Trịnh Thành Trung
Well-known member
TTH - Tại Festival Nghề truyền thống Huế năm nay, ẩm thực Huế và các vùng, miền tiếp tục được giới thiệu với người dân và du khách, đặc biệt là tôn vinh tinh hoa nghề bún.
Tinh gọn
Diễn ra từ ngày 29/4 đến 2/5 tại công viên Thương Bạc, lễ hội ẩm thực năm nay có chủ đề “Tinh hoa nghề bún” được tổ chức đậm nét không gian văn hóa truyền thống ẩm thực xứ Huế, với nhiều hình thức đa dạng: triển lãm, trải nghiệm, vui chơi, mua sắm. Thu hút khoảng 50 gian hàng, lễ hội ẩm thực giới thiệu ẩm thực truyền thống, các mặt hàng đặc sản của Huế và các tỉnh, thành khác.
Nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực Lê Tân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phú Đạt Gia, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức lễ hội ẩm thực cho hay, lễ hội ẩm thực năm nay thiên về tinh gọn. “Khác với những lần trước không gian đông đúc, chật chội, năm nay, số lượng gian hàng giảm còn một nửa, cách nhau 3-4m để tạo không gian thoáng đãng cho thực khách tham quan, thưởng thức ẩm thực. Tin chắc, lễ hội ẩm thực năm nay sẽ đẹp hơn, vệ sinh hơn và có điểm nhấn”, ông Tân nói.
Ngoài lễ khai mạc với chương trình nghệ thuật tổng hợp “Nước lửa và ẩm thực”, điểm nhấn là tinh hoa ẩm thực truyền thống Huế, lễ hội ẩm thực gồm các hoạt động chính: Diễn xướng hành trình nghề bún; quảng diễn các món từ bún, món ăn Huế và bánh ngọt; không gian ẩm thực trong vườn Huế; ẩm thực Bắc - Trung - Nam; không gian ngày hội của các nhà tài trợ và đêm tôn vinh tấm lòng vì “Huế - Kinh đô ẩm thực”…
Cùng với các gian hàng giới thiệu ẩm thực ba miền đến từ 7 tỉnh, thành, lễ hội ẩm thực còn có 16 gian hàng của các phường, xã trên địa bàn TP. Huế. Các gian hàng sẽ tham gia hội thi “Không gian ẩm thực trong vườn Huế” với các món ăn về bún, sợi, các món ăn truyền thống Huế theo tiêu chí: không gian đẹp, trang trí nên thơ, món ăn ngon và trưng bày đẹp.
Lễ hội ẩm thực năm nay không có lễ bế mạc và đêm tôn vinh giá trị “Huế - Kinh đô ẩm thực” sẽ khép lại lễ hội để mở ra nhiều chương trình khác tôn vinh truyền thống, kiến tạo tương lai.
Tôn vinh nghề bún
Điểm nhấn của lễ hội ẩm thực tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023 là tôn vinh nghề bún, một nghề có lịch sử trên 500 năm ở Thừa Thiên Huế. Tương truyền, một phụ nữ từ Thanh Hóa đến ngụ cư tại làng Vân Cù (Hương Toàn, Hương Trà) mang theo nghề bún và truyền lại đến ngày nay. Hiện nay, tại làng Vân Cù vẫn có đền thờ Bà Bún cạnh đình làng.
Bún bò Huế, món ăn nổi tiếng khắp ba miền
Tại lễ hội ẩm thực, không gian trưng bày hành trình nghề bún sẽ giới thiệu những dụng cụ làm bún từ xưa đến nay của nghệ nhân làng Vân Cù. Các nghệ nhân cũng sẽ diễn xướng hành trình nghề bún thể hiện giá trị lịch sử, tinh hoa của nghề với các công đoạn: chọn gạo, sàng sảy gạo, ngâm gạo, xay bột, bọc gói lọc bột và sản xuất ra sợi bún… Thực khách cũng sẽ được trải nghiệm các món bún lá mắm nêm thịt tai heo, bún con nước mắm nhỉ thịt ba chỉ, bún bò giò heo, bún hến.
