'Tôi làm mẹ lười một cách có chủ ý và sự lười đó giúp 3 con tôi trở nên tự lập, chủ động như ngày hôm nay'

hoàinam

Well-known member
Nuôi dạy con theo kiểu 'mẹ lười' không dễ dàng như nhiều người vẫn tưởng, bởi phương pháp này đòi hỏi cha mẹ phải thật kiên nhẫn.
Brooke Hampton, một cây viết, nữ doanh nhân sống tại Texas, Mỹ đã chia sẻ trên Facebook câu chuyện dạy con của mình.

"Đây là bức ảnh con gái 13 tuổi của tôi đang ngồi tính toán các loại chi tiêu gia đình cuối mỗi tháng. Con gái được giao nhiệm vụ phụ trách ngân sách đi siêu thị của cả nhà.

Thoạt đầu, tôi khá bất ngờ trước rất nhiều chỉ trích của các ông bố bà mẹ xung quanh, rằng tôi hẳn là một người mẹ cực kỳ lười khi giao cho con lắm trách nhiệm như thế. Tôi thì thấy danh hiệu "mẹ lười" như một lời khen vậy."

'Tôi làm mẹ lười một cách có chủ ý và sự lười đó giúp 3 con tôi trở nên tự lập, chủ động như ngày hôm nay' - 1


Cô con gái 13 tuổi của chị Brooke Hampton ngồi tính toán các loại chi tiêu cho gia đình vào cuối tháng. Ảnh: Facebook.

Cô cho biết mình làm "mẹ lười" một cách có chủ ý và sự lười đó giúp 3 con của cô trở nên tự lập, chủ động như ngày hôm nay. Vốn là một người năng động và có nhiều năng lượng, các việc loanh quanh trong nhà cô có thể làm loáng là xong, nhưng cô không muốn xử lý theo cách đó. Brooke muốn các con phát triển tính trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh, bắt đầu từ chuyện tham gia làm việc nhà.

"Tôi rất "cảm kích" khi nhận được những ánh nhìn phán xét và những lời bình luận gay gắt từ một số phụ huynh, cho rằng tôi đang bắt con mình làm những việc "quá sức". Họ có thể phán xét tôi thế nào cũng được, nhưng tôi tin tôi đang dành tặng cho các con một món quà quý giá nhất. Tôi đang từng bước chuẩn bị cho các con hành trang, để rồi dần dần chúng sẽ không cần đến sự có mặt của tôi nữa." - Brooke nói.

Phương pháp "mẹ lười" luôn luôn đúng và có hiệu quả trong mọi trường hợp.

Hầu như 90% các bà mẹ đều có quan điểm, đó là dù con mình có lớn đến đâu thì trong mắt họ vẫn là con nít, tất cả các việc từ đầu đến chân phải tự tay các mẹ làm thì mới yên tâm được. Các bà mẹ như vậy, lúc nào cũng vội vàng, bận tối mặt và cảm thấy mệt mỏi.

Không chỉ thế mà nó còn ảnh hưởng đến cả đứa trẻ, khi chúng cảm thấy có chỗ dựa vững như vậy, lập tức trong tâm trí tạo nên sự lười biếng, không biết cách chăm sóc tốt cho chính bản thân mình mà lúc nào cũng một điều mẹ, hai điều mẹ.

Thay vì mỗi buổi sáng bạn phải hò hét, thúc giục chúng dậy, cảm giác muộn học và bị phạt một lần khiến cho đứa trẻ sẽ tự giác đặt báo thức trước khi đi ngủ. Rồi đi học cần những gì, chúng sẽ tự chuẩn bị đồ vì chúng cần phải biết chúng cần gì, phải mang theo gì.

"Mẹ lười" sẽ học cách thể hiện "sự yếu đuối" của mình, để con thấy không ai có thể giúp con bằng chính con tự giúp mình. Tuy nhiên, các bà mẹ sẽ ở phía sau hướng dẫn con mình suy nghĩ về vấn đề, tạo định hướng nhưng không áp đặt.

