TP HCM lý giải sự 'lép vế' của món truyền thống tại lễ hội ẩm thực

Nguyễn Thị Hồng

Well-known member
Ban tổ chức Lễ hội "Rạng danh văn hóa ẩm thực Việt" nêu lý do món ăn truyền thống bị lép vế trước các hàng xiên nướng, cá viên chiên, trong đó có yếu tố thời tiết.


Ngày 27/10, Hiệp hội du lịch TP HCM đã cung cấp thêm thông tin sau Lễ hội "Rạng danh văn hóa ẩm thực Việt" tổ chức cuối tuần trước ở Dinh Độc Lập. Trong ba ngày lễ hội diễn ra, nhiều du khách phản ánh "không mua được những món ăn truyền thống xuất hiện trên bản đồ ẩm thực", một số món "giá cao", lễ hội "tẻ nhạt và chỉ thấy nhiều gian bán đồ xiên nướng".

Gian hàng bán xiên nướng, cá viên chiên hút khách tại lễ hội ẩm thực Việt. Ảnh: Bích Phương


Gian hàng bán xiên nướng, cá viên chiên hút khách tại lễ hội ẩm thực Việt. Ảnh: Bích Phương

Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM cho biết các món xiên nướng, cá viên chiên thuộc phân khúc ẩm thực đường phố, xuất hiện trong lễ hội để phục vụ nhiều khách khác nhau. Lễ hội có 90 gian hàng đăng ký tham gia, trong đó chỉ có 7 gian đăng ký bán món ăn đường phố. Thực tế trong 3 ngày tổ chức một số gian đăng ký bán món truyền thống bánh xèo, bánh khọt lại trưng bày cá viên chiên, thịt xiên nướng phía ngoài gian hàng. "Khi nào có khách hỏi mua món truyền thống các đầu bếp mới bật bếp chế biến", bà Khánh nói.

Thời tiết trong ba ngày diễn ra lễ hội cũng "không thuận lợi", ngày nắng nóng, đến chiều lại mưa bão, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chế biến các món ăn tại gian hàng. Việc tổ chức lễ hội có "áp lực về mặt thời điểm", phải diễn ra đúng ngày 20/10 - ngày đầu bếp thế giới, mới có ý nghĩa, nên đành chấp nhận thời tiết xấu. Ban tổ chức và các đầu bếp "đều mong muốn mang nhiều món ăn vùng miền đến lễ hội" nhưng thời tiết xấu nên số lượng món ăn đặc trưng "chưa nhiều được như kỳ vọng".

Khu vực ăn uống của lễ hội được bố trí trên các bãi cỏ trong khuôn viên Dinh Độc Lập. Ảnh: Bích Phương

Khu vực ăn uống của lễ hội được bố trí trên các bãi cỏ trong khuôn viên Dinh Độc Lập. Ảnh: Bích Phương

"Một số đầu bếp ở Tây nguyên, Tây Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long cũng muốn mang đặc sản đến lễ hội nhưng điều kiện bảo quản không cho phép, tình hình mưa lũ ảnh hưởng việc di chuyển", bà Khánh cho biết.

Phản hồi về việc nhiều món ăn giá cao, chưa tương xứng chất lượng, đại diện Hiệp hội du lịch TP HCM thừa nhận còn thiếu sót trong giám sát giá cả tại lễ hội. Thực tế có trường hợp gian hàng bán cho khách giá cao hơn mức giá niêm yết với ban tổ chức, chẳng hạn đăng ký ly nước mía 15.000 đồng nhưng bán cho khách 20.000 đồng.

"Chúng tôi ghi nhận và cảm ơn mọi phản ánh từ du khách để điều chỉnh và làm tốt hơn trong những sự kiện lần sau", bà Khánh nói.

Món ăn truyền thống 'lép vế' trong lễ hội tôn vinh ẩm thực Việt

Thông tin về lý do chọn Dinh Độc Lập - một điểm tham quan di tích lịch sử có thu vé vào cổng, làm nơi tổ chức lễ hội ăn uống, ban tổ chức cho biết địa điểm này "đáp ứng được tiêu chí an toàn". Các cổng đều có lực lượng an ninh canh gác. Ngày đầu một số khách chỉ tham quan lễ hội phải mua vé, nhưng ban tổ chức đã ghi nhận tình hình và hai ngày kế tiếp khách vào cửa tự do.

Lễ hội diễn ra trong ba ngày thu hút được khoảng 50.000 lượt khách. Ban tổ chức ghi nhận các gian hàng bán món truyền thống như tiệm phở Bắc từ ngoài Hà Nội đưa vào bán trung bình 600 tô một ngày. Các món bún nước lèo miền Tây, bánh bò thốt nốt cũng hút khách.

"Tuy nhiên, lượng khách chưa phân bổ đồng đều các gian hàng, gian vắng khách, gian bán không kịp. Ban tổ chức sẽ đánh giá lại cơ cấu gian hàng và cải thiện cho lần sau", bà Khánh chia sẻ.
 
Bên trên