Tinh thần trách nhiệm trong công việc là gì?

Lê Linh

Administrator
Staff member
Tất cả các công ty đều dựa vào nhân viên để duy trì mọi hoạt động và phát triển.
Nhân viên cần nhận thức được các kỳ vọng và nỗ lực đạt được, trong khi người quản lý và ông chủ cần đảm bảo các chính sách được tuân thủ, đáp ứng mong đợi của nhân viên. Những yếu tố đó còn được gọi là tinh thần trách nhiệm trong công việc.
Tinh thần trách nhiệm trong công việc là một trong những yếu tố nhà tuyển dụng đòi hỏi ở ứng viên và được đề cập cụ thể trong bản mô tả công việc các vị trí khi đăng tin tuyển dụng. Vậy tinh thần trách nhiệm là gì? Phẩm chất này được thể hiện như thế nào?
1678954756899.png


I. Tinh thần trách nhiệm trong công việc là gì?
Tinh thần trách nhiệm trong công việc là khả năng tự nhận thức, chủ động và nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao, xứng đáng với mức lương bạn nhận, với chức danh công việc bạn đảm nhiệm. Từ giám đốc đến nhân viên đều cần có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Khi bạn làm tốt các nhiệm vụ của mình trong công việc, bạn sẽ hài lòng với bản thân trong khi nhận được sự đánh giá cao của sếp và đồng nghiệp.
Đưa bản thân ra khỏi vùng thoải mái để đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn là một cách tuyệt vời để phát triển bản thân và đạt được những bước tiến lớn trong sự nghiệp. Quá trình cố gắng vì tinh thần trách nhiệm trong công việc có thể không thoải mái và khó khăn nhưng bạn sẽ nhận lại được rất nhiều. Vì vậy, hãy luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng thử thách bản thân để thành công.

II. Các kiểu tinh thần trách nhiệm trong công việc
1. Tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ cụ thể
Mỗi nhân viên trong một công ty, dù là làm toàn thời gian hay bán thời gian, ở vị trí nhân viên hay quản lý đều phải có trách nhiệm hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể ở vị trí đó. Trách nhiệm của nhân viên là thực hiện các công việc được giao một cách tốt nhất trong khi tuân thủ các chính sách và giao thức của công ty, quản lý thời gian và hoà nhập với văn hoá doanh nghiệp. Trong khi đó, quản lý đảm bảo cung cấp môi trường làm việc tích cực và sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của nhân viên cấp dưới.

2. Trách nhiệm cá nhân
Một trách nhiệm chung khác trong công việc áp dụng cho tất cả mọi người là dám nhận lỗi và chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Thay vì đổ lỗi cho đồng nghiệp hoặc đưa ra lời bào chữa, những nhân viên chấp nhận chịu trách nhiệm về sai lầm hoặc phán xét không chính xác sẽ trở thành tài sản tích cực cho tổ chức.
Người quản lý có thể cần có một số cuộc trò chuyện khó khăn với nhân viên để thiết lập kỳ vọng này, nhưng cuối cùng trách nhiệm giải trình như một tiêu chuẩn văn phòng sẽ tạo ra một môi trường làm việc tích cực và hiệu quả.

3. Tinh thần trách nhiệm trong giám sát và lãnh đạo
Trách nhiệm chính của người quản lý là giữ cho nhóm hoặc bộ phận của họ đi đúng hướng để đáp ứng các mục tiêu và đo lường theo tiêu chuẩn của công ty. Một người quản lý tốt cũng chịu trách nhiệm phát triển các kỹ năng và chất lượng, hiệu suất của nhân viên dưới sự giám sát của họ.
Bằng cách cung cấp thông tin phản hồi, đào tạo và đưa ra cơ hội thăng tiến, các nhà quản lý tạo ra một môi trường làm việc tích cực, tuân thủ cam kết với công ty. Ngược lại, những vị lãnh đạo có vẻ không quan tâm đến sức khỏe của nhân viên sẽ không có được sự tôn trọng và trung thành của cấp dưới.

4. Trách nhiệm cung cấp và duy trì môi trường làm việc an toàn
Theo quy định của Bộ Lao động, nhà nước yêu cầu tất cả các chủ lao động cung cấp môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Môi trường làm việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn và có thể được kiểm tra, thanh tra bất ngờ. Chủ lao động phải cung cấp và bảo trì các thiết bị an toàn để sử dụng, đăng các dấu hiệu nhắc nhở nhân viên về các giao thức an toàn, cung cấp huấn luyện an toàn thường xuyên và lưu giữ hồ sơ về các thương tích hoặc bệnh tật liên quan đến công việc.

1678954842852.png

5. Trách nhiệm xử lý nghĩa vụ tài chính
Một số nhân viên, đặc biệt là những người trong phòng kế toán hoặc nhân sự, chịu trách nhiệm xử lý chính xác tài chính của công ty. Nếu đảm nhiệm các vị trí này, bạn phải chú ý cẩn thận để lưu trữ hồ sơ chính xác cũng như tuân theo các nghị định, luật liên quan.

6. Trách nhiệm trong ứng xử
Trong công ty, tất cả nhân viên từ cấp quản lý trở xuống nên tìm cách tự hành xử một cách chuyên nghiệp, không chỉ trong công việc mà cả ngoài công việc. Mọi người nên tuân thủ các nguyên tắc chính sách kinh doanh và quy tắc ứng xử và được coi là một tiêu chuẩn để đại diện cho công ty trước các nhà cung cấp và khách hàng, công chúng. Bên ngoài công việc, tính chính trực của mỗi cá nhân có thể phản ánh "bộ mặt" của công ty.

III. Doanh nghiệp cần làm gì để đánh giá tinh thần trách nhiệm của nhân viên?
Việc đánh giá tinh thần làm việc của nhân viên công ty là vô cùng khó khăn bởi trên thực tế, không có một tiêu chuẩn hay bộ tiêu chuẩn cụ thể nào để đánh giá một cách thẳng thắn và cụ thể. Có người luôn đề cao trách nhiệm với những công việc cá nhân được giao trong khi số khác lại cho rằng công việc chung cần được hoàn thành trước khi nghĩ đến việc riêng. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà lãnh đạo công ty cần phải cân nhắc thế nào mới là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
Các công ty có thể tổ chức các cuộc gặp mặt với nhân viên, mỗi tháng một lần hoặc một năm 1 - 2 lần để tìm hiểu về công việc mà họ đang làm, cách thức làm việc và cả thái độ của họ đối với công việc hiện tại. Đây là một trong những cách hiệu quả nhất bởi sẽ mang lại cho những người quản lý và lãnh đạo công ty cái nhìn toàn diện và khách quan về việc làm của nhân viên trong tháng/năm qua.
Bộ phận nhân sự cũng có thể đánh giá tinh thần làm việc của nhân viên trong công ty bằng cách chấm điểm các yếu tố như chuyên cần, độ tin cậy trong công việc, khả năng có mặt trong những trường hợp khẩn cấp, ... Sẽ rất khó để nói một nhân viên có trách nhiệm đối với công việc hay không một cách chung chung; tuy nhiên, khi được chia thành các tiêu chí nhỏ hơn thì việc đánh giá sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Đôi khi, những biểu hiện đơn giản như luôn luôn đi làm đúng giờ cũng rất đáng được tuyên dương.

1678954879734.png
 
Bên trên