'Tôi làm mẹ lười một cách có chủ ý và sự lười đó giúp 3 con tôi trở nên tự lập, chủ động như ngày hôm nay' - 2


Ảnh minh hoạ

Tiến sĩ Kristyn Sommer – Giảng viên khoa tâm lý học phát triển thuộc trường Đại học Queensland (Úc) – cho biết: "Tôi là một bà mẹ siêu siêu lười, vì tôi lựa chọn nuôi dạy con theo kiểu lười biếng. Về cơ bản, tôi ngồi lại và quan sát con mình trong khi con chơi, hay học hành, làm việc. Tôi cố gắng không tham gia vào".

Và tiến sĩ Kristyn tin rằng phương pháp "mẹ lười" sẽ tạo ra những đứa trẻ có "bản sắc riêng", có được sự tự tin và học hỏi nhanh các kỹ năng giải quyết vấn đề. Do đó, bà khuyến khích các ông bố bà mẹ nên học theo những cách "lười biếng" sau đây:

Lười làm việc nhà

Trong suy nghĩ của nhiều cha mẹ, việc nhà như rửa bát, quét nhà, dọn phòng, giặt quần áo… chỉ là việc vặt vãnh. Và thay vì bắt con làm thì thôi mình làm luôn cho nhanh, nhất là khi mỗi lần nhìn "bãi chiến trường" mà con để lại sau khi phụ giúp cha mẹ.

Tuy nhiên, tiến sĩ Kristyn lại cho rằng đây chính là sai lầm phổ biến của các bậc phụ huynh. Bởi vì nếu bạn càng sợ con làm sai, làm bẩn, làm chậm chạp thì trẻ sẽ lại càng ỷ lại và thêm lười biếng.

Thay vào đó, các cha mẹ nên "lười biếng" một chút, hãy sai con những việc lặt vặt như nhặt rau, quét nhà, rửa chén ngay từ khi con còn bé. Hãy tin tưởng, kiên nhẫn, và động viên để các bé có động lực phấn đấu và làm tốt hơn công việc được giao.

Và chính trong quá trình làm những công việc tưởng như là vụn vặt này, trẻ sẽ rèn được tính độc lập, sự kiên nhẫn, và cách giải quyết vấn đề.

"Tôi nghĩ chúng ta thực sự đang đánh giá thấp con trẻ. Chúng có khả năng hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Nhiều bố mẹ đang ra sức kiểm soát quá mức mọi thứ trong cuộc sống và không cho phép con cái có chút thời gian, cơ hội nào để thử và sai. Chúng ta quá bận rộn để trở thành "bố mẹ lười", và chính điều này làm hại con trẻ. Sự thật là, những đứa trẻ được đối xử như thể chúng thật sự có khả năng sẽ trở nên có khả năng thực sự." - Brooke Hampton nói về phương pháp dạy con của mình.

Lười giúp đỡ

Hãy để con làm bài tập về nhà một mình. Mẹ nên tư vấn việc học cho con thay vì huấn luyện chỉ con làm thế này làm thế kia. Mẹ hãy để con có lối tư duy riêng của chúng, đi theo hướng mà chúng nghĩ, không sợ con làm sai mà chỉ sợ con không dám làm.

'Tôi làm mẹ lười một cách có chủ ý và sự lười đó giúp 3 con tôi trở nên tự lập, chủ động như ngày hôm nay' - 3


Ảnh minh hoạ

Lười giặt quần áo cho con

Ngày nay, nhiều trẻ vị thành niên thậm chí còn chưa bao giờ tự giặt quần áo. Quần áo lớn nhỏ, thu đông, xuân hè đều do cha mẹ giặt hết. Thậm chí, một số học sinh nội trú cuối tuần còn mang quần áo về nhà cho bố mẹ giặt. Trẻ hoàn toàn không biết cách tự chăm sóc bản thân, vì vậy cũng khó trân trọng công lao khó nhọc cũng cha mẹ và dễ trở thành đứa trẻ ý lại.

