Trải nghiệm Bard: chatbot AI thông minh của Google hơn ChatGPT ở đâu?

luongphuthinh0801

Well-known member
Vào đầu tháng 2 vừa qua, Google đã ra mắt Bard – một chatbot AI có khả năng tương tác và trả lời yêu cầu từ người dùng. Ngay sau khi ra mắt, nhiều người dùng đã đặt câu hỏi rằng: khả năng vấn đáp và xử lý dữ liệu trên Bard có tốt hay không? Và liệu Bard sẽ thay thế Bing AI hay ChatGPT, những chatbot đang “làm mưa làm gió” trên thế giới? Trong bài viết này cùng đi tìm câu trả lời trên nhé!
1681116207990.png

Quá trình đăng ký Google Bard
Quá trình đăng ký tham gia Google Bard nhìn chung khá dễ dàng. Người dùng chỉ cần chuẩn bị một tài khoản Google, sau đó truy cập vào đường dẫn đăng ký để yêu cầu quyền gia nhập. Để sử dụng Bard, mình cần chuyển vùng sang Hoa Kỳ thông qua một VPN, sau đó truy cập website bard.google.com để bắt đầu sử dụng.

Đọc thêm: Hướng dẫn đăng ký trải nghiệm Bard – chatbot AI do Google phát triển

Cần nhớ rằng Bard vẫn đang trong quá trình thử nghiệm (Experimental) nên không thể tránh khỏi những sai sót, thiếu hụt về thông tin. Google cũng thông báo trong chính giao diện ứng dụng rằng “Bard may display inaccurate or offensive information that doesn’t represent Google’s views” (Bard có thể hiển thị dữ liệu thiếu chính xác hay các thông tin xúc phạm người dùng), vậy nên bạn cần cân nhắc trước khi sử dụng.

Khả năng tra cứu thông tin
Điểm mạnh đầu tiên trên Bard là nó có thể tra cứu thông tin theo dữ liệu thực. Chẳng hạn, với cùng một câu hỏi “Dân số Việt Nam trong năm 2021”, Bard có thể trả lời chính xác là khoảng 98,1 triệu người. Trong khi đó, ChatGPT chỉ có thể ước lượng số liệu tới cuối năm 2021 với khoảng 98,7 triệu người.

Bard có thể lấy số liệu thực tế trong năm 2022
… trong khi ChatGPT chỉ có thể truy xuất dữ liệu dân số từ năm 2021 trở về trước
Điều này giúp các thông tin mà Bard đưa ra có tính tức thời, độ chuẩn xác cũng được tăng lên đáng kể. Trên thực tế, ChatGPT mới đây cũng được cập nhật tính năng truy xuất dữ liệu tương tự, tuy nhiên nhiều khả năng chúng chỉ khả dụng với người dùng trả phí ChatGPT Plus.


Do là một chatbot AI, Bard có thể xử lý dễ dàng các thông tin đơn giản, chẳng hạn như tìm kiếm sự thật hiển nhiên hay làm toán. Một điều khá hay là khi giải toán, Bard có thể hiển thị các công thức và phép tính với font chữ chuẩn, giúp người dùng dễ nhìn và theo dõi hơn. Lời giải của Bard cũng rất mạch lạc, rõ ràng và dễ hiểu với những người mới học.


Bard cũng có thể xử lý dễ dàng các câu hỏi lập trình tương tự như ChatGPT. Tuy nhiên, mình không đánh giá quá cao code mà Bard đưa ra, vì chatbot này không giải thích chi tiết các phương thức, hàm hay thuật toán và code đôi khi bị sai, không thể chạy được.

Mặc dù nói có hỗ trợ tiếng Việt, nhưng Bard không thể hiểu những câu hỏi mà mình đặt ra
Một điểm đáng tiếc nữa là Bard chưa hỗ trợ giao tiếp bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, mình tin rằng trong thời gian sắp tới Bard cũng sẽ được cập nhật tính năng này vì lượng tìm kiếm và sử dụng chatbot tại Việt Nam là vô cùng lớn.