Bún Vân Cù – Làng nghề truyền thống, món ăn dân dã độc đáo
Hôm trước mình đã giới thiệu tới anh em các món ăn đặc sản ở Huế như: Bún bò, Bún hến, Bún nghệ..vvv. Ngoài ra, còn có món Bún đậu mắm tôm tuy không phải là đặc sản ở Huế. Nhưng được người Huế rất thích…
tinhte.vn
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Tích chia sẻ: “Thật vinh dự khi làng nghề chúng tôi được trưng bày, thao diễn nghề tại Festival Nghề truyền thống Huế. Chúng tôi đã chuẩn bị dụng cụ sẵn sàng để trưng bày. Bún Vân Cù có lịch sử hàng trăm năm và ngày càng phát triển, được thị trường chấp nhận. Bản thân tôi cũng làm nghề 40 năm. Đây là nghề gia truyền của gia đình được truyền từ đời này sang đời khác”.
Điều đặc biệt tại lễ hội là hầu như gian hàng nào cũng có món ăn được chế biến từ bún. Dự kiến, nếu có nhà tài trợ, ban tổ chức lễ hội sẽ tổ chức chương trình con đường bún Việt để chế biến, trưng bày và mời công chúng trải nghiệm các món ăn từ bún được thực hiện bởi các nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực, master chef đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Miền Bắc có bún thang, bún mọc, bún riêu, bún đậu mắm tôm, bún măng, bún chả cá Lã Vọng, bún lòng, bún cá rô… Miền Trung giới thiệu bún bò giò heo, bún cua huyết, bún riêu cua, bún chay, bún thịt nướng, bún trộn, bún nghệ, bún hến, bún mắm nêm thịt heo, bún giấm nuốt, bún chả cá, bún hải sản. Miền Nam có bún cà ri, bún mắm, bún suông, bún gỏi, bún nước lèo…
Đồng hành cùng lễ hội là một chương trình đặc biệt làm lan tỏa thương hiệu Huế: Nhà nghiên cứu Lê Tân sẽ xác lập kỷ lục Việt Nam với món bún xào thập cẩm “Kiểu Huế” phục vụ 1.000 người ăn tại chỗ bằng chảo 2m. Đây là một trong những món ăn truyền thống của Huế.
Với sự tham gia của 170 người, gồm 20 nghệ nhân nổi tiếng đến từ ba miền Bắc - Trung - Nam, 30 đầu bếp chuyên nghiệp và 100 nhân viên phục vụ khách trải nghiệm sẽ chế biến trực tiếp tại chỗ 1.000 dĩa bún xào thập cẩm với nhiều nguồn nguyên liệu thực phẩm: heo, bò, tôm, nấm, rau củ quả, gia vị địa phương và sợi bún gạo khô được sản xuất theo quy trình công nghệ. “Ở đây không xác lập kỷ lục theo số lượng nhiều hay ít, to hay nhỏ mà xác lập nét văn hóa: bún xào kiểu Huế”, ông Lê Tân nhấn mạnh.
Hội đồng Kỷ lục Việt Nam Vietkings sẽ trực tiếp thẩm định và công nhận trao bằng kỷ lục tại lễ hội cho tác giả và Ban Tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2023, trao chứng nhận đồng chế tác, đồng hỗ trợ thực hiện sản phẩm Kỷ lục Việt Nam cho các đơn vị trực tiếp tham gia. Tiếp đó, thực khách cũng sẽ được tham gia chương trình chào mừng kỷ lục “Lộc bún, lộc kỷ lục”: bốc thăm xổ số may mắn dành cho 1.000 người tham gia trải nghiệm với bộ giải thưởng gồm tiền mặt và sản phẩm ẩm thực có giá trị.
Nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực Lê Tân cho biết, vào ngày mất của Bà Bún, ngày 22 tháng Giêng hàng năm, làng Vân Cù tổ chức lễ hội Bà Bún. Hội Văn hóa ẩm thực Thừa Thiên Huế sẽ chung tay để nâng tầm lễ hội này, bởi đây là đặc trưng văn hóa của một làng nghề có truyền thống lâu đời. Hy vọng, sau lễ hội ẩm thực “Tinh hoa nghề bún”, Bà Bún được nhắc đến nhiều hơn, trở thành nét giá trị văn hóa lịch sử đặc trưng để thương hiệu bún Huế phát triển. Đây cũng là bước khởi đầu để đề nghị công nhận bún Vân Cù là di sản văn hóa phi vật thể.