Thử nghiệm NVIDIA GeForce RTX 4070 Ti, liệu xứng đáng với 799 USD?

toringuyen0509

Well-known member

mig0

+ Theo dõi
một giờBình luận: 5

Thông báo
Thử nghiệm NVIDIA GeForce RTX 4070 Ti, liệu xứng đáng với 799 USD?


NVIDIA GeForce RTX 4070 Ti là mẫu card đồ họa thứ 3 dựa trên nền tảng kiến trúc Ada Lovelace, tiếp theo sau RTX 4090 và RTX 4080 vừa qua. Với mức giá đề xuất 799 USD, RTX 4070 Ti liệu có xứng đáng hay đủ sức hấp dẫn người dùng, khi mà MSRP cao hơn 200 USD (~33.4%) so với RTX 3070 Ti, nhưng bù lại hiệu năng lại so kè cùng RTX 3090 Ti?

Hơi đáng tiếc rằng NVIDIA không sản xuất Founders Edition cho RTX 4070 Ti, người dùng chỉ có thể lựa chọn mẫu mã từ các đối tác AIB. Trong khuôn khổ bài viết này, mình chia sẻ với anh em những kết quả thử nghiệm cùng 2 sản phẩm thuộc dòng cao, gồm ASUS ROG Strix Gaming GeForce RTX 4070 Ti OC Edition (ROG-STRIX-RTX4070TI-O12G-GAMING) và GIGABYTE AORUS GeForce RTX 4070 Ti MASTER 12G (GV-N407TAORUS M-12GD). Riêng mẫu AORUS, anh em có thể xem bài trên tay của mod @P.W nhé.


Trên tay Gigabyte RTX 4070 Ti Aorus Master
Cuối cùng thì Nvidia cũng chính thức ra mắt mẫu card đồ họa trang bị GPU AD104, với 12GB VRAM công nghệ GDDR6X, nhưng thay vì gọi là RTX 4080 12GB thì chúng ta sẽ quên cái tên ấy đi, thay vào đó là RTX 4070 Ti.
tinhte.vn



Nếu chỉ nhìn sơ về ngoại hình, các mẫu RTX 4090, RTX 4080 và RTX 4070 Ti trong dòng sản phẩm ROG Strix Gaming cơ bản giống nhau, khá khó phân biệt trừ khi anh em soi vào khối lá nhôm. ROG-STRIX-RTX4070TI-O12G-GAMING có độ dày chiếm 3.15 khe PCI, dài 336 mm, sở hữu bộ khung tản nhiệt chắc chắn, chất liệu kim loại, bên trên trang trí bằng các mảng xanh đỏ cùng logo cách điệu.
thu-nghiem-nvidia-geforce-rtx-4070-ti-tinhte-2.jpg


Hầu như các mẫu card Ada Lovelace mà ASUS sản xuất đều dùng chung thiết kế theo dòng sản phẩm ROG Strix Gaming hoặc TUF Gaming. Trừ khi kiểm tra tem nhãn hay trực tiếp so sánh 2 sản phẩm, anh em gần như rất khó để phân biệt được. Quạt làm mát Axial-tech là loại 11 cánh thay vì 7 cánh cải tiến, 3 quạt quay ngược chiều nhau nhằm hạn chế nhiễu động luồng khí. Card trang bị LED RGB ở dòng chữ Republic of Gamers cạnh trên, ngoài ra phần đuôi cũng có dải đèn trang trí, tương thích với các phần mềm đồng bộ hóa hiệu ứng.
thu-nghiem-nvidia-geforce-rtx-4070-ti-tinhte-5.jpg


