Tiến sĩ khó xin việc vì 'thạc sĩ là đủ rồi'

Nguyễn Thị Hồng

Well-known member
Bạn bè tôi nhiều người trình độ tiến sĩ, xin về trường công lập làm giảng viên nhưng bị từ chối với lý do thạc sĩ dạy là đủ rồi.

Trong mấy năm gần đây, tình trạng giáo viên, giảng viên ở các trường công lập xin chuyển công tác sang trường ngoài công lập, hoặc doanh nghiệp đang diễn ra thường xuyên. Đây có thể được coi là thời gian "chảy máu chất xám" cực mạnh của nhiều trường công lập hiện nay, kể cả các trường đã được tự chủ.

Lựa chọn của nhiều giảng viên, giáo viên sau khi rời trường công lập là làm việc ở các trường ngoài công lập, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hoặc mở công ty riêng.

Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở đối với công chức, viên chức được tăng lên 2,34 triệu đồng. Do vậy, lương của giáo viên được tăng lên so với trước. Tuy nhiên, mức lương hiện nay so với sự leo thang của giá cả, giáo viên công tác ở các trường công lập vẫn chưa thực sự có thể yên tâm làm việc, nhiều người vẫn phải vừa giảng dạy vừa làm thêm các việc khác mới đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Năm lý do tôi không học lên tiến sĩ
Năm lý do tôi không học lên tiến sĩ
Đầu tư quá lớn về tiền bạc, thời gian nhưng tương lai không chắc chắc khiến tôi dừng lại ở thạc sĩ. 34
Lương của giáo viên có sự cải thiện nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn thu hút người tài về công tác trong ngành giáo dục, chưa đủ để giữ chân giáo viên giỏi làm việc lâu dài ở trường công lập.

Nguyên nhân của vấn đề này có rất nhiều và ai cũng biết như chế độ lương, thưởng chưa phù hợp, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, công việc phải chịu áp lực lớn từ học sinh, sinh viên, phụ huynh, nhà trường và cả xã hội... Tuy nhiên, còn có một số nguyên nhân khác vẫn tồn tại bao nhiêu năm nay chưa thể giải quyết được.

Bản thân tôi và các bạn đại học cùng khóa của tôi là những sinh viên được đào tạo chính quy ngành tiếng Trung Quốc sư phạm khóa 33, trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc Gia Hà Nội. Nếu nghĩ theo cách thông thường thì tốt nghiệp cử nhân hệ sư phạm thì sẽ làm giảng viên, giáo viên.

Nhưng thực tế không phải như vậy. Cả lớp đại học của tôi chỉ có hai người được làm đúng nghề, còn lại đều phải làm trái nghề như phiên dịch, kinh doanh, xuất khẩu lao động, nhân sự...

Không phải chúng tôi không thích làm nghề giáo mà phần lớn là chúng tôi không xin về được các trường để làm giảng viên, giáo viên. Bởi lẽ, muốn xin vào được các trường đều phải có mối quan hệ với người của trường đó giới thiệu, đề cử.

Nếu chỉ xem thông tin tuyển dụng trên báo mà đăng ký thi tuyển vào viên chức với chức danh nghề nghiệp giảng viên, giáo viên thì khả năng thi đỗ vào các trường công lập là rất hiếm, nếu thi đỗ thì chắc chắn đó là trường ngoài công lập.

Lý do dễ hiểu là các vị trí tuyển dụng đều đã có sẵn người đang làm hợp đồng ở trong trường, khi tổ chức thi tuyển thì những người lạ ở bên ngoài không có mối quan hệ gì thì làm sao có nhiều lợi thế bằng những người đã làm hợp đồng nhiều năm ở trong trường.



Nếu chỉ là cử nhân thì khó xin việc cũng là bình thường. Tuy nhiên, có những trường hợp bạn tôi là thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không thể xin được vào giảng dạy ở các trường công lập. Hoặc có người là tiến sĩ nhưng xin về trường công lập làm giảng viên. Hiệu trưởng đồng ý nhận nhưng trưởng bộ môn không đồng ý nhận với lý do bộ môn không cần đến tiến sĩ dạy, thạc sĩ dạy là đủ rồi.

Bộ môn không gửi giấy đề xuất xin người lên phòng Tổ chức cán bộ nên Hiệu trưởng không dám quyết đưa tiến sĩ về bộ môn, đành đưa về phòng ban làm chuyên viên. Những câu chuyện buồn như thế này đều là những câu chuyện có thật đang xảy ra trong thực tế.

Ngành Giáo dục cứ trăn trở về vấn đề giáo viên bỏ nghề trong khi rất nhiều thế hệ sinh viên được đào tạo chính quy hệ sư phạm lại không có cơ hội được làm đúng nghề đào tạo, phải làm trái ngành.

Thậm chí là mất bao nhiêu năm học lên thạc sĩ, tiến sĩ với mong muốn làm nghề giáo viên nhưng rồi cũng phải làm trái ngành, không được đứng trên bục giảng, không phát huy được năng lực, không sử dụng được những kiến thức đã được học vào công việc, tiến sĩ cũng chỉ bố trí làm chuyên viên ở phòng ban.

Nhiều bạn bè của tôi dù rất yêu nghề giáo không được làm đúng nghề nên đã lựa chọn ngoài làm công tác chuyên môn ở cơ quan ra, xin đi dạy thỉnh giảng ở các trường ngoài công lập để vừa được làm công việc mình yêu thích vừa có thêm thu nhập lo cho gia đình.
 
Bên trên