh khi AI phát triển, chúng sẽ có những kỹ năng mà con người mất nhiều năm học tập mới làm được. Từ đó, AI dẫn dắt quan điểm mới về giá trị của con người. Nó sẽ thay đổi các phân khúc nền kinh tế, thúc đẩy khám phá khoa học lên tầm cao mới, còn con người không còn nắm quyền kiểm soát.

Thời đại tràn ngập thông tin, có nhiều cuốn sách, tranh vẽ do AI tạo ra dấy lên tranh cãi. Các nghệ sĩ, nhà văn và nhiều người làm các công việc chuyên môn lo sợ bị đào thải. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo còn khám phá ra những loại thuốc mới, điều khiển các phương tiện bay không người lái. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu những quyết định mà AI đưa ra và biết cách áp dụng.


Qua sách, tác giả đặt câu hỏi: Khi lý trí con người không còn là thứ duy nhất khám phá và định hình thực tế, chúng ta sẽ nhìn nhận bản thân và vai trò của mình khác đi thế nào? Hệ lụy nào sẽ xảy ra khi hiệu suất AI vượt xa con người trong công việc? Trong kỷ nguyên nhiều thông tin giả, cách tiếp thu kiến thức sẽ thay đổi thế nào?

Cuốn sách nhận nhiều lời khen từ giới chuyên môn. Kirkus Reviews bình luận: "Tác phẩm hay cho những ai muốn khám phá thế giới công nghệ". Trang The Economist viết: "Lời cảnh báo hữu ích để xử lý và sử dụng AI một cách cẩn thận. Các tác giả đã sử dụng kinh nghiệm sâu rộng để đóng góp mạnh mẽ vào một trong những cuộc tranh luận cấp bách nhất của thế kỷ 21".

Henry Kissinger tên thật là Heinz Alfred Kissinger, sinh ra ở Furth, Đức ngày 27/5/1923 và chuyển đến Mỹ cùng gia đình năm 1938. Kissinger từng là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ từ tháng 1/1969 đến tháng 11/1975 và làm ngoại trưởng từ tháng 9/1973 đến tháng 1/1977, dưới hai đời tổng thống Mỹ là Richard Nixon và Gerald Ford. Ông qua đời ở tuổi 100 tại nhà riêng, thuộc bang Connecticut tối 29/11/2023.

Eric Schmidt, 69 tuổi, khởi đầu sự nghiệp tại các công ty công nghệ thông tin như Bell Labs, Zilog và trung tâm nghiên cứu Palo Alto của Xerox. Tháng 8/2006, Eric Schmidt được chọn vào hội đồng quản trị của Apple. Sau ba năm, vào tháng 8/2009, ông từ chức và rút khỏi hội đồng quản trị do một số mâu thuẫn nảy sinh trong cạnh tranh tăng trưởng giữa Apple và Google. Tháng 4/2011, Schmidt rời chức vụ CEO của Google, nhưng vẫn làm chủ tịch hành chính của công ty và là cố vấn cho hai nhà sáng lập. Người kế nhiệm ông là nhà sáng lập Google Larry Page.

Tỷ phú Eric Schmidt. Ảnh: Reuters

Tỷ phú Eric Schmidt. Ảnh: Reuters

Daniel Huttenlocher, 65 tuổi, là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Máy tính Schwarzman thuộc MIT, phần lớn nghiên cứu tập trung vào trí tuệ nhân tạo. Trước đây, ông từng là trưởng khoa sáng lập và phó hiệu trưởng của Cornell Tech, trường sau đại học định hướng công nghệ số do Đại học Cornell ở New York thành lập. Hiện ông giữ chức chủ tịch hội đồng Quỹ John D. và Catherine T. MacArthur, là thành viên hội đồng quản trị của Corning Inc. và Amazon.com.

Nhà khoa học máy tính Daniel Huttenlocher. Ảnh: M. Scott Brauer

Nhà khoa học máy tính Daniel Huttenlocher. Ảnh: M. Scott Brauer
 
Bên trên