Tiếng kẻng đe kẻ gian ở khu phố yên bình

LAM SPS BC

Well-known member
Tiếng kẻng đe kẻ gian ở khu phố yên bình
Khi tiếng kẻng dồn dập vang lên, dân làng hiểu có người trong xóm đang bị đe dọa tính mạng, có kẻ gian lẻn vào... nên hò nhau chạy tới bảo vệ.

Gần nửa năm nay, đến 22h mỗi ngày, ba hồi kẻng "keng! keng! keng!" lại vang lên khắp phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Kẻng dứt, nhà nhà kiểm tra cổng, cất, khóa xe, giục con em chuẩn bị đi ngủ.
Chị Nguyễn Thị Phương, tổ dân phố Đình Trang vui vẻ khoe, bây giờ dân phường Lam Hạ đi ngủ đúng giờ, thanh niên không còn tụ tập, chơi bời lúc đêm khuya.
tieng-keng-de-ke-gian-o-khu-pho-yen-binh
Nội quy sử dụng kẻng được treo ngay cạnh điểm đặt kẻng.
Thiếu tá Trương Quang Hà, Phó trưởng Công an phường Lam Hạ chia sẻ tiếng kẻng thân quen với người dân vừa kể chính là mô hình “tiếng kẻng an ninh” đang thí điểm thực hiện. Mới hơn nửa năm trước, tháng nào cũng có vài hộ gia đình bị bắt trộm chó. Nạn trộm cắp vặt xảy ra như cơm bữa. Một số đàn ông ngang nhiên “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ con mỗi khi say xỉn nhưng người thân, hàng xóm không dám can ngăn, tố cáo. Nhiều vụ cướp giật xảy ra ở một số đoạn phố mới, vắng vẻ. Vì vậy, chính quyền sáng tạo tiếng kẻng truyền thống báo việc làng trở thành "tiếng kẻng báo động an ninh".
Theo quy định, nếu có cháy, trộm cắp hay người dân bị tấn công... , “tiếng kẻng khẩn cấp” sẽ được gõ liên hồi, dồn dập. Các tổ, chốt an ninh triển khai nghe báo hiệu thì chốt chặn, vây bắt, áp giải người bị tình nghi hay thủ phạm đến nhà văn hoá gần nhất chờ công an phường tới giải quyết. Người dân được công an hướng dẫn không đánh hội đồng hay "tự xử" kẻ trộm.
Còn “tiếng kẻng cảnh giác” vang lên đều đặn vào lúc 22h báo hiệu giờ sinh hoạt của một ngày sắp hết. Thanh niên nếu còn tụ tập ngoài đường thì mau giải tán về nhà nghỉ. Nhà có đám hiếu hỉ cũng dừng mở nhạc… Tiếng kẻng như lời nhắc nhở bảo vệ cơ quan, trường học, gia đình tự kiểm tra tài sản, khóa cửa, khóa cổng trước khi đi ngủ. Đến 23h, tổ công tác công an phường sẽ đi tuần tra một lượt.
Toàn phường treo 7 chiếc kẻng, trong đó hai chiếc làm từ vỏ bom vỡ được tỉnh cho, còn lại từ vành xe ôtô cũ. Những người gác kẻng cũng tình nguyện “canh” 24/24h không cần phụ cấp hay lương. Kẻng được lắp ngay cổng nhà dân, nếu người gác kẻng đi vắng, ai cũng có thể gõ thay.
“Chúng tôi xây dựng quy tắc gõ kẻng và cách giải quyết sự việc để mỗi người dân trong phường đều thấy có trách nhiệm bảo vệ tài sản không chỉ của mình mà còn cả bà con lối xóm", thiếu tá Hà chia sẻ.
Tiếng kẻng cứu mạng người
Tối muộn giao thừa 2017 vừa qua, có người nhìn thấy đám thanh niên xăm trổ đầy người cầm theo hung khí, đi xe máy kẹp 3 kẹp 4 lao vào sân nhà ông hàng xóm nên hốt hoảng gọi điện thoại cho người gác kẻng ở gần nhất.
Những hồi kẻng dồn dập vang lên, người dân từ khắp các nhà chạy rầm rập ra ngõ rồi gọi nhau, lao về phía nhà người đàn ông. Thấy đoàn người kéo đến ngày một đông, đám thanh niên bặm trợn phải rút lui.
tieng-keng-de-ke-gian-o-khu-pho-yen-binh-1
Phó trưởng công an phường Lam Hạ, thiếu tá Trương Quang Hà giới thiệu về mô hình.
Gia chủ cám ơn dân làng đã cứu cả gia đình ông “thoát chết trong gang tấc” bởi đám thanh niên kia đi đòi nợ thuê, đe dọa ép ông trả ngay khoản nợ nếu không bước sang thời khắc năm mới sẽ “lấy mạng” thay tiền.
Ông bảo khi nghe tiếng kẻng đã thầm "lạy trời" vì may mắn.
Trộm chó không dám bén mảng

Ông Trịnh Quang Nhàn, ở tổ dân phố Quang Ấm kể, một trưa cuối đông 2016, đường phố vắng vẻ bỗng vang lên những hồi kẻng không dứt cùng tiếng hô hoán “có trộm chó, có trộm chó”. Người già, thanh niên, phụ nữ, trẻ nhỏ ùa ra, hò nhau đuổi theo hai thanh niên đang phóng xe máy tháo chạy, kéo theo con chó đã chết vì bị chích điện.

Phóng vượt lên để "cắt đuôi" người truy đuổi phía sau, hai thanh niên lao ra đường lớn song không ngờ thấy nhiều người cầm gậy đứng đợi sẵn. Cùng đường, họ gấp ngã xuống đất, sợ hãi. Nhưng người dân ở đây không ai lao vào hành hung mà chỉ khép vòng vây, chờ công an phường tới áp giải.

Ông Nhàn bảo, sau một số vụ cả làng bao vây thế này, nhiều tháng nay "cẩu tặc" không dám bén mảng tới đây.

Đàn ông không dám đánh vợ vì sợ nghe kẻng

Trong phường có một số đàn ông thường uống rượu say rồi lăng mạ, đánh vợ. Những vụ bạo hành, to tiếng xảy ra thường xuyên. Nhưng từ khi có quy định nếu phát hiện những hành vi như thế thì báo hiệu kẻng để chính quyền, bà con tới can thiệp thì nhiều ông chồng đã chùn tay.

tieng-keng-de-ke-gian-o-khu-pho-yen-binh-2
Vành xe ôtô cũ được sử dụng làm kẻng.
Ông Nguyễn Tất Tăng, một người tình nguyện gác kẻng ở tổ dân phố Đường Ấm kể, có người đàn ông thường xuyên gây sự, chửi bới vợ mỗi khi say rượu. Người vợ cam phận chịu đựng nhiều năm. Hàng xóm không dám ra mặt bênh vực hay báo chính quyền vì sợ người đàn ông này “thù”. Nhưng một đêm, ông ta gây sự dọa ném vợ vào bể nước thì có người biết chuyện đã bất bình gõ kẻng báo dân làng. Vài phút sau cả đoàn người kéo đến nhà ông này. Từ lần đó, người dân thấy người chồng ấy "ngoan" hơn.

Trong phường, các cuộc cãi vã, đánh chửi trong gia đình cũng giảm hẳn.
 
Bên trên