Tràn lan sim rác

Nguyệt Phan

Well-known member
Thay vì ra điểm bán của nhà mạng, Tuấn Hùng (Hà Nội) rẽ vào một cửa hàng nhỏ ven đường và mất chưa đến hai phút để mua sim.

Đầu tháng 3, Hùng vào một cửa hàng sim thẻ ở quận Nam Từ Liêm, nơi treo biển về đủ loại sim của các nhà mạng với giá rẻ. Cửa hàng yêu cầu anh đưa căn cước công dân để làm thủ tục đăng ký, nếu không sẽ không bán.
"Tôi nói quên giấy tờ và cần sim chỉ để vào mạng, cửa hàng chần chừ, nhưng sau đó vẫn bán theo đúng yêu cầu", anh kể.

Một cửa hàng bán sim tại Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý



Một cửa hàng bán sim tại Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý
Sim được anh mua có giá gần 200 nghìn đồng, lắp vào tự động nhận tín hiệu và có thể sử dụng luôn. Tra trên công cụ của nhà mạng, sim đăng ký dưới tên người khác, kích hoạt hơn một năm. "Tôi xác định đây chỉ là sim phụ, không sử dụng lâu dài nên đó không phải vấn đề", anh nói.
Những người như Hùng đang trở thành khách hàng của các dịch vụ sim rác tràn lan tại Việt Nam hiện nay.
Theo quy định từ 2017, thuê bao di động mới đều phải đăng ký thông tin, gồm giấy tờ tùy thân và ảnh chụp chân dung. Từ tháng 8/2022, thuê bao mới phải xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thế nhưng thực tế, người dùng vẫn dễ dàng mua sim đã kích hoạt sẵn bằng thông tin của người khác.
Thế Lâm, chủ một cửa hàng điện thoại tại Vĩnh Phúc, cho biết sim đã kích hoạt là một trong những mặt hàng luôn được nhiều người tìm mua. Cửa hàng cũng dễ dàng nhập về bán.
"Phần lớn đều biết cần đăng ký thuê bao chính chủ. Tuy nhiên, nhiều người chỉ mua sim phụ, sim để vào mạng, ngại đăng ký và loại sim này đáp ứng được nhu cầu đó", anh nói. Thế Lâm tiết lộ lý do khiến anh yên tâm bán là sim được nhập từ chính những người tự xưng là nhân viên nhà mạng.

Sim không cần đăng ký và kích hoạt được rao bán trên một trang thương mại điện tử. Ảnh: Lưu Quý


Sim không cần đăng ký và kích hoạt được rao bán trên một trang thương mại điện tử. Ảnh: Lưu Quý
Không chỉ ở các cửa hàng, sim đã đăng ký còn được rao bán công khai trên các mạng xã hội hay trang thương mại điện tử. Trên TikTok, một cửa hàng chuyên bán sim giá rẻ nhấn mạnh việc "không cần đăng ký" như một ưu điểm của dịch vụ.
Trên Shopee, danh mục sim di động liệt kê hàng trăm cửa hàng, nhiều trong số đó đã bán được vài trăm nghìn sản phẩm "sử dụng ngay". Bên dưới là hàng loạt bình luận khẳng định "dùng tốt" và phù hợp với nhu cầu.

Vì sao có sim rác?
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, "sim rác" vốn không có định nghĩa chính thức. Thuật ngữ này xuất hiện từ giai đoạn bùng nổ của thị trường di động tại Việt Nam hơn một thập kỷ trước. Khi đó, người dùng có thể mua sim nhanh chóng, vứt bỏ khi dùng hết khuyến mại và mua mới, nên bị coi như "rác".
Hiện nay, với các quy định mới, mọi thuê bao đều phải có thông tin người dùng. Sim rác giờ được hiểu là sim không chính chủ, được kích hoạt sẵn. Điểm chung là người mua không xác định sử dụng lâu dài, có thể bỏ bất cứ lúc nào, như trong trường hợp của anh Hùng hay các khách hàng của anh Lâm. Tuy nhiên, loại sim này cũng được giới lừa đảo, công ty quảng cáo lựa chọn vì khó truy tìm người sử dụng thực sự.
Theo anh Lâm, có cầu là có cung. Nhiều người đăng ký một lượng lớn sim, sau đó bán cho người khác mà không quan tâm đến mục đích sử dụng của họ. Trong khi đó, tại các nhà mạng, không ít nhân viên kinh doanh dưới áp lực doanh số đã tự ý kích hoạt sim với thông tin có sẵn.
Thực trạng này đã được thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ra tại cuộc họp tháng 9/2022, khi xử phạt bảy nhà mạng với số tiền ba tỷ đồng vì sai phạm trong việc quản lý thông tin thuê bao.
"Cá biệt, một số cá nhân đăng ký hàng nghìn sim. Đây là một trong các nguyên nhân của tình trạng sử dụng sim không chính chủ", Bộ kết luận.
Trong khi đó, chiêu trò tăng doanh số mà nhân viên nhà mạng thường dùng là sử dụng thông tin cá nhân hoặc thông tin của người khác để đăng ký thuê bao; cho đại lý mượn tài khoản đăng ký; lấy hồ sơ đăng ký lần đầu để kích hoạt thêm sim cho người sử dụng.