Mặt lưng ROG Strix Gaming GeForce RTX 4070 Ti OC Edition vẫn là 1 tấm backplate lớn, có khe ở ở đuôi để luồng gió xuyên qua thân card, tránh khí nóng ứ đọng, tăng cường hiệu quả làm mát. Card bố trí 5 cổng xuất tín hiệu hình ảnh, gồm 2 cổng HDMI 2.1 và 3 cổng DisplayPort 1.4a, cách bố trí các cổng này cũng khác so với Strix RTX 4080 và RTX 4090.
thu-nghiem-nvidia-geforce-rtx-4070-ti-tinhte-13.jpg

thu-nghiem-nvidia-geforce-rtx-4070-ti-tinhte-12.jpg


Mình so sánh ROG-STRIX-RTX4070TI-O12G-GAMING và GV-N407TAORUS M-12GD thì sản phẩm AORUS dày hơn và cũng dài hơn, khi cầm trên tay cho cảm giác nhẹ hơn mẫu Strix. ASUS họ bo tròn cạnh giúp cầm nắm dễ dàng hơn, trong khi GIGABYTE chuộng kiểu vuông vức.
thu-nghiem-nvidia-geforce-rtx-4070-ti-tinhte-17.jpg


Mình có 1 chút thất vọng khi RTX 4070 Ti không có lựa chọn Founders Edition. Xét về cả ngoại hình lẫn cảm giác, Founders Edition vẫn có chút gì đó cuốn hút và cứng cáp. Có thể hiệu năng làm mát và cả sự thiếu sót về LED RGB là đã rõ ràng khi so với những mẫu card custom, nhưng Founders Edition thôi thúc người dùng muốn sở hữu, chưa kể đến sản phẩm sẽ được bán ở mức giá đề xuất.

Trái tim của NVIDIA GeForce RTX 4070 Ti là GPU AD104 bản hoàn chỉnh (AD104-400), sản xuất trên node N4 của TSMC, kiến trúc Ada Lovelace. Con chip có diện tích đế 295 mm2, chứa bên trong 35.8 tỉ transistor, gồm 60 Streaming Multiprocessor, 7680 nhân CUDA, 240 TMU và 80 ROP. Số lượng Tensor Core trên RTX 4070 Ti là 240, trong khi RT Core là 60. Card hoạt động ở mức xung gốc 2310 MHz, bộ nhớ đồ họa GDDR6X dung lượng 12 GB, tốc độ 21 Gbps, băng thông 504 GBps cùng độ rộng 192 bit.
thu-nghiem-nvidia-geforce-rtx-4070-ti-tinhte-9.jpg


Ada Lovelace GPU được thiết kế để mang lại hiệu năng cực mạnh cho ray tracing và đồ họa dựa trên nền tảng AI. Sức mạnh của Ada Lovelace so với thế hệ Ampere tăng lên từ 2 đến 4 lần, mở ra 1 thời điểm mới khi mà ứng dụng đồ họa ray tracing trở nên phổ biến hơn. Từng SM trong AD10x GPU có 128 CUDA Core, 1 RT Core thế hệ thứ 3, 4 Tensor Core thế hệ thứ 4, 4 Texture Unite, Register File dung lượng 256 KB và bộ nhớ chia sẻ L1 128 KB. Phần Shared Memory này có thể được cấu hình theo nhiều kích cỡ khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của công việc đồ họa hoặc tính toán. L2 cache trên Ada là sự khác biệt hoàn toàn so với Ampere, với 98304 KB, gấp 16 lần so với chỉ 6144 KB ở thế hệ trước. Tất cả các ứng dụng và tác vụ phức tạp như ray tracing (đặc biệt là path tracing) đều sẽ hưởng lợi rất lớn từ dung lượng L2 cache khổng lồ này.


