Thúc đẩy quảng bá văn hóa, du lịch từ các chương trình thực tế

tran hương

Well-known member
Bên cạnh những show diễn ca nhạc tầm cỡ quốc tế được tổ chức tại Việt Nam thì các chương trình thực tế, gameshow cũng đem lại những lợi ích lớn cho ngành du lịch nước nhà.
Show thực tế Hành trình kỳ thú - Let's Feast Việt Nam sẽ giới thiệu và quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam tới bạn bè trên thế giới.
Show thực tế "Hành trình kỳ thú - Let's Feast Việt Nam" sẽ giới thiệu và quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam tới bạn bè trên thế giới.
Những năm gần đây, các chương trình thực tế, gameshow về du lịch đều có điểm đến là những danh lam thắng cảnh, những món ăn ngon, trải nghiệm văn hóa địa phương... Đây được coi là tiềm năng, cơ hội để quảng bá những vẻ đẹp độc đáo, hấp dẫn của du lịch Việt Nam đối với công chúng.
Khi các chương trình này được phát sóng trên nhiều nền tảng mạng xã hội, du lịch Việt Nam sẽ được quốc tế biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, mảng này vẫn chưa thực sự được đẩy mạnh trên các kênh truyền hình, thậm chí, có những chương trình không thể đi đường dài vì thiếu kinh phí.
Mới đây, nắm bắt được xu thế quảng bá và phát triển của mạng xã hội, của những người nổi tiếng, Cục Hợp tác Quốc tế, BHD, Meta đã thực hiện show thực tế "Hành trình kỳ thú - Let's Feast Việt Nam" với kỳ vọng sẽ đi một hành trình dài để giới thiệu và quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam với bạn bè thế giới.
Theo đó, "Hành trình kỳ thú" với bảy đội chơi gồm 14 nhà sáng tạo nội dung và người nổi tiếng từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á gồm Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam. "Hành trình kỳ thú" đưa các đội đến những địa danh nổi tiếng của Việt Nam để trải nghiệm du lịch và ẩm thực, tham gia những trò chơi thử thách. Từ đó, các thí sinh thực hiện những video, clip quảng bá văn hóa, du lịch, ẩm thực Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Bà Trần Hải Vân, Phó cục trưởng Cục hợp tác quốc tế cho biết: "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian qua đón tiếp nhiều đoàn làm phim đến Việt Nam để quay phim quảng bá về Việt Nam, các chương trình này cũng đã được phủ sóng ở nhiều kênh truyền hình nước ngoài như: CNN, BBC, KBS…

"Hành trình kỳ thú" là chương trình hấp dẫn và quảng bá mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam. Chúng ta cần đầu tư những chương trình gameshow để quảng bá du lịch thay vì chỉ giải trí, hài. Đây là một cơ hội rất lớn cho du lịch Việt Nam".
Ông Khôi Lê, Giám đốc Quốc gia thị trường Việt Nam của Meta cho rằng: "Ẩm thực và du lịch luôn nằm trong nhóm những nội dung được sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất trên cả hai nền tảng Facebook và Instagram của chúng tôi. "Let's Feast Vietnam" là cơ hội đặc biệt cho các nhà sáng tạo hợp tác, sản xuất nội dung và khám phá những trải nghiệm đặc sắc chỉ có tại Việt Nam, từ đó quảng bá về văn hóa và đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế theo một cách mới mẻ và hiệu quả.”
Sau "Tự hào Việt Nam" và nhiều chương trình thuộc Chiến dịch "Facebook vì Việt Nam - FB4VN" năm 2020, đây có thể coi là sự tiếp nối những nỗ lực của Meta trong việc đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế số hậu đại dịch, đặc biệt là ngành du lịch, xây dựng thương hiệu quốc gia về "Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Thực tiễn cho thấy, các chương trình truyền hình thực tế, các gameshow đều có sức lan tỏa và phủ sóng rộng rãi. Nhưng để đi được đường dài, chương trình cần sự đồng hành của các nhà tài trợ.

Bà Bích Hạnh chia sẻ niềm vui khi lần đầu tiên làm chương trình được các nhãn hàng của Việt Nam cùng chung tay, đó cũng là một cách để quảng bá các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt ra thế giới. Các thương hiệu lớn "Made in Vietnam" cùng nhau kết hợp trong một chương trình để quảng bá du lịch Việt Nam hậu Covid -19 với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Rõ ràng đây là một cơ hội cho du lịch Việt Nam.
Tại Hàn Quốc, một trong những quốc gia dẫn đầu về ngành công nghiệp văn hóa và quảng bá văn hóa, họ đã sử dụng các chương trình gameshow truyền hình thực tế để quảng bá cho văn hóa, du lịch rất mạnh mẽ. Điều này nằm trong chiến lược phát triển của quốc gia.
Trong các chương trình của đất nước “xứ sở Kim chi" đều được lồng ghép hình ảnh quốc gia, văn hóa, thành những series, được đầu tư kỹ lưỡng, công phu. Tận dụng tính lan truyền nhanh và tác động mạnh của truyền hình, Chính phủ Hàn Quốc đã đề nghị các nhà đài phải tìm ra biện pháp hữu hiệu để đưa hình ảnh đất nước của mình đến gần hơn với người dân châu Á nói riêng và quốc tế nói chung.
Do đó, dù cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi phải có màu sắc riêng nhưng các kênh truyền hình như SBS, KBS, MBC đều đi chung một hướng là quảng bá hình ảnh đất nước. Điển hình như "Running Man" của đài SBS đã truyền bá văn hóa Hàn Quốc thông qua việc cho dàn khách mặc quốc phục Hanbok ở nhiều số ghi hình, phần nào đã giúp Hàn Quốc khẳng định vẻ đẹp quốc phục của “xứ sở Kim chi”.

Có thể thấy, đây là thời khắc vàng để phát triển và quảng bá du lịch, văn hóa Việt. Hy vọng, với sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành, du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng bứt phá, phát triển có trọng tâm, trọng điểm theo phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Ðiểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", đưa Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
 
Bên trên