Một tài khoản TikTok quảng cáo bán sim không cần đăng ký. Ảnh: Lưu Quý


Một tài khoản TikTok quảng cáo bán sim không cần đăng ký. Ảnh: Lưu Quý
Có quy định nhưng chưa xử lý triệt để
Vài năm qua, đặc biệt ba tháng đầu 2023, tình trạng lừa đảo từ cuộc gọi rác, tin nhắn rác bùng phát tại Việt Nam. Các chuyên gia an toàn thông tin đánh giá một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là sim không chính chủ, tạo điều kiện cho kẻ xấu thực hiện hành vi phạm tội nhưng khó bị phát hiện. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc quản lý thuê bao di động.
Tại cuộc họp về triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao sáng 13/3 ở Hà Nội, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thống, khẳng định Cục luôn theo sát để quản lý tình trạng trên. Tuy nhiên, ông cũng cho biết không thể cấm một người sở hữu nhiều sim, vì có cá nhân, tổ chức cần nhiều số điện thoại phục vụ việc kinh doanh, chăm sóc khách hàng, hay sử dụng cho các thiết bị IoT.
Để hạn chế việc sim bị sử dụng cho mục đích xấu, luật quy định các cá nhân khi muốn đăng ký từ sim thứ tư trở lên, hoặc doanh nghiệp khi cần sim số lượng lớn, phải thực hiện hợp đồng theo mẫu với nhà cung cấp.
Trước đó, tại phiên chất vấn trước Quốc hội tháng 11/2022, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Bộ đang tập trung xử lý sim rác, nhằm ngăn chặn lừa đảo qua số điện thoại.
Theo ông Hùng, có ba công đoạn lớn trong việc giải quyết vấn nạn sim rác. Thứ nhất là đảm bảo toàn bộ thuê bao có thông tin. Tiếp đến, đảm bảo thông tin chính xác bằng việc đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cuối cùng là xử lý tình trạng sim không chính chủ.
"Xử lý xong vấn đề này sẽ ngăn chặn đáng kể được cuộc gọi rác, dùng số điện thoại để lừa đảo", Bộ trưởng Hùng nói.
Theo báo cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xóa 26 triệu thuê bao di động không có thông tin. Số thuê bao di động tại Việt Nam hiện khoảng 127 triệu và chỉ còn gần bốn triệu có thông tin chưa đúng chuẩn. Các nhà mạng đang trong quá trình chuẩn hóa dữ liệu, dự kiến hoàn thành vào 31/3. Đến ngày 15/5, thuê bao không cập nhật dữ liệu khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị chấm dứt hoạt động. Như vậy, công cuộc xử lý sim rác đang ở công đoạn thứ hai.
Các nhà mạng không bình luận về vấn đề sim rác, nhưng cho biết đang tập trung áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ và thủ công để chuẩn hóa thông tin thuê bao. VinaPhone đã triển khai ba cách giúp người dùng cập nhật: qua ứng dụng, website và tại điểm bán. Nhà mạng cũng gửi tin nhắn được cá thể hóa theo từng thuê bao để người dùng nắm thông tin bổ sung. Trong khi đó, Viettel nói một trong các rào cản là tập khách hàng sai thông tin không lớn, nhưng trải dài ở nhiều khu vực. Nhà mạng đã nhắn tin nhưng số khách hàng phản hồi rất thấp.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của ngành Viễn thông là chỉ đạo các doanh nghiệp xử lý triệt để tình trạng sim có thông tin không đúng quy định, sim không chính chủ, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về rủi ro khi sử dụng sim rác. Tuy nhiên, việc xử lý sim không chính chủ, sim rác hiện vẫn chưa được ấn định thời gian cụ thể.
 
Bên trên