Một trong những công nghệ đáng chú ý được giới thiệu trên Ada Lovelace là DLSS 3. Đây là bước tiến mới của đồ họa AI phục vụ trong ngành giải trí tương tác. Điểm nhấn của DLSS 3 chính là việc không chỉ có nhân tensor giải quyết vấn đề tăng độ phân giải khung hình render, mà cụm chip xử lý Optical Flow Accelerator cũng sẽ vận hành để “học” từng khung hình, rồi tự “vẽ” ra những khung hình mới giữa khoảng thời gian CPU và GPU hoạt động để xử lý game.
thu-nghiem-nvidia-geforce-rtx-4070-ti-tinhte-15.jpg


DLSS 3 là sự kết hợp những kinh nghiệm mà NVIDIA đã có được qua 2 thế hệ đầu tiên với nhân xử lý Optical Flow Accelerator thế hệ mới, chỉ xuất hiện ở Ada Lovelace. Một khung hình render ở độ phân giải native sẽ được gửi cho cùng lúc 2 cụm chip xử lý, nhân Tensor và OFA. Tensor Core sẽ xử lý nâng cấp hình ảnh không khác nhiều so với DLSS 2.3 hiện tại, rồi trả tiếp khung hình đã xử lý cho OFA để cụm chip tăng tốc này học dữ liệu motion vector, tạo ra 1 khung hình hoàn toàn mới dựa vào dữ liệu có sẵn. Nó đọc được điểm ảnh nào là vật thể, điểm ảnh nào là bóng đổ, nơi nào ánh sáng chiếu vào. Nói cách khác, cứ 2 khung hình tạo ra, 1 từ SM của GPU và 1 từ nhân Tensor, thì 1 khung hình mới được tạo ra và hiển thị lên màn hình. Điều đáng nói nhất là mọi thứ được tạo ra từ cụm chip tăng tốc, chứ không bắt CPU phải vẽ khung xương đa giác trước khi GPU xử lý phủ vật thể và tính toán hiệu ứng đồ họa, tạo thành khung hình hoàn chỉnh.

Cấu hình thử nghiệm
  • CPU: Intel Core i9-12900KS
  • Mainboard: ASUS Maximus Z690 Hero
  • RAM: Corsair Dominator Platinum DDR5-6000 32 GB
  • SSD: AORUS Gen 4 SSD 1 TB
  • Tản nhiệt: ASUS ROG Ryuo III 360 ARGB
  • PSU: Corsair HX1200i
  • OS: Windows 11
  • VGA: NVIDIA GeForce RTX 4090 Founders Edition; NVIDIA GeForce RTX 4080 Founders Edition; ASUS ROG Strix Gaming GeForce RTX 4070 Ti OC Edition; GIGABYTE AORUS GeForce RTX 4070 Ti MASTER 12G; AMD Radeon RX 7900 XTX; AMD Radeon RX 7900 XT; ASUS TUF Gaming GeForce RTX 3090 Ti OC
thu-nghiem-nvidia-geforce-rtx-4070-ti-tinhte-gpu-z.jpg


Cả 2 sản phẩm RTX 4070 Ti của ASUS và GIGABYTE đều đã được ép xung sẵn, mình tiến hành hạ xung trên mẫu ROG Strix Gaming xuống mức mặc định 2610 MHz để so sánh. Đầu tiên, mức ép xung của AORUS và ROG không giống nhau, tương ứng 2670 MHz và 2760 MHz, cách biệt khoảng hơn 3%. Mình thử nghiệm bằng FurMark, kéo hết công suất trong khoảng 7 phút để nhiệt độ ổn định, card đặt trong thùng máy mở nắp hông, nhiệt độ phòng có máy lạnh khoảng 28 độ C.
thu-nghiem-nvidia-geforce-rtx-4070-ti-tinhte-furmark-gigabyte.jpg

