Liễu Văn Tấn
Well-known member
- Search this website
Trải nghiệm đi câu cá ở Na Uy
Một trong những điều tuyệt vời nhất khi sống tại Na Uy là cảm giác được kết nối với thiên nhiên. Với đường bờ biển dài nhất Bắc Âu, địa hình vịnh hẹp đặc biệt và nguồn cá tự nhiên phong phú, Na Uy khiến trải nghiệm đi câu cá mùa hè trở nên thật sự đáng nhớ.
Thiên đường của các cần thủ
Với hơn 10 vạn km đường biển nhìn ra Bắc Đại Tây Dương và hơn 450 ngàn sông, hồ, suối tự nhiên, Na Uy xứng đáng được coi là thiên đường của các cần thủ. Câu cá không chỉ giới hạn trong việc buông cần ngồi chờ cá cắn câu đâu nhé. Bạn có vô số lựa chọn như: câu cá nước mặn hay cá nước ngọt, đi câu mùa hè hay mùa đông, câu cá kiểu thử thách hay tận hưởng.
Mùa hè, nơi các vịnh hẹp (fjords) ăn sâu vào vách núi lởm chởm của bờ Tây Na Uy, dân câu thường đi thuyền len lỏi vào lòng vịnh. Họ vừa tận hưởng thiên nhiên hùng vĩ, vừa buông cần chờ cá minh thái (saithe) cắn câu. Đây cũng là thời điểm ngày dài nhất trong năm. Vì vậy, nhiều gia đình cùng nhau đi về phía bắc như tỉnh Romsdalsfjord. Đây là nơi có dòng sông lý tưởng nhất để câu cá hồi và ngắm mặt trời rực rỡ lúc nửa đêm.
Cuối năm là thời điểm mùa đông dài lạnh lẽo và tối tăm. Thiên nhiên lại ban tặng Bắc cực quang. Bạn có thể vừa câu cá tuyết qua một chiếc lỗ trên lớp băng dày, vừa ngắm thứ lửa trời xanh lục bảo nhảy múa diệu kỳ. Đặc biệt, khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Ba hàng năm, cá tuyết di cư sinh sản sẽ hứa hẹn một mùa câu kéo cần không nghỉ. Giải câu cá tuyết thế giới tổ chức tại Lofoten cũng thu hút hàng ngàn cần thủ nghiệp dư và chuyên nghiệp. Không khí vùng biển Bắc “nóng” hẳn lên dưới tiết trời lạnh giá.
Lưu ý
Ở Na Uy, cá biển được tự do đánh bắt (không khai thác vì mục đích lợi nhuận). Tuy nhiên, khi đi câu tại một số vùng nước ngọt, các tổ chức quản lý đánh cá địa phương có thể yêu cầu giấy phép. Bạn có thể mua online tại inatur.no hoặc đọc thêm các thông tin hữu ích bằng tiếng Anh tại fishspot.no
Phát triển bền vững để giữ nước trong cá quý
Nhờ chính sách tập trung khai thác bền vững, nguồn nước biển và sông hồ ở Na Uy luôn là môi trường sống lý tưởng cho vô số loài cá và động vật thủy sinh.
Từ biển và từ sông, những con cá tuyết, cá trích, cá chình tươi ngon nhất sẽ được sơ chế và chuyển thẳng về cảng, chợ và siêu thị. Phần còn lại được phân phối khắp các quốc gia trên thế giới. Điều kiện tự nhiên thuận lợi có lẽ là lý do đưa ngành công nghiệp đánh bắt thủy hải sản trở thành nguồn thu chính của Na Uy sau khai thác dầu với mức thu hoạch trung bình 3 triệu tấn cá mỗi năm.
Cá hồi Na Uy ngon nhất thế giới
Tuy nhiên, cá hồi sống trong tự nhiên gần đây bị đe dọa bởi một số loại ký sinh trùng. Mặt khác, một lượng cá hồi nuôi khi trở về tự nhiên có xu hướng phá hoại và gây rối loạn sinh sản nguồn gen. Điều này khiến Ủy ban Cố vấn Khoa học Na Uy về Cá hồi Đại Tây Dương phải tích cực bảo vệ cá hồi tự nhiên. Người Na Uy luôn ý thức những miếng cá hồi tươi óng ánh da bạc là món quà quý giá mà biển cả dành riêng cho đất nước này. Do vậy, việc mua bán, chế biến không chỉ là hoạt động thương mại mà còn được coi như một truyền thống.
Chuyện câu cá và bí quyết hạnh phúc của người Na Uy
Bốn mùa câu cá và sống gần gũi với thiên nhiên, có lẽ người Na Uy đã quen với thời tiết khắc nghiệt và học cách hài lòng với những gì mình đang có. Khi đi câu, họ thường mang theo lều, túi ngủ, đồ ăn đơn giản và những dụng cụ an toàn cần thiết. Trong trường hợp khẩn cấp, các cabin cứu hộ luôn sẵn sàng mở cửa để họ ngủ qua đêm hay tự nấu nướng. Trải nghiệm câu cá ở đất nước đắt đỏ nhất nhì thế giới vì thế trở thành một lựa chọn “hợp túi tiền”. Người Na Uy chọn cho mình một lối sống “quay về với những điều đơn giản” (back to basic) để hòa mình với thiên nhiên. Họ tìm những nơi tưởng như không có ai sinh sống để tận hưởng cảm giác “chỉ cần vừa đủ là hạnh phúc rồi”.
Bài viết được in và đăng tải Báo Thế giới & Việt Nam năm 2017. Vui lòng không biên soạn, sao chép hay đăng lại trên các kênh khác khi chưa có sự đồng thuận của tác giả.
Fall in Fika