Khả năng sáng tạo nội dung
Là một chatbot AI nên Bard có khả năng sáng tạo các nội dung không được tìm kiếm. Chẳng hạn, mình có yêu cầu Bard viết một bài báo (khoảng 400 chữ) liên quan đến tình yêu độc hại (Write an article about how to deal with toxic relationship), chatbot có thể sáng tạo và xử lý bài viết với độ tin tưởng khá cao.


Tốc độ xử lý và trả lời của Bard khá nhanh. Mình thường chỉ mất từ 2 – 4 giây cho mỗi câu trả lời từ Bard, con số đó có thể ít hơn nếu không sử dụng VPN. Thêm vào đó, trong quá trình sử dụng Bard, mình không gặp phải lỗi trả lời hay việc câu chat bị ngắt giữa chừng như trên ChatGPT tiêu chuẩn.

Khả năng hành văn của Bard nhìn chung khá tốt. Các câu chữ được diễn đạt sáng ý, có nghĩa và phù hợp với văn phong của người đọc. Ngoài việc nhận được câu trả lời bằng chatbot, Bard cũng cung cấp thêm một tuỳ chọn cho phép người dùng tìm kiếm trực tiếp nội dung thông qua Google (biểu tượng Google it).


Tuy nhiên, do đang trong giai đoạn phát triển, Bard khó tránh khỏi những sai sót trong câu trả lời. Chẳng hạn, mình yêu cầu Bard so sánh chi tiết hiệu năng giữa iPhone 14 Pro Max và Galaxy S23 Ultra, Bard đưa ra khá nhiều thông tin thiếu chính xác, chẳng hạn như pin trên iPhone có dung lượng 4.800mAh (thực tế: 4.325mAh) hay ROM trên Galaxy S23 Ultra là 128GB (thực tế: tối thiểu 256GB). Đây là những sai sót liên quan đến dữ liệu và có thể sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Giao diện và trải nghiệm người dùng
Do sử dụng ngôn ngữ thiết kế Material You trứ danh trên những chiếc Google Pixel, Bard khiến mình ấn tượng về giao diện phần mềm lẫn trải nghiệm sử dụng. Các mục, tiểu mục được sắp xếp rõ ràng, dễ nhìn, trong khi khung chat được tách biệt với một màu sắc riêng. Đáng tiếc rằng Bard lại không có tính năng cho phép người dùng sử dụng nhiều cửa sổ chat song song như ChatGPT, mà chỉ cung cấp một cửa sổ giao tiếp duy nhất.

Giao diện chính của Bard
Tuy nhiên, điểm mạnh ở đây là các câu trả lời của Bard được trình bày rất rõ ràng, mạch lạc. Các tiểu mục được xuống dòng và in đậm, giúp người dùng dễ dàng quan sát cấu trúc câu trả lời hơn. Người dùng cũng có thể tuỳ chỉnh câu hỏi bằng cách nhấp vào biểu tượng cây bút chì bên phải. Thêm vào đó, người dùng cũng có thể chỉnh sửa câu trả lời mà Bard đưa ra bằng cách chọn View other drafts, sau đó chọn đáp án mong muốn.

Bard còn đưa ra nhiều bản nháp khác nhau cho mỗi câu trả lời
Tổng kết lại, Google Bard là một công cụ vô cùng thú vị, mở ra hướng đi mới trong cách người dùng thao tác và tìm kiếm thông tin. Mặc dù chúng vẫn còn tồn tại nhiều lỗi khi sử dụng, song việc Bard ra đời càng làm cho cuộc đua trí tuệ nhân tạo trở nên sôi động hơn, khi mà những ChatGPT hay Bing AI đã và đang thể hiện sự hiệu quả của mình.
 
Bên trên