Để làm một bà mẹ lười, cần lắm sự kiên nhẫn và lòng quyết tâm. Bởi vì cách bọn trẻ làm sẽ khó hoàn hảo (ít nhất là lúc đầu), thay vì thế chúng sẽ tạo ra những đống lộn xộn, bừa bãi, các món đồ sẽ cong queo hay bị xáo trộn, nhiều cốc chén bát sẽ vỡ. Rồi bất cứ việc gì chúng làm sẽ kéo dài gấp 4 lần thời gian so với việc bạn tự làm. Và đôi khi vì quá mềm lòng, nên khi thấy con chật vật mãi không xong, chúng ta muốn xắn tay vào giúp ngay - chúng ta muốn cuộc đời dễ dàng hơn chút với trẻ!

Nhưng bạn biết đấy, cuộc sống ngoài kia không dễ dàng chút nào, nó cực kỳ khắc nghiệt. Bạn đang tạo ra những rào cản lớn với sự trưởng thành của con bằng cách không cho phép chúng được chật vật cố gắng để vượt qua từ những việc nhỏ trong nhà hằng ngày.

Lười đưa đón

Hãy để con tự đi bộ hoặc đi xe buýt đến trường khi đủ khả năng. Hay cả những thói quen như tập thể dục, chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe.

Lười đánh thức con dậy vào buổi sáng

Nhiều cha mẹ đau đầu khi phải đánh thức con dậy mỗi sáng. Mặc kệ cha mẹ gọi đi gọi lại nhiều lần, trẻ vẫn làm như không nghe thấy và tiếp tục ngủ như bình thường. Cha mẹ thì cuống cả lên, sợ con đi học muộn. Đến khi tỉnh ngủ rồi, con cũng lờ đờ trong khâu đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, ăn sáng.

Nhưng nếu một ngày nào đó, cha mẹ quên đánh thức con thì sao? Cha mẹ đừng chăm chỉ gọi con quá mức. Đôi khi, hãy lười biếng một chút, thay vì gọi dậy thì đưa con một chiếc đồng hồ báo thức, để con tự hẹn giờ. Nếu đồng hồ báo thức reo mà con không dậy thì cha mẹ cũng đừng vội vã vào phòng gọi con. Hãy để con dậy muộn, đi học muộn và bị thầy cô phạt một lần cho "nhớ đời".

Dần dần khi chuông reo, con sẽ không dám cao su nữa. Thực tế, việc để con tự đặt đồng hồ báo thức sẽ giúp con củng cố ý thức về thời gian, rèn được tính tự lập, tự giác.

Lười "lót đường" cho con

Sau con vừa chào đời, rất nhiều ông bố bà mẹ đã xây dựng sẵn một con đường để con đi. Không những dẹp hết mọi chông gai, mà cha mẹ còn trải sẵn thảm đỏ bằng cách đăng ký cho con mọi khóa học, từ các lớp học thêm trên trường cho đến học tiếng anh, toán… tại các trung tâm, hay tham gia các lớp học năng khiếu như vẽ, đàn, hát, nhảy, võ…

Trong suy nghĩ của các cha mẹ này, nếu không học, không mở đường cho con thì con mình sẽ bị tụt hậu so với những đứa trẻ khác. Và chỉ cần con đạt điểm không cao trong kỳ kiểm tra là đã lo lắng sốt vó.

Tuy nhiên, tiến sĩ Kristyn lại cho rằng chính sự chăm lo thái quá của cha mẹ đã ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Các con mất đi khả năng tìm tòi học hỏi, sự sáng tạo và trí tưởng tượng. Điều này ảnh hưởng không hề nhỏ đến tương lai của con.

Và chỉ có sự đồng hành, hướng dẫn con đưa ra các mục tiêu của mình và động viên con phấn đấu mới chính là phương thức tốt để cha mẹ có thể nuôi dạy nên một đứa con thông minh, sáng tạo, thích nghi và giải quyết vấn đề tốt.

Hãy giúp con (và chính bản thân bạn) bằng cách trở thành một "bà mẹ lười". Hãy lùi lại phía sau và để chúng thử và sai, và thử lại lần nữa.
 
Bên trên