thu-nghiem-nvidia-geforce-rtx-4070-ti-tinhte-furmark-asus.jpg



Kết quả test cho thấy nóng hơn cả là mẫu ROG Strix với 67 độ C, trong khi AORUS chỉ 61 độ C, tuy nhiên nếu chỉ nhìn nhiệt độ, đây chưa phải toàn bộ bức tranh. Số liệu ghi nhận bởi GPU-Z cho thấy quạt của đại diện ASUS chỉ quay ở tối đa 51% (~1600 RPM), trong khi phía quạt GIGABYTE chạy ở 71% (~1800 RPM), độ ồn lớn hơn. Tổng công suất tiêu thụ của toàn bộ bo mạch card ASUS là dao động trên dưới 283 W, GPU tiêu thụ trên dưới 259 W thì GIGABYTE AORUS tốn nhiều điện hơn, tương ứng 295 W và 272 W. Mình cũng nhắc lại rằng mẫu ROG-STRIX-RTX4070TI-O12G-GAMING có xung boost GPU cao hơn mẫu GV-N407TAORUS M-12GD (2760 MHz và 2670 MHz).
thu-nghiem-nvidia-geforce-rtx-4070-ti-tinhte-3dmark.JPG


3DMark là phép thử tổng hợp không xa lạ gì với người dùng máy tính, nhất là những anh em có biết về game hoặc phần cứng. Phần mềm 3DMark do UL cung cấp, gồm nhiều phép thử trải dài qua các tính năng cũng như tập lệnh đồ họa khác nhau, từ đó cho khả năng linh hoạt khi cần đánh giá sức mạnh đồ họa hay tính toán trong nhiều tình huống. Thông thường khi đánh giá card đồ họa, mình sẽ sử dụng phép thử Time Spy (Extreme, Ultra) để kiểm tra khả năng xử lý thuần API DirectX 12; Port Royal để thử khả năng đáp ứng các tựa game ray tracing hiện tại kết hợp với đồ họa DirectX.
thu-nghiem-nvidia-geforce-rtx-4070-ti-tinhte-cyberpunk.JPG


Cyberpunk 2077 không chỉ là 1 tựa game đơn thuần mà còn có thể coi là tác phẩm nghệ thuật, được game thủ mong chờ nhất năm 2020. Cyberpunk lấy bối cảnh vào năm 2077 tại Night City - 1 thành phố phồn vinh nhưng không kém phần hỗn loạn. Người chơi nhập vai nhân vật V, nghề nghiệp là lính đánh thuê, sở hữu khả năng chiến đấu cận chiến và tầm xa, cũng như học được các kỹ năng hack và vận hành máy móc. Mục đích có cơ thể bất tử, V dấn thân vào những cuộc chiến, thực hiện phi vụ trên khắp thành phố để hiện thực ước mơ.
thu-nghiem-nvidia-geforce-rtx-4070-ti-tinhte-god-of-war.JPG


God of War là tựa game hành động phiêu lưu có bối ảnh thần thoại Bắc Âu. Kratos - nhân vật chính trong game là 1 chiến binh và tướng lĩnh người Sparta - biệt danh 'Ghost of Sparta'. Liên tục bị các vị thần lợi dụng và gieo rắc đau khổ, Kratos trở nên căm ghét thần linh mặc dù bản thân anh cũng là một bán thần. Nhiều năm sau các sự kiện diễn ra trong God of War III, Kratos lúc này đã rời bỏ Hy Lạp để đến cõi Midgard ở Bắc Âu. Tại đây, anh đã kết hôn với một người phụ nữ tên là Faye và họ có với nhau một người con trai Atreus. Kratos và Atreus đã dấn thân vào một cuộc hành trình gian nan để thực hiện ước nguyện cuối cùng của Faye trước khi cô qua đời.
thu-nghiem-nvidia-geforce-rtx-4070-ti-tinhte-red-dead.JPG


Red Dead Redemption 2 là tựa game hành động phiêu lưu - phần thứ 3 trong loạt Red Dead, đồng thời cũng là tiền truyện của Red Dead Redemption. Game lấy bối cảnh năm 1899, theo sau các chiến công của một kẻ ngoài vòng pháp luật - Arthur Morgan, thành viên của băng đảng Van der Linde, ở một phiên bản hư cấu của vùng Western, Trung Tây và Nam Hoa Kỳ. Arthur vừa phải đối phó với sự suy tàn của Miền Tây hoang dã vừa phải cố gắng chống lại lực lượng chính phủ, các băng đảng đối thủ và những kẻ địch khác. Phần kết của trò chơi nói về một thành viên trong băng đảng là John Marston, nhân vật chính của Red Dead Redemption.
thu-nghiem-nvidia-geforce-rtx-4070-ti-tinhte-far-cry.JPG


Phần thứ 6 của Far Cry Series lấy bối cảnh tại Yara, một hòn đảo hư cấu vùng Caribe (lấy cảm hứng từ Cuba và có thể coi là sân chơi Far Cry lớn nhất) nằm dưới sự cai trị của chế độ độc tài "El Presidente" Antón Castillo, kẻ đang nuôi dạy đứa con trai tên Diego tuân theo sự cai trị của hắn. Game thủ sẽ vào vai 1 chiến binh du kích mang tên Dani Rojas, cố gắng lật đổ Castillo và chế độ này.
thu-nghiem-nvidia-geforce-rtx-4070-ti-tinhte-deathloop.JPG


Với Deathloop, game thủ sẽ nhập vai Colt Vahn, một người mắc kẹt trên hòn đảo Blackreef trong vòng lặp thời gian. Vài chục năm trước, Blackreef được Egor Serling, một nhà khoa học phát hiện ra có thể tạo ra những đứt gãy không gian - thời gian, dẫn đến việc có những người trải nghiệm một ngày lặp đi lặp lại. Vậy là nhà khoa học ấy thành lập chương trình Aeon để nghiên cứu cách lợi dụng đứt gãy trải nghiệm được trên hòn đảo này để… biến con người trở thành bất tử. Serling kết hợp với những người khác để triển khai chương trình Aeon, ví dụ như Wenjie Evans, khoa học gia tạo ra vòng lặp, Aleksis Dorsey, người cấp vốn cho chương trình, hay Harriet Morse, kẻ đứng đầu giáo phái Eternalist, quy tụ những thành viên muốn trở nên bất tử hoặc chỉ thích tiệc tùng chè chén không có ngày mai (vì ngày mai giống hệt hôm trước thì sợ gì). Tổng cộng, có 8 thành viên mà Colt cho rằng, để vòng lặp đứt gãy, đưa anh trở lại cuộc sống bình thường thì chỉ cần giết đủ 8 con người này là xong.

Những kết quả thử nghiệm cho thấy RTX 4070 Ti là 1 card đồ họa có sức mạnh rất ổn với độ phân giải QHD và hơn thế nữa. Tương tự như những tin đồn trước khi ra mắt chính thức, RTX 4070 Ti hoàn toàn so kè sòng phẳng với flagship đời Ampere - tức RTX 3090 Ti - có hơn, có thua, nhưng không quá nhiều. Một số phép thử, con chip AD104 hoàn hảo còn qua mặt cả RX 7900 XT, trong khi xét về khía cạnh ray tracing thì vượt trội hơn hẳn, kể cả là RDNA 3 đầu bảng.
thu-nghiem-nvidia-geforce-rtx-4070-ti-tinhte-1.jpg


Mức giá 799 USD đề xuất dành cho những lựa chọn RTX 4070 Ti đơn giản nhất (tản nhiệt, xung mặc định) khi về đến Việt Nam vào khoảng 25 đến 28 triệu đồng. Đây là mức giá phải nói là rất bất ngờ nếu anh em vẫn nhớ lúc RTX 3090 Ti ra mắt có MSRP đến 2000 USD. Rẻ hơn 100 USD so với RX 7900 XT (khoảng 12.5%) nhưng hiệu năng của RTX 4070 Ti không thua kém nhiều, chưa kể những điểm nổi trội hơn về driver, khả năng làm việc, độ ổn định, phần mềm hỗ trợ... đại diện Ada Lovelace thứ 3 gần như chiếm quá nhiều ưu thế để làm lu mờ vài % hiệu năng thấp hơn. Nói đi cũng phải nói lại, đấy là khi anh em mua được với mức giá đề xuất của NVIDIA - 799 USD (chưa tính các loại thuế).
 
Bên trên